Tác phầm đoạt giải

Từ cuộc sống đến nghị trường - Bài 2: Mọi quyết sách đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

23/04/2023
Không chỉ đồng hành, mà còn thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, Quốc hội đã đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, dù không phải quyết định nào cũng dễ dàng được đồng thuận.

Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) sắp qua nửa nhiệm kỳ với số lượng kỳ họp bất thường bằng số lượng kỳ họp bình thường - điều chưa từng có trong lịch sử 77 năm qua của Quốc hội Việt Nam. Có sự “bất thường” này là bởi “hơi thở cuộc sống” đã vào nghị trường nhanh hơn, với đòi hỏi cấp bách hơn. Khoảng cách từ cuộc sống đến nghị trường đã trở nên gần hơn bao giờ hết.

Bài 2: Mọi quyết sách đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Không chỉ đồng hành, mà còn thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, Quốc hội đã đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, dù không phải quyết định nào cũng dễ dàng được đồng thuận.

Đằng sau kỳ tích xuất khẩu

Năm 2022, ngành dệt may và da giày mang về kim ngạch xuất khẩu 71 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Có được kỳ tích ấy, theo doanh nhân Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang (LGG), Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, không thể không nói đến việc nới trần làm thêm giờ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vào cuối tháng 3/2022.

“Từ cuối năm 2021, nhà máy đã phải làm việc ‘ba tại chỗ’, đến tháng 3/2022 thì gần như toàn bộ công nhân đều nhiễm Covid-19, nên phải nghỉ hết, mà nhiều đơn hàng đã ký trước đó rồi”, doanh nhân Lưu Tiến Chung nhớ lại hoàn cảnh cam go không chỉ riêng LGG phải đối mặt khi đó.

Để đáp ứng được đơn hàng, không còn cách nào khác là sau khi công nhân đi làm trở lại, thì phải tăng ca, làm thêm cả ngày nghỉ. Thế nhưng, nếu theo quy định của Bộ luật Lao động, thời gian làm thêm trong 1 tháng không được quá 40 giờ, 1 năm không quá 200 giờ, thì dù doanh nghiệp có “vắt chân lên cổ”, cũng không thể nào ứng phó được.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động rất mạnh bởi các đánh giá của các tổ chức tuân thủ quốc tế, mà các đánh giá này dựa rất nhiều vào Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vi phạm quy định làm thêm giờ, đối tác nước ngoài sẽ hạn chế, thậm chí không chấp nhận đơn hàng và đưa ra rất nhiều rào cản khác.

“Trong bối cảnh đó, việc được nới trần làm thêm lên không quá 60 giờ/tháng, tương ứng không quá 300 giờ/năm có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề như vậy, nhưng năm 2022, doanh thu của LGG vẫn tăng hơn 30%, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cũng rất ấn tượng”, doanh nhân Lưu Tiến Chung nhớ lại.

Vị Tổng giám đốc doanh nghiệp có đến gần 10.000 lao động này chia sẻ thêm, ngay cả một số cơ quan nhà nước cũng chưa nhìn nhận đầy đủ về vai trò của các tổ chức tra soát các chuỗi cung ứng của quốc tế. Các quyết định của họ đều bám vào hệ thống luật pháp của nước sở tại và chuẩn mực quốc tế. Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống pháp luật vẫn còn cần thời gian để hoàn thiện, vì thế, quyết định mạnh mẽ, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vô cùng có ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn rộng hơn, thời điểm doanh nghiệp được hỗ trợ từ việc nới trần làm thêm giờ cũng là lúc Nghị quyết số 43/2022/QH15 với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội lên tới gần 350.000 tỷ đồng bắt đầu đi vào cuộc sống. Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố nêu đánh giá, giảm thuế giá trị gia tăng, một trong các chính sách tại Nghị quyết 43/2022/QH15 là chính sách đáng chú ý trong năm 2022.

“Sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong năm 2022 có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội”, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.

Nỗ lực tìm điểm cân bằng

Ý nghĩa to lớn của những quyết sách từ nghị trường đã được thực tế chứng minh, song hành trình để những quyết sách đó được ra đời chứa đựng không ít nỗ lực để có thể tìm được điểm cân bằng.

Trở lại việc nới trần làm thêm giờ, tại Kỳ họp thứ hai (cuối năm 2021), thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phản ánh nguyện vọng nâng mức trần số giờ làm thêm của các doanh nghiệp, để có thể tổ chức sản xuất kịp và bù các đơn hàng cho đối tác, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động.

Sau đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm, mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc theo Bộ luật Lao động.

Thế nhưng, qua nhiều vòng thảo luận, cho đến tận trước giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, vẫn còn nguyên sự “giằng co” giữa mức làm thêm giờ trong 1 tháng không quá 60 giờ theo quan điểm của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Xã hội của Quốc hội) và 72 giờ theo quan điểm của Ban soạn thảo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành tới hai buổi họp trong tháng 3/2022 để cân nhắc thật thấu đáo đề xuất nói trên. Ở góc nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ảnh hưởng đến sức khoẻ hậu Covid-19 là rất nặng nề, không phải ai cũng làm thêm mức 72 giờ được. Do đó, cần hết sức cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài để tìm điểm cân bằng cho một phương án tối ưu.

Ứng phó với giải pháp tình thế là vậy, với vấn đề lớn mang tính chiến lược như Quy hoạch Tổng thể quốc gia - nội dung quan trọng nhất của kỳ họp bất thường lần thứ hai (tháng 1/2023), nỗ lực tìm điểm cân bằng càng được cơ quan lập pháp và hành pháp coi trọng. Bởi đây là vấn đề rất mới, rất khó, trong đó khó nhất và có nhiều ý kiến quan tâm nhất, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là phạm vi, ranh giới của Quy hoạch dừng ở mức độ nào.

Khó như vậy, nên dù trước khi trình Quốc hội, đã có gần 30 cơ sở, viện, trường, với khoảng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia, nhưng đến kỳ họp bất thường, vẫn có tới 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường, “soi” từng vấn đề ở nhiều góc cạnh để hoàn thiện Quy hoạch.

Những góp ý từ nghị trường, theo Trưởng ban Soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là rất có giá trị và gợi mở rất nhiều nội dung để Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch.

Cầu thị lắng nghe và tiếp thu một cách thực chất, để rồi sau khi lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết, bài toán khó nhất là Quy hoạch Tổng thể quốc gia không được chung chung quá để trùng với chiến lược và định hướng, nhưng cũng không được chi tiết quá sẽ lại trùng với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, đã có đáp án tốt nhất, được Quốc hội thông qua với 90,52% phiếu thuận.

Không phân biệt ý kiến của cơ quan lập pháp hay hành pháp, luôn lắng nghe nhau để tìm phương án tốt nhất, đó cũng là quan điểm xuyên suốt trong mọi quyết định của Quốc hội.

Nhìn lại từ sự ra đời đặc biệt với sự trao quyền đặc cách chưa từng có ở Nghị quyết 30/2021/QH15 cho đến Nghị quyết 43/2022/QH15 với gói hỗ trợ phục hồi và những quyết sách sau đó, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã nhấn mạnh tinh thần kiến tạo của cơ quan lập pháp.

“Lâu nay, vẫn thường nghe nói Chính phủ kiến tạo, Quốc hội đồng hành, nhưng ở nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, vì thế, khoảng cách giữa hoạch định chính sách và điều hành gần như không còn độ trễ quá xa. ‘Đúng vai, thuộc bài’ là quan trọng, nhưng để hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khoẻ và đời sống của dân, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, thì cần sự đột phá và Quốc hội đã làm được điều đó”, đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định.

Với kinh nghiệm vừa là đại biểu Quốc hội liên tục 3 nhiệm kỳ (XIII, XIV, XV), vừa trực tiếp tham gia điều hành kinh tế tại địa phương, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, ở nhiệm kỳ này, Quốc hội đã chủ động hơn trong lập pháp, sâu sát hơn trong giám sát. Điều đó tạo “áp lực” không nhỏ cho đại biểu, nhất là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nhưng cũng khiến chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Chính sách cần linh hoạt, nhưng trong khuôn khổ

Nhìn lại một năm từ khi chính sách nới trần làm thêm giờ được quyết định, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra chính sách) vẫn chưa quên được sự “giằng co” giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra chính sách trong nhiều cuộc họp.

Lúc đó, có ý kiến cho rằng, một số thành viên của cơ quan thẩm tra quá cứng nhắc khi đến phút cuối vẫn chỉ đồng ý nâng lên 60 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm (có giới hạn ngành nghề). Thế nhưng, năm 2022, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là dệt may, da giày (lĩnh vực thâm dụng lao động) không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn lập kỳ tích xuất khẩu, người lao động cũng có cơ hội tăng thu nhập, ổn định cuộc sống sau đại dịch.

“Thực tế đó cho thấy, chính sách cần phải linh hoạt, nhưng linh hoạt trong khuôn khổ để hài hòa lợi ích. Đây phải được coi là quan điểm xuyên suốt trong mọi quyết sách có liên quan đến người dân và doanh nghiệp, nhất là những chính sách liên quan đến quyền con người”, đại biểu Kim Thúy nhìn nhận.
Nguyễn Lê

Bài viết cùng chuyên mục