Tác phầm đoạt giải

Sức mạnh lòng dân làm nên kỳ tích: Bài 1 - Kỷ lục 30 tháng làm hơn 4 nghìn km đường

24/04/2023
Xác định giao thông phải đi trước một bước, là động lực quyết định cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế kích cầu, thu hút các nguồn lực đầu tư mở rộng, làm mới hàng loạt tuyến đường.

Không chỉ đường làng, ngõ xóm từng ngày “thay áo mới”, những tuyến giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố bạn cũng ngày càng rộng dài, thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH. Thế nhưng ít ai biết, “trái ngọt” hôm nay lại khởi đầu từ một nghị quyết của HĐND tỉnh.

{keywords}

Tuyến đường thôn Đồng Chu, xã Yên Định (Sơn Động) được đầu tư, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Xuân Thỏa.

Đưa thực tiễn, nguyện vọng cử tri vào nghị quyết

Ở mỗi địa phương, rộng ra là cả nước, giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống dân sinh. Cũng vì vai trò quan trọng đó nên như nhiều tỉnh, TP khác, bê tông hoá đường GTNT đã được nhiều địa phương ở Bắc Giang thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Song từ thời điểm đó đến sau này, việc chỉnh trang, nâng cấp giao thông mới dừng lại ở tự phát và chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện thuận lợi. 

Cũng từ tự phát nên đường làm không theo quy chuẩn kỹ thuật; mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến không chỉ chất lượng nhiều tuyến đường không bảo đảm, nhanh xuống cấp mà còn phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Nghị quyết số 113, ngày 22/7/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 xác định, đến năm 2020 phấn đấu tất cả đường huyện, 65% đường xã, 60% đường thôn, xóm được cứng hoá. Tuy nhiên, gần hai năm sau, tỷ lệ đường giao thông cứng hoá toàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 40%. 

Qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh; từ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, HĐND tỉnh nhận thấy việc ban hành Nghị quyết chuyên đề quy định chính sách đặc thù về hỗ trợ cứng hoá đường trục thôn, liên thôn là rất cần thiết. 

{keywords}

Người dân xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) đóng góp ngày công làm đường GTNT.

Ông Vũ Tấn Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) chia sẻ: “Sau khi tập trung khảo sát, nghiên cứu, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và xuất phát từ nhu cầu bức thiết của thực tiễn, ngày 13/7/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh”.

Theo Nghị quyết, lần đầu tiên tỉnh có cơ chế hỗ trợ toàn bộ xi măng để “kích cầu” làm đường. Đặc biệt, lượng xi măng cấp không hạn chế để khuyến khích các thôn, xã mở đường kết hợp đổ bê tông, tối thiểu bề rộng 3,5 m trở lên. Đáng chú ý, ngoài mức hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND tỉnh, nhiều huyện, TP có chính sách riêng. 

Tại Hiệp Hòa, ngoài quy định của tỉnh, huyện hỗ trợ 400 nghìn đồng/m3 bê tông với tuyến đường có chiều rộng 5 m trở lên. Huyện Lạng Giang hỗ trợ 100 triệu đồng/km với mặt đường từ 3,5 m trở lên và 200 triệu đồng/km đối với đường từ 4,5 m trở lên. Huyện Lục Nam hỗ trợ 100 triệu đồng/km với các tuyến đường thuộc thôn bình thường, 200 triệu đồng/km với tuyến đường ở thôn, xã đặc biệt khó khăn. 

Huyện Sơn Động hỗ trợ 200 triệu đồng/km với tất cả các công trình làm đường. Huyện Yên Dũng hỗ trợ 20% giá trị đối với công trình nền đường đất, 100% vật liệu gồm cát, đá với công trình cải tạo, nâng cấp… Mỗi địa phương có cách thức hỗ trợ khác nhau song điều dễ thấy là hiếm có nghị quyết nào có sự thống nhất cao như nghị quyết của HĐND tỉnh về làm đường giao thông. Từ “cú hích” đó, phong trào làm đường diễn ra sôi nổi, rộng khắp.

Những con đường “Nghị quyết hội đồng”

Thực hiện nghị quyết, với vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình tại cơ sở, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, hạn chế, nhất là trong cung ứng xi măng. Nhờ đó, chỉ sau gần một năm thực hiện, toàn tỉnh cứng hoá được hơn 250 km đường GTNT, đạt gần 70% kế hoạch - con số chưa từng có. 

{keywords}

Trồng hoa ven đường GTNT tại xã Xương Lâm (Lạng Giang).

Nhận thấy khí thế làm đường của người dân dâng cao, ngày 11/7/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06 sửa đổi Nghị quyết 07 theo hướng rút ngắn thời gian và kết thúc chính sách hỗ trợ vào năm 2019, thay vì năm 2021 như trước. Đồng thời bổ sung đối tượng hỗ trợ là các công trình mở rộng đường trục thôn, liên thôn, đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn; hỗ trợ thêm 100 triệu đồng/km (ngoài hỗ trợ xi măng) khi thực hiện các công trình thuộc diện được hỗ trợ tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Nghị quyết 07 và 06 đã thúc đẩy phong trào cứng hoá GTNT phát triển mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Toàn tỉnh huy động hơn 4 nghìn tỷ đồng làm đường, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Với sự chung sức đồng lòng của toàn dân, chỉ trong 30 tháng, toàn tỉnh đã đổ bê tông hơn 4,2 nghìn km đường GTNT, vượt gần 222% kế hoạch. Không chỉ vậy, quy mô mặt đường được nâng lên, rộng từ 3,5-7 m. 

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá: “Chỉ trong hơn hai năm, Bắc Giang đã làm được con đường bê tông tương đương chiều dài từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại…”. Đến nay, đến bất cứ vùng quê nào trong tỉnh, điều dễ thấy là đường làng bê tông rộng rãi, sạch đẹp, nhiều nơi có điện thắp sáng, hai bên trồng hoa làm bức tranh nông thôn thêm trù phú, thanh bình. Và người dân đều gọi con đường với cái tên thân thuộc là đường “Nghị quyết 07, Nghị quyết 06”.

Dẫn chúng tôi dạo trên những tuyến đường được đổ bê tông, các thành viên Ban quản lý thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) phấn khởi nói, hiện tất cả đường thôn, ngõ xóm đều phong quang, sạch đẹp. Dù nhiều năm đã qua song đồng chí Vũ Trí Mầu, Bí thư Chi bộ thôn vẫn nhớ rõ không khí làm đường khi đó. 

Với sự chung sức đồng lòng của toàn dân, chỉ trong 30 tháng, toàn tỉnh đã đổ bê tông hơn 4,2 nghìn km đường GTNT, vượt gần 222% kế hoạch.

Năm 2017 và 2018, cả tỉnh vào chiến dịch làm đường, nhu cầu xi măng tăng cao, nhiều nơi phải cắt cử người túc trực tại cổng nhà máy xi măng để chở về cho bà con. Không quản ngày đêm, có xi măng là cả thôn bắt tay làm đường. Với không khí đó, không chỉ 4 km dự kiến ban đầu mà toàn bộ hơn 10 km đường đã được đổ bê tông chiều rộng ít nhất 4,5 m, có chỗ hơn 10 m bảo đảm cho phương tiện cơ giới vận chuyển hàng hoá, nông sản cho bà con. Không tính xi măng, trị giá các tuyến đường cả tỷ đồng, phần lớn do hộ dân đóng góp.

Tại huyện vùng cao Sơn Động có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống, không khí làm đường cũng sôi động. Thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn đa phần là người dân tộc Nùng, nguồn thu chủ yếu từ lúa, cây ăn quả song “năm được năm mất” bởi thời tiết bấp bênh, giả như được mùa song vì đường nhỏ hẹp, thương nhân không thể vào tận nơi thu mua vận chuyển, giá giảm ngót nửa. 

Để gỡ khó về giao thông, sau khi tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ, các hộ dân đã đóng góp hơn 600 nghìn đồng/khẩu đổ bê tông hơn 3 km đường. Các hộ còn tự nguyện chặt hơn 300 cây vải thiều, hiến 8 nghìn m2 đất và hàng trăm m tường rào để thôn mở rộng đường.

Tại Lục Ngạn, từ nhà nhà đóng góp ngày công, kinh phí làm đường, thôn nọ “ngó” thôn kia, phong trào làm đường dần lan toả mạnh. Cách làm của huyện là lấy thôn làm trước tuyên truyền cho thôn làm sau; khó khăn ở đâu tháo gỡ ngay ở đó. Ngoài mức xi măng của tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ 150 triệu đồng/km cho các thôn đặc biệt khó khăn, 100 triệu đồng/km với các thôn, khu phố còn lại. 

Huyện còn hỗ trợ ngay cho các thôn 100% kinh phí vận chuyển xi măng đến công trình. Nhiều xã dành ngân sách xã hỗ trợ thêm cho các thôn. Với cách làm đó, trong hơn hai năm, gần 1,2 nghìn km đường ở Lục Ngạn được đổ bê tông, đạt gần 100% tổng số chiều dài đường thôn của cả huyện. Những tuyến đường quê trải rộng uốn lượn bên vườn cây mùa nào trái ấy, giúp bà con thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, có cuộc sống ấm no.

Thành quả thu được từ sự kết hợp của ý Đảng, quyết sách của HĐND tỉnh và sức mạnh từ sự đồng thuận của lòng dân đã vượt xa dự kiến. Song cái được lớn nhất từ một chủ trương hợp lòng dân đó là từ cơ chế kích cầu của HĐND tỉnh, hiện nay dù đã kết thúc thời gian được hưởng hỗ trợ nhưng phong trào làm đường GTNT ở các địa phương trong tỉnh vẫn diễn ra sôi động. 

Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp nâng lên góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bắc Giang có 6/10 đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới; 145/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 huyện, 91 xã so với năm 2017

(Còn nữa)

Trịnh Thị Lan - Lê Thế Phương

Bài viết cùng chuyên mục