Chặng đường nửa nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, tích cực, trách nhiệm vừa qua cho thấy Quốc hội khóa XV ngày càng đổi mới, gần dân, phát huy dân chủ, lắng nghe rộng rãi ý kiến nhân dân, đưa nhiều hơn "hơi thở" cuộc sống tới nghị trường, trong việc quyết định, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, thúc đẩy kinh tế, xã hội, củng cố vị trí trên trường quốc tế.
Thước đo hiệu quả hoạt động của Quốc hội chính là niềm tin của cử tri và nhân dân. Hành trang mà mỗi đại biểu Quốc hội mang theo đến nghị trường cũng chính là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi gắm. Điều đó đòi hỏi hoạt động của Quốc hội không ngừng đổi mới, mỗi đại biểu Quốc hội không ngừng rèn luyện, trau dồi để thực hiện trọn vẹn trọng trách của mình, để luôn được dân mến, dân thương và dân nhờ.
Là một cử tri thường xuyên được mời tham dự các buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương, ông Nguyễn Văn Doanh (60 tuổi, cựu chiến binh ở Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội được tổ chức thường xuyên. Thông qua các buổi tiếp xúc, cử tri được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp đối với các vị đại biểu dân cử, từ đó truyền tải tới nghị trường Quốc hội. Đồng thời, cử tri cũng được lắng nghe, nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề quốc kế dân sinh do các vị đại biểu truyền đạt.
"Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri đã góp phần tăng thêm niềm tin của cử tri chúng tôi đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội", ông Nguyễn Văn Doanh nói.
Tuy vậy, bên cạnh việc đánh giá cao những đổi mới, kết quả tích cực trong hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Doanh cũng kiến nghị, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: Đối tượng tiếp xúc cử tri chưa được mở rộng, thời gian tiếp xúc còn ngắn; một số cuộc tiếp xúc cử tri còn hình thức, chưa thu hút sự tham gia và phản ánh của đông đảo cử tri; cử tri là nông dân, công nhân, những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất tham gia tiếp xúc chưa nhiều... Những hạn chế này cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để phát huy triệt để hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới.
"Là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và nhân dân cả nước, các đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, để Quốc hội có những quyết sách kịp thời, thực tế và hợp lòng dân hơn nữa", ông Nguyễn Văn Doanh kiến nghị.
Ngay buổi gặp mặt đầu tiên với các cơ quan thông tấn báo chí trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, gần dân, trọng dân của mỗi đại biểu Quốc hội.
Nhấn mạnh "đại biểu Quốc hội chính là trung tâm hoạt động của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, không chỉ cá nhân bản thân mình mà mỗi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tất cả các đại biểu Quốc hội đều thấy được vinh dự và trách nhiệm lớn lao của mình để luôn phấn đấu, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức theo các tiêu chuẩn khắt khe của người đại biểu nhân dân đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, mặt khác không ngừng cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, gần dân, trọng dân, xứng đáng với sự tin tưởng, lựa chọn của cử tri.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hoạt động Quốc hội là tổng hòa tất cả mọi kiến thức, nếu cá nhân mình có nhiều trải nghiệm cũng là điều đáng quý, nhưng điều quan trọng hơn là các đại biểu Quốc hội là cả kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá cộng với trí tuệ toàn dân với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học; do đó, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp này.
PGS, TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, để Quốc hội đưa ra được những quyết định sáng suốt, hoạt động hiệu quả, có sức sống bền bỉ và niềm tin của nhân dân vào Quốc hội cũng không ngừng được nâng cao, thì "trái tim" của Quốc hội là mỗi đại biểu Quốc hội cần gần nhân dân, hiểu nhân dân, lắng nghe nhân dân và phục vụ nhân dân.
Bởi lẽ, chỉ có gắn bó chặt chẽ, mật thiết, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Quốc hội mới có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bám sát đời sống kinh tế - xã hội và hợp lòng dân.
PGS, TS Phạm Duy Đức cho biết: Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XV phát huy những nền tảng sẵn có, tiếp tục duy trì, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, lấy những thành tựu đó làm cơ sở, nền tảng để giải quyết bằng được những vấn đề cấp thiết của đất nước, phục hồi phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
“Trên hết, tôi kỳ vọng Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần hăng hái hơn nữa, nhiệt tình hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, sát dân hơn nữa, với vai trò, cương vị của một đại biểu Quốc hội dân cử, bám sát hơi thở đời sống thực tế, hết lòng vì lợi ích của nhân dân, của cử tri, để Quốc hội luôn hoàn thành trọng trách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”, PGS, TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh.
Với sự tâm huyết, quyết liệt, sáng tạo và đổi mới, thích nghi nhanh của người đứng đầu Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như các đại biểu Quốc hội khóa XV, PGS, TS Phạm Duy Đức tin chắc chắn rằng, với những tư duy mới, cách làm mới, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục song hành, tiếp tục ban hành những chính sách kịp thời giúp đất nước có những bước chuyển mình đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra cho một nhiệm kỳ có ý nghĩa then chốt, khởi động hành trình xây dựng đất nước hùng cường, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đánh giá thời gian qua, Quốc hội trên "lăng kính" của mình đã xây dựng pháp luật rất tốt, đồng chí Lê Như Tiến (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) bày tỏ kỳ vọng những năm tiếp theo của nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và không ngừng đổi mới hoạt động.
Đồng chí Lê Như Tiến đề xuất, trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường các kỳ họp, phiên họp chuyên đề, nhằm phát huy vai trò của các đại biểu chuyên trách đối với hoạt động của Quốc hội trên từng lĩnh vực quan trọng.
"Bởi lẽ, không thể chờ đến các kỳ họp Quốc hội mới đưa ra bàn thảo bởi đời sống kinh tế, xã hội luôn diễn biến từng ngày, từng giờ, cần những quyết sách nhanh, kịp thời, đúng và trúng hơn nữa", đồng chí chí Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Ở góc độ liên quan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng nhấn mạnh, Quốc hội muốn hoạt động tốt thì phải thực sự phát huy được tính dân chủ, ý chí tập thể, ý chí của gần 500 đại biểu.
"Chúng ta phải huy động được sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học vào các công việc của Quốc hội, đặc biệt là trong những hoạt động thẩm tra, giám sát, để các dự án luật được đóng góp một cách khách quan, khoa học, chính xác nhất. Từ đó tham mưu giúp Quốc hội quyết định những vấn đề liên quan đến lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước một cách hiệu quả nhất", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường "hiến kế".
Lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cảm nhận rất rõ vinh dự và cả trọng trách khi là đại biểu Quốc hội.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn luôn mong muốn hoạt động của Quốc hội cũng như của từng đại biểu sẽ hiệu quả hơn nữa, gần dân, sát dân để hiểu dân, từ đó có thêm những đóng góp xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân đối với từng đại biểu và cả Quốc hội.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Muốn đạt được điều trên, tôi nghĩ rằng hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn phải tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trước cử tri bằng cách thường xuyên tương tác và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri; đẩy mạnh giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước để tìm ra những điểm chưa phù hợp. Từ đó có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ những điểm nghẽn cho sự phát triển đất nước.
Đối với từng đại biểu của nhân dân, PGS, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ hy vọng rằng, không ngừng nâng cao ý thức chính trị và trình độ chuyên môn, cũng như cập nhật các công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình làm việc phải được xem là công việc thường xuyên, liên tục để các đại biểu Quốc hội có thể đáp ứng với kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Từng có bốn nhiệm kỳ với 20 năm làm đại biểu Quốc hội, điều TS Bùi Sỹ Lợi (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) luôn đau đáu vẫn là về chính sách an sinh xã hội vì con người.
TS Bùi Sỹ Lợi nhiều lần nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta tăng trưởng phát triển mà không bảo đảm được vấn đề xã hội, đời sống của người dân, như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói, thì sự tăng trưởng đó không có ý nghĩa. Quan trọng là tăng trưởng phát triển giải quyết kinh tế-xã hội nhưng phải bảo đảm sự công bằng xã hội, điều đó mới quan trọng và mới thể hiện được tư tưởng của Hiến pháp, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vấn đề an sinh xã hội, công bằng, bảo đảm đời sống tối thiểu cho người dân còn phải đi một chặng đường nữa - nghĩa là đòi hỏi sự bền bỉ, quyết tâm chính trị rất cao, nhất là cái tâm của người "công bộc" của dân, trong đó có các đại biểu Quốc hội.
Trăn trở với việc cải cách tiền lương nhằm cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, TS Bùi Sỹ Lợi bày tỏ một điều kỳ vọng quan trọng nhất của mình. "Tôi cũng mong rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội này dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm cải cách bằng được tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, nhằm bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức; từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế nước nhà", TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đồng thời, TS Bùi Sỹ Lợi cũng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ chung tay xây dựng các chính sách xã hội để bảo đảm có một sàn an sinh xã hội để thực hiện quan điểm của Đảng, nhà nước ta là "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Với tư cách là một cử tri, ông Trần Xuân Soạn (75 tuổi, cựu chiến binh ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên theo dõi các cuộc họp Quốc hội. Ông Trần Xuân Soạn cho rằng, trong thời gian vừa qua, Quốc hội có sự tiến bộ vượt bậc, cả trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội hằng năm.
Ông Trần Xuân Soạn đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành đầy tâm huyết của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó chủ tịch Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Theo ông Trần Xuân Soạn, các đại biểu, dù là đại biểu ở Trung ương hay đại biểu ở địa phương đều thực hiện tốt chức trách của người đại biểu dân cử, được cử tri đánh giá cao và tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới Quốc hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội của đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, ông Trần Xuân Soạn cũng như nhiều cử tri đều mong muốn dưới sự điều hành của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV trong chặng tiếp theo sẽ làm tốt chức năng lập pháp, giám sát cũng như ban hành các quyết sách lớn; xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, hội tụ trí tuệ và bản lĩnh, niềm tin và khát vọng, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển, thịnh vượng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Gửi tâm tư, nguyện vọng đến Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khóa XV, bác Nguyễn Văn Tâm, một cán bộ hưu trí ở Văn Lâm, Hưng Yên mong muốn trong nhiệm kỳ này, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận và giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt là Luật Đất đai sửa đổi hay một số vấn đề tiêu cực trong xã hội cần được giải quyết triệt để hơn.
"Ngoài ra, Quốc hội cũng cần quyết liệt để có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức khi đang có hiện tượng nhiều người bỏ việc ở khối nhà nước ra ngoài làm, nhất là trong khối y tế và giáo dục...", bác Nguyễn Văn Tâm nói.
Ở nơi xa xôi địa đầu Tổ quốc, khó khăn cả về điện - đường - nước, ông Trần Văn Phống (65 tuổi, người dân tộc Nùng, Trưởng xóm Nhỉ Đú, xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cùng người dân nơi đây chỉ mong muốn là có một con đường nối đến nơi xa nhất của xã Cải Viên ấy.
Ông Trần Văn Phống mong Nhà nước, Quốc hội quan tâm nhiều hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, để những người dân vùng dân tộc thiểu số như ông có thể phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.