Tác phầm đoạt giải

'Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn - Bài 1: Nghị quyết 43 – Khởi nguồn cho sự phục hồi ấn tượng

11/01/2023
Sau 1 năm triển khai, có thể khẳng định Nghị quyết 43/2022/QH15 với các chính sách đúng đắn, kịp thời và lộ trình bài bản đã “khởi nguồn” cho kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.

Lời tòa soạn:

Đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn gây nên những “vết cắt chí mạng” cho kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển của Việt Nam.

Trong khi kinh tế nhiều nước trên thế giới đều ghi nhận mức tăng trưởng âm thì ở trong nước, GDP hai năm 2020 và 2021 cũng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây khi chỉ tăng 2,91% và 2,58%. Ước tính, thiệt hại kinh tế của 2 năm lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.
 

Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022). Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thêm 10 triệu người nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Chưa bao giờ, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như Hội An (Quảng Nam) Mỹ Khê (Đà Nẵng), Sapa (Lào Cai)… hay các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… lại rơi vào cảnh “đìu hiu” đến thế, với hàng chục nghìn khách sạn phải đóng cửa, kéo theo đó là những nhân lực du lịch buộc phải chuyển việc để kiếm sống…

Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội và điều kiện thúc đẩy xã hội Việt Nam chuyển đổi và hiện đại hóa nhanh hơn, nhất là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số.

Trong khó khăn, bản lĩnh được thể hiện. Với sự dẫn dắt của Đảng, một Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân cùng sự điều hành linh hoạt và trách nhiệm của Chính phủ, hàng loạt quyết sách được nhanh chóng ban hành và khẩn trương đi vào đời sống, hóa giải những tác động của đại dịch, mang lại những kết quả to lớn cả về kinh tế, xã hội và phòng chống dịch.

Và trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 ra đời đã “thổi một luồng sinh khí mới,” tiếp thêm sức mạnh để Chính phủ hiện thực hóa những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, góp phần đưa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.

Với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng tập trung vào hỗ trợ 4 nhóm chính sách bao gồm tài khóa, tiền tệ, nhóm chính sách khác, Nghị quyết đã mở ra cơ chế đặc biệt; trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp từng bước vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn “đại hồng thủy” mang tên COVID-19.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm nhận định: “Tất cả cơ chế chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15 đều đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đã kịp thời hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất kinh doanh. Đã có cơ chế hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, có các chính sách kịp thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đã có chính sách kích thích, thúc đẩy phù hợp cho phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.”

Xin mời độc giả VietnamPlus đón đọc chùm bài “Quả ngọt” năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn để có thể hiểu rõ hơn về “sáng kiến” mang tên Nghị quyết 43 cũng như quá trình triển khai thực hiện rất quyết liệt, tích cực, chủ động và sáng tạo từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Bài 1: Nghị quyết 43 – Khởi nguồn cho sự phục hồi ấn tượng 

Ngày 11/1/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Sau 1 năm triển khai, có thể khẳng định Nghị quyết 43/2022/QH15 với các chính sách đúng đắn, kịp thời và lộ trình bài bản đã “khởi nguồn” cho kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. 

Nền kinh tế “hồi sinh” ngoạn mục

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra ước cả năm đạt và vượt 13/15. Lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực đồng thời các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

[Quốc hội: Cần tăng tốc giải ngân, phục hồi kinh tế hậu COVID-19]

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%, tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%) và đây là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022. GDP bình quân theo giá hiện hành đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD và tăng 393USD so với năm 2021.

 

Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế, nông-lâm nghiệp-thủy sản và có mức tăng 3,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%, dịch vụ tăng 10%.

Trong số đó, ngành công nghiệp tiếp tục ghi nhận phục hồi và phát triển, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8%, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5,7 triệu tỷ đồng, tăng 20% đồng thời là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.


Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.(Ảnh: Vietnam+)

Môi trường kinh doanh khởi sắc với số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao, đạt 208 nghìn doanh nghiệp và tăng 30%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% và cao nhất trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng kỷ lục, đạt 732,5 tỷ USD và tăng 9,5%, trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai. Công tác an sinh xã hội thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

 “Nhiều giải pháp được triển khai và kịp thời tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới phát sinh, nhất là liên quan đến hệ thống ngân hàng, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, điều hành với trọng tâm là đánh giá đúng tình hình, nguyên nhân, xây dựng và triển khai các giải pháp điều hành các chính sách vĩ mô kịp thời, quyết liệt, hiệu quả,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Trên bình diện quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam đứng đầu ASEAN-5 với tăng trưởng đạt mức cao trong năm 2022, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì cho rằng Việt Nam đang tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.

Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

Báo cáo triển vọng kinh tế của Việt Nam của Ngân hàng UOB nhận định mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của đất nước sau đại dịch COVID-19.

'Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn ảnh 2(Nguồn: TCTK)

Các tổ chức truyền thông quốc tế cũng đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lo ngại về suy thoái. Trang straitstimes.com (Singapore) đánh giá nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất ở châu Á trong năm 2022, trang CNN (Mỹ) nhận định đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997 và hãng BBC (Anh) cũng cho rằng đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 đồng thời chỉ ra động lực chính làm nên đà tăng trưởng ấn tượng này là lĩnh vực xuất khẩu và doanh số bán lẻ mạnh mẽ…

Điều này minh chứng sự đúng đắn, kịp thời của việc ban hành Nghị quyết 43 cũng như một loạt các quyết sách, giải pháp quan trọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong suốt thời gian qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh việc ban hành và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là một trong những giải pháp tạo nên sự thành công trong kiểm soát kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát và đạt được các thành tựu về kinh tế, xã hội của đất nước.

“Kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022 đã vượt trên so với kỳ vọng khi xây dựng Nghị quyết 43,” ông Lâm cho hay.

Hỗ trợ nguồn lực đồng thời tạo niềm tin

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua. Điều này khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.

“Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia,” Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Có thể thấy Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã nắm bắt nhanh chóng và kịp thời những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, qua đó tạo khuôn khổ để các cơ quan quản lý Nhà nước có những chính sách thiết thực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19.

'Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn ảnh 3(Nguồn: TCTK)

Điều đặc biệt, Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, theo đó Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền chủ động xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm (2022-2023) với các gói thầu tư vấn, gói thầu của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc chương trình. 

 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn.

Nhờ vậy, trong một năm qua, Nghị quyết 43 đã đi vào cuộc sống thông qua chương trình hành động của Chính phủ và các biện pháp, giải pháp này chưa từng có trong tiền lệ, thậm chí chưa từng có trong quy định của pháp luật (như việc mua sắm thiết bị y tế, mua vaccine, triển khai tiêm chủng vaccine toàn dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân…).

Về kết quả thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 6,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43 và đến nay đã cấp cho 31 địa phương hơn 4,3 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã thực hiện với tổng số thuế gia hạn trong năm khoảng 106 tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng chương trình (135 nghìn tỷ đồng) và tổng số thuế miễn, giảm trên 50 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng chương trình (64 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, trước diễn biến giá xăng, dầu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2022, để kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, ổn định đời sống người dân, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn với quy mô dự kiến khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện các chính sách khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện nội dung chính sách tài khóa khác tại Nghị quyết 43, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam 6,75 nghìn tỷ đồng trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Đánh giá về điều này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 của Chính phủ là thực tiễn sinh động nhất cho hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, áp lực lạm phát tăng cao tác động lớn, nhưng kinh tế đất nước vẫn phục hồi và phát triển cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên tính đến thời điểm này, ông Lộc cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ, giải ngân gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được Nghị quyết 43 đề ra đồng thời thực hiện tốt cải cách hành chính nhằm yểm trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

'Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn ảnh 4Một bộ phận người dân, đáng chú ý là nông dân, ngư dân gặp nhiều khó khăn, song chưa có nhiều chính sách hỗ trợ. (Ảnh: Vietnam+)

Thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình thực thi chương trình hỗ trợ, đại biểu Tô Văn Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh việc triển khai các gói hỗ trợ trên thực tế còn chậm và nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Cụ thể, việc giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo.

Theo ông Tám, việc đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Bởi, một bộ phận người dân, đáng chú ý là nông dân, ngư dân gặp nhiều khó khăn, song chưa có nhiều chính sách hỗ trợ. Vì vậy, họ vẫn chưa thể thoát nghèo và vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn…

Chủ động ứng phó các thách thức

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực trong năm 2022, song nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải chịu tác động sâu sắc từ những biến động nhanh, khó lường của tình hình thế giới. Dự báo, năm 2023 sẽ là một năm đầy “sóng gió” đòi hỏi những người cầm lái phải “vững tay chèo” để đưa “con tàu” Việt Nam tiếp tục tiến ra biển lớn.

Từ cuối tháng 10/2022 trở lại đây, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp… có xu hướng chậm lại khi các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp.

Thêm vào đó, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được xử lý, tháo gỡ triệt để; niềm tin thị trường giảm sút. Thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực lớn và xuất hiện tình trạng khó khăn, có thời điểm xuất hiện “nút thắt” về dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế.

Trước những vấn đề nêu trên, Chính phủ đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, đại phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để ứng phó.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay khi thiết kế và đề xuất các gói chính sách, Bộ dự kiến sau hai năm triển khai sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và chuẩn bị được những điều kiện để tăng trưởng nhanh, mạnh trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, những biến động bất lợi của bối cảnh thế giới hiện nay đã và đang gây cản trở, khó khăn, thách thức rất lớn. Với độ mở lớn, nhiều động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều việc có thể làm tốt hơn nhưng do ngoại cảnh đã chưa thể đạt kết quả như mong muốn.

'Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn ảnh 5Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra ước cả năm 2022 đạt và vượt 13/15. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao dẫn đến chi phí logicstic, chi phí sản xuất, giá thành các gói thầu xây dựng tăng cao là một trong những nguyên nhân gây khó khăn, cản trở đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tỷ giá biến động nhanh, lãi suất tăng cao, chi phí vốn tăng, khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Các nền kinh tế lớn trên thế giới suy giảm tăng trưởng làm cho cầu hàng hóa xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tham gia sâu rộng và nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp.

Thành quả xây dựng và củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu nay đang gặp nhiều thách thức lớn do doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu, nợ có nguy cơ thành nợ xấu gia tăng. 

“Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên định tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp để thực hiện hiệu quả, thực chất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển…

Bên cạnh đó, ông Tô Văn Tám-Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng trong năm 2023, Chính phủ cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại để giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước đồng thời bám sát thực tế để chủ động có sự thích ứng linh hoạt, đảm bảo nền kinh tế độc lập, tự chủ trong giai đoạn hội nhập tới đồng thời tập trung khai thác các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký kết.

“Mặt khác, cả hệ thống chính trị cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác quản lý và đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này,” ông Tám nói.

Và để giữ vững các thành quả kinh tế thì theo ông Tô Văn Tám, Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng…

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Nghị quyết 43 có thời gian thực hiện trong hai năm với quy mô lớn, do đó yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công theo chính sách tại nghị quyết là nhiệm vụ nặng nề cho năm 2023, vì tiến độ thực hiện giải ngân thời gian qua chậm, buộc các nguồn lực đầu tư sẽ phải chuyển sang thực hiện trong năm tới.

“Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải chuẩn bị thật kỹ, thật tốt việc triển khai thực hiện, để sang năm 2023 khi được phân bổ vốn sẽ giải ngân ngay. Có như vậy, chúng ta mới kịp giải ngân xong trong vòng một năm tới,” ông Lộc nói./.

Hạnh Nguyễn

Bài viết cùng chuyên mục