Tác phầm đoạt giải

Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển - Tại sao, khơi thông cách nào? Bài 1: Tắc nghẽn - hệ lụy và nguyên nhân

17/04/2023
Thời gian qua, trong nền kinh tế và trong xã hội xuất hiện nhiều điểm tắc nghẽn như: Giải ngân vốn đầu tư công; việc cung ứng thuốc và vật tư y tế; thị trường xăng, dầu; thị trường bất động sản; dịch vụ đăng kiểm...

Trong các điểm tắc nghẽn đó đều có một lý do chung được đưa ra là: Vướng mắc về pháp lý. Vậy tại sao trong cùng một thời điểm, có quá nhiều vấn đề pháp lý xuất hiện gây ách tắc ở nhiều lĩnh vực, cản trở sự ổn định và phát triển như vậy? Cách khơi thông là gì?... Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân góp phần giải thích và tìm giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Để từ đó thấy rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cần được quán triệt và thực thi một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả để pháp luật luôn là dòng chảy thông suốt.

Bài 1: Tắc nghẽn - hệ lụy và nguyên nhân

 Vướng mắc pháp lý đang xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội nước ta, tạo ra các "cục máu đông" của nền kinh tế và gây tắc nghẽn nhiều dịch vụ xã hội. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?

Nghẽn dòng kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I-2023 của Việt Nam ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra (tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đề ra kịch bản tăng trưởng GDP quý I là 5,6%). Mức tăng này chỉ nhỉnh hơn mức tăng 3,21% của quý I-2020 khi nước ta áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng, chống dịch Covid-19 khiến cả xã hội ngưng hoạt động.

Trong tốc độ tăng trưởng GDP thấp của quý I-2023, có những điểm đáng ngại là tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2023 của TP Hồ Chí Minh-một cực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam-chỉ đạt 0,7%, vào nhóm tỉnh có mức tăng trưởng thấp nhất nước. Đến mức đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ví von rằng nếu coi 4 quý là 4 trận đấu thì trận đầu tiên TP Hồ Chí Minh bị thua đậm, phải nỗ lực cho 3 trận sau.

Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển - Tại sao, khơi thông cách nào? Bài 1: Tắc nghẽn - hệ lụy và nguyên nhân

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: MẠNH HƯNG 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chỉ tăng 1,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta quý I-2023 giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập. Cụ thể, trong quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tất cả số liệu trên cho thấy, môi trường kinh doanh đang không thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Khách quan thì nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp và bất ổn, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, rồi sự chia phe, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn... Tuy nhiên, một lý do khiến các doanh nghiệp thực sự gặp trở ngại là những khó khăn từ các quy định pháp lý và đùn đẩy trách nhiệm của hệ thống cán bộ, công chức khiến công việc, dự án không trôi, vốn đầu tư công giải ngân thấp. Tại Hội thảo công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 4-4-2023, nhiều ý kiến cho rằng dòng chảy pháp luật kinh doanh của Việt Nam đang tắc nghẽn. Những tắc nghẽn pháp lý đang cản trở phát triển!

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhận được nhiều ưu đãi chính sách, thủ tục thông thoáng. Thế nhưng theo nghiên cứu mà VCCI vừa công bố, đa số doanh nghiệp FDI cũng phàn nàn gánh nặng thực thi pháp lý tăng lên trong năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là 60,6%, tăng mạnh so với con số 32,9% của năm 2020.

Các vướng mắc pháp lý có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung là do một vài nguyên nhân sau đây: 1-Có quá nhiều quy định, quy trình phức tạp, chồng chéo; 2-Nhiều quy định chưa hợp lý hoặc không cần thiết; 3-Quy định không rõ ràng, gây lúng túng cho việc thực hiện; 4-Năng lực thực thi của cán bộ, công chức; 5-Bệnh sợ trách nhiệm.

Quá nhiều quy định, quy trình phức tạp, chồng chéo

Có một thực tế hiện nay là để giải quyết một nội dung công việc có rất nhiều quy định của pháp luật. Trong đó có nhiều quy định chồng chéo, đan xen, thậm chí xung đột với nhau, quy trình xử lý thì phức tạp. Để tuân thủ hết các quy định ấy trong điều kiện mọi việc suôn sẻ đã mất rất nhiều thời gian, chưa kể nếu có vướng mắc thì rất khó giải quyết. Do đó, các dự án luôn chậm chạp, ì ạch.

Trong những năm qua, “gỡ vướng mắc”, “gỡ điểm nghẽn”, “gỡ nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên báo chí, truyền thông. Quốc hội, Chính phủ rất sốt ruột, có nhiều giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Nhận thấy Luật Đầu tư công năm 2014 khi đi vào thực hiện tạo ra nhiều vướng mắc, Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư công năm 2019 để tháo gỡ. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn hết sức ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí muốn xin trả lại vốn vì không giải ngân được.

Việc ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công trước hết là bởi có quá nhiều thủ tục. Chưa một cơ quan nào thống kê chính xác có bao nhiêu thủ tục phải hoàn thành trong một dự án đầu tư công, bởi vì các dự án đầu tư công rất đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hàng, nhiều luật liên quan, trong đó có những lĩnh vực đặc thù. Ví dụ như dự án đầu tư công liên quan tới hạ tầng thì thường gắn với đất đai, phải tuân thủ Luật Đất đai, sau đó lại phải tuân thủ Luật Quy hoạch, mà quy hoạch thì thường đã có trước, sửa quy hoạch không hề dễ. Rồi còn vướng một loạt luật khác là Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, để giải ngân vốn đầu tư công phải trải qua một quá trình “rất dài”, “rất phức tạp”, “rất nhiều vấn đề”. Cụ thể, để giải ngân vốn đầu tư công phải trải qua một quy trình 5 bước, kèm theo nhiều công đoạn, điều kiện đi kèm. Đó là dự án phải có khối lượng thực hiện, đầy đủ thủ tục, nhà thầu tốt, các điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi... Quy trình 5 bước ấy bao gồm: 1-Chủ trương đầu tư (nếu là dự án có vốn nước ngoài thì còn các bước khác trước cả chủ trương đầu tư): Để chuẩn bị cho chủ trương đầu tư được thông qua thì có rất nhiều bước phải làm. Đối với dự án thông thường mất khoảng 6 tháng, còn các dự án phức tạp cần hơn 1 năm. 2-Phê duyệt dự án (quyết định đầu tư): Chủ đầu tư cần thực hiện nội dung công việc như thiết kế chi tiết, các dự án chi tiết, đánh giá tác động môi trường. Nếu nhanh thì phần này cần 6 tháng, vừa phải thì cần 1 năm, nếu trong quá trình mà gặp vướng mắc thì kéo dài nữa. 3-Giải phóng mặt bằng: Công tác này vô cùng phức tạp, không phải dự án nào cũng có thể giải phóng mặt bằng ngay được. 4-Phê duyệt thiết kế xây dựng: Quyết định đầu tư có rồi nhưng để thiết kế ấy triển khai được, thi công được thì phải có cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, cũng mất rất nhiều thời gian. 5-Đấu thầu: Nếu không vướng mắc, khiếu kiện gì thì bước này cũng mất 6 tháng. Đấu thầu xong thì mới ký kết với nhà thầu để thực hiện dự án và mới có giải ngân. Trải qua 5 bước trên, để nhà thầu bắt tay vào thi công, nếu nhanh với dự án nhóm C mất 1 năm, dự án nhóm B mất 2 năm, dự án nhóm A thì dài hơn nữa...

Điều đó dẫn đến việc là có tiền để làm dự án rồi, nhưng vì các bước giải ngân phức tạp như vậy nên không thể đưa tiền ra được. Việc chậm trễ giải ngân, dự án chậm làm Nhà nước và nhân dân thiệt đơn thiệt kép: Dự án chậm làm giảm hiệu quả tác động đến kinh tế-xã hội, đồng thời kéo dài thời gian phải trả nợ, làm tăng nguy cơ đội vốn do trượt giá.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ngày 21-2-2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trước đây, khó khăn nhất trong đầu tư là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, có những vướng mắc vì chúng ta "tự đem đá buộc chân mình", đặc biệt là những vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Trong chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện hành, khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư. Như vậy, khi bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì hai năm sau mới giải ngân được.  

“Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì. Thế nhưng bây giờ, chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Tưởng ưu đãi hóa thành ngược đãi

Các doanh nghiệp, chuyên gia cho đến nhà quản lý lý giải việc thị trường bất động sản đang lâm vào trạng thái gần như đóng băng là vì 70% vướng mắc bởi vấn đề pháp lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, những khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến pháp luật đất đai gồm: Xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất... đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường”.

Những quy định gây vướng mắc cho các dự án bất động sản đến từ nhiều luật, nghị định, thông tư, trong đó có những quy định rất bất hợp lý. Ví dụ như để ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội, Nhà nước cho chủ đầu tư dự án nói trên được miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1-2 năm. Khâu lập và phê duyệt quy hoạch, nếu dự án nhà ở thương mại chỉ cần quy hoạch phân khu (tỷ lệ bản đồ 1/5.000 hoặc 1/2.000) hoặc quy hoạch chi tiết 1/5.000 là có thể tổ chức đấu thầu thì dự án nhà ở xã hội phải có quy hoạch chi tiết 1/500-một yêu cầu dường như rất vô lý nhưng vẫn đang tồn tại trong Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Như thế, dự án nhà ở xã hội lẽ ra được ưu đãi thì các quy định phức tạp khiến chủ đầu tư cảm giác như bị ngược đãi, bởi thủ tục khó khăn hơn dự án nhà ở thương mại.

Hay theo quy định, các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Điều này tưởng như sẽ tạo thuận lợi, làm tăng quỹ đất cho dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế quy định này lại dẫn đến việc hầu hết địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Bên cạnh đó, quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị... dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.

Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển - Tại sao, khơi thông cách nào? Bài 1: Tắc nghẽn - hệ lụy và nguyên nhân
Một dự án bất động sản cao cấp bị ngừng trệ. Ảnh: PHÚ SƠN  

Muôn kiểu quy định... trên trời

Trong lĩnh vực y tế, vừa qua, nhiều bệnh viện lớn lâm vào cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế do những bất cập trong công tác đấu thầu từ các quy định của pháp luật. Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế bộc lộ một số vướng mắc như:

Thứ nhất, việc quy định giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại vật tư, khiến việc đấu thầu rất khó thực hiện do chưa tính đến yếu tố lạm phát, trượt giá. Nhất là khi dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm qua đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu, logistics (vận tải, bảo quản)... đều tăng nên rất khó để đưa ra mức giá hợp lý. Vì vậy, bệnh viện có mời thầu nhưng không doanh nghiệp nào đưa ra được mức giá bằng giá của năm trước để tham gia việc mua sắm. Tương tự, việc mua sắm trang thiết bị y tế còn khó hơn vì cùng một loại máy nhưng cấu hình khác, tính năng kỹ thuật khác nên giá sẽ khác nhau. Mặt hàng thuốc được chia thành 5 nhóm để đấu thầu nhưng vật tư y tế chưa được chia nhóm cụ thể, chưa tính yếu tố uy tín, chất lượng của hãng sản xuất nên có giá khác nhau.

Thứ hai, vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế (số lượng, chủng loại...) của bệnh viện có thể không sát với thực tế. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn...

Điển hình cho kiểu quy định tưởng như rất tích cực, giúp phòng ngừa tiêu cực trong đấu thầu mua sắm công, nhưng ngược lại, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các bệnh viện, quyền lợi của bệnh nhân, đó là quy định trong Luật Đấu thầu: Phải có 3 báo giá trong một dự án đấu thầu trang thiết bị y tế. Điều này dẫn tới vướng mắc khi có những trang thiết bị độc quyền chỉ có một nhà cung cấp duy nhất, có nghĩa là chỉ có một báo giá duy nhất, do đó không thể thực hiện được. Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ được ban hành vào đầu tháng 3-2023 đã giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Cùng với đó, nhiều người hy vọng khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, nhiều vướng mắc nữa sẽ được tháo gỡ.

(còn nữa)

HỒ QUANG PHƯƠNG - TS NGUYỄN SĨ DŨNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Bài viết cùng chuyên mục