Giải Diên Hồng được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quốc hội và HĐND theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; vai trò của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Giải Diên Hồng được tổ chức thường niên mỗi năm một lần. Năm 2022, năm đầu tiên tổ chức Giải có tên: "Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất” gọi tắt là Giải Diên Hồng lần thứ nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Lễ Phát động Giải Diên Hồng
Giải được tuyển chọn và trao cho các tác giả (nhóm tác giả), tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân với những trọng tâm sau:
Phản ánh về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6/1/1946) đến nay; tập trung nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh, nhiệm vụ của Quốc hội luôn gắn liền với lịch sử Cách mạng Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và hội nhập thành công, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Phản ánh quá trình, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; kết quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu bấm nút phát động Giải Diên Hồng
Phản ánh sự đồng hành của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tô quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; khẳng định Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, chủ động và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, được cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Phản ánh về sự đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến những đổi mới trong cách thức tổ chức, tiến hành các kỳ họp Quốc hội, trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Phản ánh về quá trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của HĐND các cấp theo quy định của pháp luật; về kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND trong việc triển khai các văn kiện của Đảng, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về những cải tiến, đổi mới trong cách thức tổ chức các kỳ họp HĐND, trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Phản ánh về mối quan hệ phối hợp công tác của các Ban của HĐND cấp tỉnh với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội. Phản ánh về kết quả thực hiện trách nhiệm của đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi tới Quốc hội và HĐND; về công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng hình ảnh đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tiêu biểu, có đức, có tài theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21 -KT/TW của BCHTW khóa XIII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Chương trình hành động của đại biểu dân cử, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, xứng đáng với niềm tin, mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại buổi lễ phát động Giải Diên Hồng
Phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch liên quan đến hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Phản ánh các nội dung khác liên quan đến Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Theo Thể lệ, tác giả tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài) hoặc người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình) theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy định của Thể lệ Giải Diên Hồng đều có quyền gửi bài tham dự Giải.
Các tác phẩm dự Giải Diên Hồng lần thứ nhất được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt), đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ 1/3/2021 đến 30/4/2023 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí.
Thời gian nhận tác phẩm tham dự từ ngày phát động Giải Diên Hồng đến 30/4/2023 (theo dấu Bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm: Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. Giải Diên Hồng lần thứ nhất được trao vào tháng 6/2023.
Giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại gồm: 1 giải Đặc biệt trị giá 95 triệu đồng; 6 giải A, mỗi giải trị giá 45 triệu đồng; 12 giải B, mỗi giải trị giá 30 triệu đồng; 16 giải C, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng và 30 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.