1. Sự cần thiết
Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Trong quá trình hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND), báo chí luôn đóng vai trò là cầu nối quan trọng, gắn kết mật thiết giữa Quốc hội, HĐND với cử tri và Nhân dân cả nước. Bên cạnh việc truyền tải thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động của Quốc hội, HĐND tới cử tri, Nhân dân, báo chí còn là kênh thông tin nhanh nhạy, hiệu quả phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân tới Quốc hội và HĐND; đồng thời, tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội và HĐND, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.
Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ thì việc đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công chung của Quốc hội và HĐND. Do đó, việc xây dựng Đề án tổ chức Giải báo chí thường niên về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) là cần thiết, là biện pháp hữu hiệu thu hút các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng phản ánh về hoạt động của Quốc hội và HĐND.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý
- Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII khẳng định “xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; Nghị quyết số 38-NQ/TW, ngày 12/01/2015 của Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng khóa XI xác định “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh “tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội”.
- Hiến pháp và các văn bản pháp luật cũng quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, tham gia quản lý nhà nước của công dân; về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc liên hệ chặt chẽ với cử tri; về người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND.
3. Cơ sở thực tiễn
- Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều cải tiến, đổi mới, nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, trong đó có công tác báo chí; các phóng viên đưa tin, tác nghiệp luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí về Quốc hội vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Quốc hội, cần được tăng cường hơn nữa.
- Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các giải báo chí, cuộc thi viết liên quan đến nội dung ngành, lĩnh vực quản lý, góp phần động viên, khích lệ, nâng cao trình độ chuyên môn của phóng viên. Năm 2015 và năm 2020, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công 2 giải báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2016) và 75 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2021), nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, tích cực của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước. Tuy nhiên, với vị trí, vai trò quan trọng của Quốc hội và HĐND thì việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc hằng năm về Quốc hội và HĐND là cần thiết, tương xứng, góp phần tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
4. Tên gọi của Giải
Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng).
5. Đơn vị tổ chức Giải
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Quốc hội.
- Đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
6. Thời gian tổ chức Giải
- Giải Diên Hồng được tổ chức thường niên mỗi năm một lần. Dự kiến thời gian phát động Giải vào Tháng 02, hạn nhận bài tham dự Giải vào Tháng 11 và tổ chức Lễ trao Giải vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946) hằng năm.
- Riêng Giải Diên Hồng lần thứ nhất dự kiến tổ chức Lễ trao Giải vào tháng 6/2023, nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
7. Lễ công bố và trao giải
- Lễ trao giải được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh Thời sự - Chính luận - Tổng hợp VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và một số cơ quan báo chí khác.
- Văn phòng Quốc hội ban hành kế hoạch bảo đảm tổ chức thành công Lễ Công bố và trao Giải.