Trước thực tế vai trò của Quốc hội đối với HĐND dù đã từng bước được tăng cường nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tập thể lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH Khóa XV đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động từ các nhiệm kỳ trước để kế thừa, phát huy những giá trị, kết quả đạt được nhằm tiếp tục thực hiện trách nhiệm và tăng cường mối quan hệ với HĐND. Từ rà soát các quy định pháp luật đến đánh giá hiệu quả từng nhiệm vụ đã được lãnh đạo Quốc hội quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Mong muốn xác định mối quan hệ từ góc độ pháp lý
Cùng được hiến định là cơ quan quyền lực, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở trao quyền của nhân dân, chỉ khác về phạm vi đại diện toàn dân (Quốc hội) hay đại diện cho cử tri tại một đơn vị hành chính (HĐND các cấp), từ Hiến pháp 1946, Luật Tổ chức Quốc hội (năm 1960), Sắc lệnh số 63/SL về HĐND và Ủy ban hành chính (năm 1945) đến các bản Hiến pháp, các văn bản pháp luật về Quốc hội và chính quyền địa phương sau này, mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND luôn là dấu hỏi.
Mối liên hệ đó có lẽ được xác định rõ nhất thông qua chức năng giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND. Tuy nhiên, những nhiệm kỳ trước, nhiều lãnh đạo chủ chốt của HĐND trăn trở: “cấp trên của mình là ai”? Khi vướng mắc trong hoạt động, cơ quan dân cử không biết hỏi Quốc hội hay Chính phủ vì cả hai đều có chức năng hướng dẫn HĐND. Nhiều đề nghị, thắc mắc của địa phương chưa được kịp thời lắng nghe, giải đáp vì thiếu cơ chế xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Sự thiếu vắng của Quốc hội trong hoạt động của HĐND xuất phát phần nhiều từ việc chưa xác định rõ mối quan hệ của hai thiết chế này từ góc độ pháp lý.
Hướng tới lợi ích chính đáng của nhân dân
Vượt qua những rào cản và sự phân định chưa cụ thể, nhằm phát huy sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử, những tác động thuận chiều từ hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử đến công tác quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp, tư pháp, trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được trong các nhiệm kỳ trước, Quốc hội Khóa XV đã tiếp tục tăng cường gắn kết với HĐND. Đây là yêu cầu thực tiễn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND được quy định tại các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp về cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nguyên tắc hoạt động của cơ quan nhà nước được nhận thức rõ ràng hơn. Thay vì quan điểm, mọi hoạt động nhân danh nhà nước chỉ dựa vào quy định của pháp luật thì đối với cơ quan dân cử, nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất là hoạt động gì hướng tới nhân dân, có tác động tích cực nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích chính đáng của nhân dân sẽ là cơ sở để Quốc hội và HĐND thực hiện.
Với các thành viên đã trải qua nhiều vị trí công tác ở địa phương và Trung ương, ở cơ quan hành pháp, lập pháp, vận dụng tư duy khoa học trong công tác xây dựng và thực thi chính sách, lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu - cơ quan thuộc UBTVQH được thành lập từ năm 2003, đã có kinh nghiệm dày dặn trong tham mưu, giúp UBTVQH thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND - thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với cơ quan dân cử ở địa phương. Việc thiết lập này không chỉ căn cứ vào quy định pháp luật, mà còn hướng dẫn những gì pháp luật đang bỏ ngỏ. Khi đó, vai trò của Quốc hội với HĐND được thể hiện theo chiều hướng là sự đồng hành của cả hệ thống. UBTVQH không chỉ có trách nhiệm giải thích mà còn có trách nhiệm ban hành pháp luật theo thẩm quyền, là nơi truyền tải tinh thần sáng tạo, kinh nghiệm hoạt động và xử lý tình huống có tính đặc thù của cơ quan dân cử.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, trên cơ sở Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Công tác đại biểu đã kịp thời, khẩn trương nghiên cứu tham mưu các đề án, nghị quyết để thực hiện trách nhiệm và tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND như Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND”; Nghị quyết “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”; “Kế hoạch và khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026”…
Sự tham gia của Quốc hội với HĐND cũng được tăng cường thông qua việc tham dự các kỳ họp HĐND, các hội nghị Thường trực HĐND, tổ chức lấy ý kiến của HĐND vào các dự thảo đề án, luật, nghị quyết; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức đối với đại biểu HĐND, mời đại diện Thường trực HĐND tham gia các đoàn công tác trong và ngoài nước. Ở chiều ngược lại, HĐND đã tích cực tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của UBTVQH, dự thính các phiên họp của Quốc hội. Đặc biệt, đã hưởng ứng, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, trách nhiệm, vì dân trong hoạt động của Quốc hội.
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, trước đây việc mời dự thính các kỳ họp Quốc hội có thành phần chủ yếu là đại diện Thường trực HĐND cấp tỉnh. Với tầm nhìn dài hạn của UBTVQH, trên cơ sở nhiệm vụ theo chức năng của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu UBTVQH kế hoạch mời dự thính trong cả nhiệm kỳ. Cùng với đó, thành phần mời được mở rộng gồm đại diện UBND, UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh, giám đốc sở, ngành liên quan đến nội dung Quốc hội đang thảo luận nhằm tạo sự lan tỏa, gắn kết để cả hệ thống chính trị cùng đồng hành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND. Qua đó, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.