Thời gian vừa qua, có không ít bộ luật, luật đi vào đời sống đã phát hiện ngay ra các "sạn", gây vướng mắc, không thể thực hiện được. Trong đó có những quy định “trên trời”, hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn được đưa vào luật nên đã "chết yểu". Vì thế, việc đề ra một quy trình lập pháp để luật phải sát với đời sống, giải quyết được các vấn đề của đời sống là một yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Các quy định pháp lý càng phức tạp, lằng nhằng, bất hợp lý, khó thực thi thì càng tạo điều kiện thúc đẩy những dòng chảy ngầm hòng vượt qua các quy định đó. Và khi các dòng chảy ngầm bị chặn lại sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, các quy định pháp lý thông thoáng, dễ thực hiện có giá trị rất lớn trong việc chống các dòng chảy ngầm, dòng chảy tiêu cực.
Thời gian qua, trong nền kinh tế và trong xã hội xuất hiện nhiều điểm tắc nghẽn như: Giải ngân vốn đầu tư công; việc cung ứng thuốc và vật tư y tế; thị trường xăng, dầu; thị trường bất động sản; dịch vụ đăng kiểm...