Tác phầm đoạt giải

Từ cuộc sống đến nghị trường - Bài 1: Bối cảnh bất thường, quyết sách đặc biệt

20/04/2023
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, khó có thể kể hết những quyết sách đặc biệt, những câu chuyện “lần đầu tiên” xuất hiện trong hoạt động của Quốc hội. Nhiều vấn đề nổi cộm của cuộc sống đã được giải quyết kịp thời từ sự nỗ lực đổi mới đó.

Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) sắp qua nửa nhiệm kỳ với số lượng kỳ họp bất thường bằng số lượng kỳ họp bình thường - điều chưa từng có trong lịch sử 77 năm qua của Quốc hội Việt Nam. Có sự “bất thường” này là bởi “hơi thở cuộc sống” đã vào nghị trường nhanh hơn, với đòi hỏi cấp bách hơn. Khoảng cách từ cuộc sống đến nghị trường đã trở nên gần hơn bao giờ hết.

Bài 1: Bối cảnh bất thường, quyết sách đặc biệt

Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, khó có thể kể hết những quyết sách đặc biệt, những câu chuyện “lần đầu tiên” xuất hiện trong hoạt động của Quốc hội. Nhiều vấn đề nổi cộm của cuộc sống đã được giải quyết kịp thời từ sự nỗ lực đổi mới đó.

Đột phá từ tư duy

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp tháng 4/2023, đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Chuyên đề này được Quốc hội giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ năm, khai mạc sau một tháng nữa.

Thống kê 132 văn bản được ban hành theo thẩm quyền về các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch, Đoàn giám sát của Quốc hội đã dành hai chữ “đặc biệt” cho Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 30).

Với chuyên đề giám sát nói trên, Nghị quyết 30 đặc biệt quan trọng bởi đã tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, khó khăn về cơ sở pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương được ban hành và áp dụng những biện pháp đặc thù, đặc biệt chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh cấp bách của đại dịch.

Nhìn lại sự ra đời của Nghị quyết 30, chỉ riêng hai chữ “đặc biệt” khó có thể diễn tả hết được. Nghị quyết ra đời ngay từ kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới - kỳ họp nếu như theo thông lệ, chủ yếu tập trung cho công tác nhân sự. Nhưng khi đó, Covid-19 hoành hành dữ dội. Tại TP.HCM, có vị bác sỹ lần đầu trúng cử đại biểu Quốc hội, nhưng xin ở lại tuyến đầu chống dịch vì địa phương nơi ông ứng cử đang là điểm nóng. Còn ở hành lang Quốc hội, ngày khai mạc kỳ họp, các đại biểu vẫy tay chào nhau qua tấm biển “khu vực cách ly”.

Phiên trù bị, chương trình của Kỳ họp thứ nhất được Quốc hội thông qua chưa hề có chút bóng dáng nào của dự thảo nghị quyết về tăng cường các biện pháp chống dịch. Nhưng đòi hỏi của cuộc sống đã ùa vào nghị trường khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp bất thường với 5 bộ trưởng để nắm bắt cặn kẽ tình hình và các vấn đề liên quan tới phòng, chống Covid-19.

Sau đó, “Quốc hội lần đầu tiên vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao”, như khái quát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Với sáng kiến lập pháp này, có những việc được rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Như thế, Quốc hội đã thúc giục Chính phủ “xé rào”. Theo sát hoạt động của Quốc hội gần 30 năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, đây là lần đầu tiên, bằng một nghị quyết, Quốc hội đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ trong bối cảnh yêu cầu chống dịch đặt ra rất cấp bách.

Trao quyền phải đi liền với giám sát. Nhìn lại gần 2 năm từ khi “bảo kiếm” được trao, khi kết quả giám sát chuyên đề nói trên chuẩn bị được trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận, dù còn có những hạn chế, nhưng phải khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của Nghị quyết 30 trong việc đẩy lùi và kiểm soát đại dịch của Việt Nam. “Nếu cứ theo quy trình thông thường, thì Việt Nam sẽ không thể khống chế được dịch bệnh như thế”, ông Cường nhận xét.

Tham gia Đoàn giám sát chuyên đề trên của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhìn nhận, sự ra đời của Nghị quyết 30 cho thấy, Quốc hội không chỉ ban hành chính sách theo đề xuất của Chính phủ như lâu nay, mà khi thấy cần thiết, đã thúc giục Chính phủ xé rào, gợi mở cho công tác điều hành theo hướng cử tri mong đợi, cuộc sống đòi hỏi. Đây chính là đột phá từ tư duy.

Vì những quyết sách đúng, Quốc hội luôn sáng đèn

Ghi dấu ấn rất quan trọng, Nghị quyết 30 chỉ là một trong nhiều quyết sách chưa có tiền lệ của Quốc hội đương nhiệm. Tháng 10/2021, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình này, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Và để chữ “sớm” không nằm trên giấy, chưa đầy 2 tháng sau, Quốc hội họp bất thường, cũng là kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội quyết định lên tới gần 350.000 tỷ đồng.

Một đạo luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau để gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh được gấp rút hoàn thành ngay tại kỳ họp bất thường này. Chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng được Quốc hội thông qua.

Những quyết sách trên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giải quyết kịp thời, cấp bách hai nhiệm vụ song song. Đó là vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch, vừa phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội, không chỉ đáp ứng cho năm 2022, mà cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Tháng 5/2022, tại Kỳ họp thứ ba, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương, như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội.

Nhắc tới 6 dự án trên, khi chủ trì phiên họp thứ 5, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải ngày 12/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, các công trình, dự án được phân bổ rộng khắp từ Nam tới Bắc, với các dự án giao thông trục Bắc - Nam, Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội. Do đó, Ban Chỉ đạo phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, đô thị, dịch vụ phát triển đến đó, không có đường thì không thể phát triển công nghiệp. “Nhà nước đã bố trí vốn; có các cơ chế, chính sách; quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; vấn đề thúc đẩy các công trình, dự án nằm ở khâu tổ chức thực hiện”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cuối năm 2022, tại Kỳ họp thứ tư, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thể thông qua, dù việc nâng cấp hành lang pháp lý cho ngành y trong giai đoạn khốn khó đã vô cùng cấp bách. Rồi Quy hoạch Tổng thể quốc gia - quy hoạch gốc quyết định các quy hoạch khác, cần thêm thời gian hoàn thiện. Lần thứ hai, Quốc hội họp bất thường vào đầu năm 2023.

“Dù chưa sửa được Luật Quy hoạch, nhưng từ Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia, hàng loạt quy hoạch cấp dưới đang được triển khai”, Chủ tịch Quốc hội nói trong phiên họp tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn nhiều, nhiều nữa những quyết sách chưa từng có tiền lệ được bấm nút tại phòng họp Diên Hồng - nơi đã diễn ra 8 kỳ họp của Quốc hội khóa XV. Và để có được thành công của cả 8 kỳ họp ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội làm việc bất kể giờ giấc. “Có những hôm, 3 - 4 giờ sáng, phòng làm việc của Ủy ban vẫn sáng đèn, còn những hôm làm việc đến 8-9 giờ tối thì đếm không nổi”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Y tế từng nhắc đến các cuộc họp ngay trong đêm với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để chính sách mới kịp trình Quốc hội. Các cuộc họp khẩn trong đêm, những nghị quyết được ký ngay trong đêm cũng chẳng xa lạ với cả lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan giúp việc. Một trong các nghị quyết được ký ngay trong đêm sau cuộc họp khẩn ngoài giờ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống Covid-19.

“Chúng ta còn rất nhiều công việc ở phía trước. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm và tiếp tục kỳ vọng vào hoạt động của Quốc hội. Chúng ta cũng phải chuẩn bị tâm thế biến những điều bất thường trở thành bình thường để đáp ứng yêu cầu cuộc sống như trong năm 2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói sau kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đầu năm 2022.

Đầu năm 2023, phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Vì những quyết sách đúng, Quốc hội luôn sáng đèn, đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là ghi nhận của cả người dân và doanh nghiệp.

80% vướng mắc sẽ được giải quyết

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai (tháng 1/2023), Quốc hội đã “ngoại lệ” khi thông qua Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) - theo nghị trình được bấm nút từ Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), song khi đó chưa đảm bảo chất lượng. Nếu chờ đến kỳ họp thường lệ tiếp theo Quốc hội mới thông qua, thì sẽ khó khăn hơn cho ngành y đang “tan tác” sau đại dịch.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho rằng, khi Luật có hiệu lực, có thể giải quyết được 80% những vướng mắc mà ngành y đang gặp phải, trong đó có các vấn đề vô cùng nan giải như tự chủ bệnh viện, mua sắm trang thiết bị, giá dịch vụ y tế... “Đây là một đạo luật đậm sâu nhất tinh thần lấy những bất cập trong thực tiễn để sửa đổi cho phù hợp, cho hợp lý, cho khả thi và để áp dụng được ngay trong thực tiễn khám, chữa bệnh đang rất nóng bỏng”, đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định.

            (Còn tiếp)

Nguyễn Lê

Bài viết cùng chuyên mục