Bài 4: Nỗ lực đưa nguồn vốn rẻ vào đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế
Một trong những trọng tâm của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 chính là “rót vốn” với lãi suất ưu đãi đề các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhanh chóng nối lại chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy do đại dịch.
Đến nay, có thể khẳng định rằng nhiều chương trình tín dụng của các ngân hàng đã đem lại lợi ích ngay lập tức cho người dân, doanh nghiệp.
Giải “cơn khát” vốn sản xuất, kinh doanh
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến thời điểm này, cơ bản các mục tiêu mà ngành ngân hàng đề ra trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 43 đã thực hiện được.
Cụ thể, sau thời gian thực hiện chính sách cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng; tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết trong năm 2022 ngân hàng đã luôn sát cánh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khôi phục hoạt động kinh doanh và tăng trưởng nhanh trở lại.
[Quả ngọt năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn]
Vietcombank đã ký kết được nhiều thỏa thuận, hợp tác toàn diện các tập đoàn, tổng công ty lớn, điển hình là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hateco Group và các dự án như cấp tín dụng cho Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện…
Đặc biệt trong 2 tháng cuối năm 2022, Vietcombank đã giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam.
Tương tự như vậy, VietinBank cũng tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 5.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn đến 2,0%/năm so với mức lãi suất thông thường đối với doanh nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chương trình này tập trung nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có trụ sở/cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực/ngành nghề chủ lực tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như: Thủy sản, lúa gạo, nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, lâm nghiệp…
Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ/gia hạn lịch trả nợ phù hợp với điều kiện kinh doanh trong thời gian dịch bệnh. Ngoài ra, việc giữ nguyên nhóm nợ giúp khách hàng không bị lịch sử nợ xấu, tạo cơ hội cho khách hàng có thể tiếp tục vay vốn để tái sản xuất kinh doanh sau thời gian dịch bệnh.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
“Những giải pháp đồng hành thiết thực của ngành ngân hàng đã và đang triển khai góp phần bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp được duy trì và phát triển,” ông Vẻ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn tái cấp vốn tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay phần nào giúp ngành hàng không nhanh chóng khôi phục lại các tuyến bay.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Người sử dụng lao động được vay vốn một hoặc nhiều lần để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với thời gian tối đa 3 tháng/người lao động.
Đến cuối chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng (63,8% kế hoạch trong số 7.500 tỷ đồng nguồn vốn cân đối cho chương trình) cho 3.561 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 1,18 triệu lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.
Đánh giá về chương trình cho vay ưu đãi trên, các chuyên gia cho rằng chính sách đã thể hiện được sự chia sẻ của Nhà nước với khó khăn của doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn sau đại dịch cũng như ổn định cuộc sống người lao động.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận giai đoạn đầu việc triển khai còn chậm do vướng mắc về thủ tục, điều kiện để được vay (xác định lao động ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, điều kiện về không nợ xấu, đã quyết toán thuế). Trên cơ sở đó, các quy định này cần phải sửa đổi cho sát thực tế hơn.
Vẫn còn vướng mắc
Cùng với gói hỗ trợ miễn, giảm và gia hạn, chương trình hỗ trợ trực tiếp 2% lãi suất ngay từ khi ban hành đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Chính sách này phần nào giúp doanh nghiệp giảm "gánh nặng" khi chi phí kinh doanh đang có dấu hiệu gia tăng do biến động trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp nhiều vướng mắc.
Ông Trần Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Agribank Quảng Nam cho rằng đặc thù cho vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung phần lớn ở khách hàng hộ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thời vụ, không đăng ký kinh doanh nên không đáp ứng được điều kiện để hỗ trợ lãi suất 2%.
Khi vay vốn, doanh nghiệp đã sử dụng vốn đối ứng trước để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên theo quy định không được hỗ trợ lãi suất. Vì vậy, đến nay, tại Agribank Quảng Nam chỉ có 1 khách hàng đủ điều kiện đã được hỗ trợ giảm lãi suất 2%.
Cũng theo các ngân hàng, có nhiều trường hợp khách hàng vay vốn là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khách hàng FDI đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất thì đang vay vốn bằng USD cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 11/2022, tức sau nửa năm thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách (hơn 40.000 tỷ đồng năm 2022 và 2023), doanh số cho vay mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Như vậy, sau hơn nửa năm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân hầu như không đáng kể. Cảnh “cá treo, mèo nhịn đói” khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.
Thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại cũng có tâm lý e ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì lo sợ sau này sẽ bị thanh tra, kiểm tra.
Thừa nhận thực tế này, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn thấp là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn lúng túng trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ.
“Tâm lý e ngại của khách hàng và tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi là 2 vướng mắc chính khiến gói hỗ trợ giải ngân còn chậm. Trong trường hợp có tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, tức là có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp thì khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên. Tuy nhiên, thị trường cũng không thể hấp thụ hết gói 40.000 tỷ đồng, vì tâm lý e ngại của doanh nghiệp lên tới 67%,” bà Giang cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng Bộ Tài chính cho biết những doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất phải là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, hiện việc đánh giá thế nào là có khả năng phục hồi lại đang gặp khó.
Để gói hỗ trợ thực sự phát huy được tác dụng đúng vai trò, kịp thời điểm và mang lại tác động xã hội tốt, Bộ Tài chính khẳng định sẽ sớm phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh hợp lý các điều kiện của gói hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách, nên sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. Việc sửa đổi Nghị định 31/NĐ-CP dự kiến cũng mất nhiều thời gian và chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên điều chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác.
Chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp - bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2% - sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn như hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay…
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá kỹ tình hình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp. Trước mắt, ngành ngân hàng cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân, đặc biệt kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác nhằm nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ./.