Tác phầm đoạt giải

Quốc hội và Hội đồng nhân dân - Tầm nhìn và trách nhiệm (Bài 3): Đồng hành trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân

24/03/2023
Với sự ghi nhận vai trò trong việc hoàn thiện pháp luật, đổi mới phương thức thực hiện và đặc biệt là niềm phấn khởi của HĐND, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân, mong đợi lớn nhất của HĐND các cấp không gì khác chính là tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và từng đại biểu Quốc hội. Khi đó, các kiến nghị, đề xuất của nhân dân địa phương không chỉ là việc của HĐND mà còn là của Quốc hội; chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật sẽ là sự đồng hành trách nhiệm và tâm huyết của cả hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả

Thông qua các hoạt động tương tác giữa Quốc hội và HĐND, nhiều kiến nghị, đề xuất xây dựng pháp luật về tổ chức, bộ máy và pháp luật chuyên ngành đã được xem xét, sửa đổi, bổ sung. UBTVQH đã phân công các Ủy viên UBTVQH, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia các hoạt động của HĐND để trực tiếp ghi nhận, giải đáp, tháo gỡ các vấn đề HĐND quan tâm, những khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đó, số lượng kiến nghị, đề xuất giảm rõ. Tại Hội nghị tổng kết hoạt động HĐND lần đầu tiên (năm 2022), Ban Công tác đại biểu tổng hợp có 53 nhóm kiến nghị, đề xuất của Thường trực HĐND (đến nay 100% kiến nghị đã được giải quyết), tại Hội nghị lần thứ hai (năm 2023), con số này chỉ còn 6 kiến nghị.

Bài cuối: Đồng hành trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân -0
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 tại Quảng Ninh. Ảnh: Lâm Hiển

Sự tận tâm, trách nhiệm của UBTVQH đối với HĐND đã tạo động lực, niềm tin và quyết tâm để HĐND hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022, là tiền đề cho năm bản lề 2023 hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ ở các tỉnh, thành phố, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND. Theo báo cáo công tác năm 2022, hoạt động của HĐND đã có chuyển biến tích cực, ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Số lượng địa phương có đổi mới, điểm nhấn, tạo dấu ấn trong hoạt động ngày càng nhiều. Hoạt động của HĐND bám sát yêu cầu thực tiễn, thiết thực, trách nhiệm hơn. Các kỳ họp HĐND được tổ chức hợp lý, khoa học, bảo đảm vừa kịp thời, vừa “thực chất và hiệu quả”. Kết quả năm 2022, HĐND các tỉnh, thành phố ban hành gần 5.900 nghị quyết, trong đó có gần 1.700 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Việc tiếp công dân của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND cấp tỉnh trung bình đạt 87,86%, một số địa phương có tỷ lệ 100%; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cả nước trung bình đạt 87,74%. HĐND cũng tích cực tham gia góp ý vào các dự án luật, cung cấp thông tin về thực trạng triển khai chính sách tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Kênh thông tin quan trọng hoàn thiện pháp luật

Với sự ghi nhận những giá trị thực tế trong việc hoàn thiện pháp luật, đổi mới phương thức thực hiện và đặc biệt là niềm phấn khởi của HĐND, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân đối với các cơ quan dân cử, mong đợi lớn nhất của HĐND các cấp không gì khác chính là tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH. Khi đó, các kiến nghị, đề xuất của nhân dân địa phương không chỉ là việc của HĐND mà còn là của Quốc hội; chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật sẽ là sự đồng hành trách nhiệm và tâm huyết của cả hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Hệ thống pháp luật sẽ ngày càng hoàn thiện hơn để phản ánh đúng yêu cầu hoạt động của cơ quan dân cử. Đây cũng là bước tiến thể hiện tư duy thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH15 ngày 26.12.2022 tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND” đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đáp ứng mục đích hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND.

Dưới góc độ hoàn thiện pháp luật, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, hoạt động của HĐND, nghiên cứu ban hành nghị quyết chung hướng dẫn hoạt động của HĐND để thay thế Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND; ban hành Quy chế mẫu hoạt động của HĐND cấp tỉnh bảo đảm tính thống nhất trong quy trình, thủ tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh.

Dưới góc độ cơ chế thực hiện, UBTVQH đặt ra nhiệm vụ cần làm rõ nội dung, phạm vi giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong các đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội; gắn nội dung đề nghị hướng dẫn của HĐND với phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện các hoạt động có sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đánh giá hoạt động của HĐND. Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực sẽ được tổ chức theo hướng gắn với theo dõi, giám sát thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội của vùng, các địa bàn như khối các thành phố trực thuộc Trung ương; khối các tỉnh, thành phố theo yêu cầu liên kết vùng hoặc có đặc điểm chung về tính chất địa bàn, về quy mô và đặc điểm phát triển kinh tế; kết hợp tổ chức theo chuyên đề, theo lĩnh vực.

Hội nghị tổng kết hoạt động của HĐND cũng sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm, có sự tham gia của đại diện Chính phủ để tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH và công tác hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của HĐND.

Điểm tựa trên hành trình gắn kết

Sự quan tâm của tập thể lãnh đạo Quốc hội và UBTVQH Khóa XV đã cho thấy tính hiệu quả, đúng đắn của chủ trương tăng cường sự gắn kết và nâng cao trách nhiệm của UBTVQH đối với HĐND. Thành công trước hết chính là sự ghi nhận của HĐND. Thay vì câu hỏi “cấp trên của mình là ai?”, thì nay Quốc hội, UBTVQH là địa điểm được HĐND tìm đến để mỗi khi có vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật hay khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tại các hội nghị, các diễn đàn, đại diện Thường trực HĐND nhiều địa phương bày tỏ vui mừng trước những sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội để HĐND giữ vững và phát huy vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị, trong việc đổi mới quản trị ở địa phương.

Ngày 9.11.2022, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, chính quyền địa phương để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với vị trí, vai trò là thiết chế dân chủ do nhân dân bầu trực tiếp, cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng, Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo sẽ tiếp tục gắn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống cơ quan quyền lực thông suốt từ Trung ương tới địa phương để vững vàng, đoàn kết, ngày càng thực quyền, hiệu quả.

Hoàng Thị Lan

Bài viết cùng chuyên mục