Tác phầm đoạt giải

Nghị quyết 30 của Quốc hội và bước đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước Bài 3: Sự lan tỏa của Quốc hội tiên phong đổi mới

24/03/2023

Nghị quyết 30 của Quốc hội và bước đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước

Bài 3: Sự lan tỏa của Quốc hội tiên phong đổi mới

Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ nhất đã “phát lệnh” mở đường bằng việc ban hành Nghị quyết 30 trong thời khắc lịch sử ngặt nghèo. Điều đọng lại ở Nghị quyết đặc biệt này chính là bước chuyển từ một Quốc hội “chờ đợi” sáng kiến lập pháp từ cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trình, sang Quốc hội “chủ động” và hành động; phát huy vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân và mở ra lối đi tiếp tục đổi mới thực chất phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tiên phong đổi mới từ bên trong hệ thống cơ quan dân cử

Không có những tuyên bố ồn ào mà lặng lẽ, quyết liệt đổi mới phương thức hoạt động Quốc hội ngay từ Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt khi bổ sung Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất (Nghị quyết số 30) những nội dung tăng cường phòng, chống dịch. Nghị quyết đã thể hiện quan điểm của Quốc hội luôn đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết và trước hết. Đồng thời cũng thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội đó là Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị…"- Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đã chia sẻ.

Và bằng những việc làm rất cụ thể trong chỉ đạo hoạt động, Chủ tịch Quốc hội thường nhắc nhở đội ngũ tham mưu, phục vụ các cơ quan của Quốc hội làm việc theo phương châm “hết việc chứ không phải hết giờ”; chủ động trong công việc “chuẩn bị từ sớm từ xa”. Và tiếp bước đột phá từ kỳ họp đầu tiên, hoạt động Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trở nên thường xuyên hơn, nóng bỏng hơn với những bước đổi mới sâu rộng và thiết thực.

Bằng tư duy chủ động, sáng tạo trong vận hành bộ máy, các cơ quan của Quốc hội chuyển sang trạng thái chủ động thực hiện quá trình chuẩn bị, phân tích chính sách kỹ lưỡng “từ sớm, từ xa”; phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong quá trình hình thành sáng kiến lập pháp; phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp thu, giải trình thấu đáo để có dự án tốt nhất, nhanh nhất. Từ đó, các dự án luật được Quốc hội thông qua đều đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao và rút ngắn thời gian thảo luận, thông qua tại kỳ họp.

Kỳ họp “bất thường” trở thành “bình thường” chính là sự chuyển đổi tư duy, phương thức tổ chức hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp và uyển chuyển. Từ họp hai kỳ mỗi năm theo luật cứng nhắc, họp “bất thường” trở nên gắn bó với đòi hỏi thực tiễn quản lý đời sống xã hội thay đổi thường xuyên. Và chính kỳ họp “bất thường” là để giải quyết những vấn đề lớn đất nước đang đặt ra, không để lỡ thời cơ, vận hội giải quyết những yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh… nhanh nhất, tốt nhất.

Năm 2022 là năm đầu tiên Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường xem xét, quyết định vấn đề hệ trọng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch và cả giai đoạn 2021- 2025. Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, quyết định gói ngân sách có quy mô lên tới 350 nghìn tỷ đồng nằm ngoài các khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ của kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân khắc phục những thiệt hại của đại dịch Covid-19, tăng tốc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel F. Zubiri 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh - Wan

Cũng trong năm 2022, Quốc hội đã xem xét, thông qua 12 luật, 34 nghị quyết (trong đó có 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh, 92 nghị quyết (trong đó có 17 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật). Sự đột phá phương thức tổ chức hoạt động là ở đây, từ bên trong Quốc hội, trong mỗi quyết định của Quốc hội chuyển tải ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, quản lý đời sống xã hội… bằng điều luật cụ thể; một Quốc hội hành động thể hiện ở chỗ ban hành 24 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Những nghị quyết này như những “đạo luật sửa đổi, bổ sung một số điều” cụ thể, mạnh mẽ, dứt khoát, tạo hành lang pháp lý giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh… một cách kịp thời; tăng cường vị thế, vị trí vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân trong định hướng, vận hành bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Một Quốc hội hành động còn thể hiện ở sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát với nhiều lĩnh vực nóng bỏng, sâu rộng và mang lại những chuyển biến trong hoạt động của Chính phủ, bộ ngành rõ rệt, hiệu lực, hiệu quả. Và lần đầu tiên những vấn đề dân nguyện được báo cáo hàng tháng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những tồn đọng được tháo gỡ, xem xét và lên lộ trình, thời hạn giám sát giải quyết, báo cáo tại kỳ họp. Đổi mới phương thức hoạt động còn in đậm nét trong quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ngay năm đầu nhiệm kỳ. Các dự án quan trọng tác động mạnh mẽ trong liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 


Bên cạnh đó, ngoại giao nghị viện là một lĩnh vực lan tỏa tinh thần hành động của Quốc hội trong thúc đẩy ngoại giao vaccine, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; triển khai hiệu quả, sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy tối đa lợi thế của ngoại giao Nhân dân… Có thể nói phương thức hoạt động chủ động, sáng tạo, thực chất, cụ thể, hiệu quả đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong hoạt động của các cơ quan của Quốc hội; của đội ngũ tham mưu, phục vụ. Có nhiều khi “Đèn sáng nhà Quốc hội ngày qua ngày, đêm qua đêm” tạo hình ảnh Quốc hội chuyên nghiệp, chủ động, hành động, đồng hành cùng Chính phủ và luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trước hết và trên hết.

Những dấu ấn trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cho thấy bước đổi mới, đột phá, chủ động, kỹ lưỡng và thực chất, cụ thể trong phương thức hoạt động. “Từ sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện bất thường của đại dịch Covid-19 đã định hình một Quốc hội chuyên nghiệp, trách nhiệm, luôn tiên phong đổi mới căn cơ từ bên trong Quốc hội, từ bên trong hệ thống cơ quan dân cử để ngày càng xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban Xã hội với một số chuyên gia về dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19".

 

Động lực đổi mới hoạt động của bộ máy Nhà nước

Tiên phong đổi mới của Quốc hội từ sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện bất thường của đại dịch Covid-19 đã định hình một Quốc hội chuyên nghiệp, trách nhiệm và có sức lan tỏa mạnh mẽ, lay động hoạt động của bộ máy Nhà nước, chính quyền các cấp. Chính những thành quả bước đầu này trở thành động lực thôi thúc đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước. TS Nguyễn Đình Quyền chia sẻ: “Quốc hội mà cựa mình thì mọi nơi đã phải chạy rồi, bởi chính sách pháp luật thay đổi thì tất cả các guồng máy của cơ quan hành pháp và tư pháp phải đổi theo thì mới đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội."

Quốc hội Việt Nam đã thể hiện rõ nét được vai trò dẫn dắt quan trọng của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Và Nghị quyết 30 trở thành sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng, chưa từng có trong tiền lệ lịch sử lập pháp Việt Nam. Nó không chỉ là việc tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch mà còn thể hiện một Quốc hội tiên phong đổi mới căn cơ từ bên trong đang lan tỏa và đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước, của chính quyền các cấp. Điều đặc biệt quan trọng là những quyết sách của Quốc hội ngày càng theo sát thực tiễn quản lý đất nước, kịp thời và cụ thể. Chính Nghị quyết 30 đã mở ra một định hướng mới, con đường mới về cách làm luật cụ thể, trên các lĩnh vực cụ thể mà đời sống xã hội… đòi hỏi cấp thiết. Từ đó cũng khuyến khích các sáng kiến lập pháp, giải pháp lập pháp cho hoạt động quản lý đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh… từ phía Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Và khi Quốc hội đổi mới thì các cơ quan hành pháp và tư pháp phải đổi mới theo rất nhiều để đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực quản lý, điều hành; nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tức là để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội thì toàn bộ bộ máy Nhà nước phải vận hành theo và làm chuyển động của cả bộ máy Nhà nước.

Những bước đổi mới từ bên trong hệ thống cơ quan dân cử; trong phương thức tổ chức hoạt động của Quốc hội không chỉ là động lực thôi thúc bộ máy Nhà nước đổi mới mạnh mẽ, thực chất mà còn chỉ ra rất nhiều bài học cụ thể trong vận hành bộ máy và nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước.

Thứ nhất, trong mỗi công việc dù lớn, dù nhỏ, dù khó khăn, phức tạp đến đâu khi đặt trách nhiệm, quyền lợi của Nhân dân trước hết và trên hết sẽ tìm ra phương thức giải quyết đúng đắn. Và vấn đề chính yếu trong vận hành bộ máy phải đảm bảo “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Điều này không chỉ là đối với từng cá nhân, từng đơn vị, bộ ngành, chính quyền các cấp mà cả bộ máy khi thực thi công việc. Nếu không vì lợi ích của dân trên hết thì là bộ máy cai trị dân chứ không phải để phục vụ dân. Và nhũng nhiễu, tham nhũng cũng từ đó mà ra. Đây cũng chính là bài học đầu tiên về đổi mới thực chất phương pháp tổ chức hoạt động trong thực thi chính sách, pháp luật; trong triển khai thực hiện những chính sách cụ thể của bộ máy chính quyền, của người thi hành công vụ. Bài học từ những vụ án trọng điểm, nghiêm khắc đã chỉ rõ đạo đức công vụ xuống cấp, lấy công vụ làm miếng bánh “béo bở” để ăn chia sẽ bị trừng trị thích đáng.

Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính thiết thực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Quốc hội quyết đầu tư dự án luôn đi đôi quy định thực hiện giám sát chặt chẽ. Nghị quyết 30 của Quốc hội là một minh chứng. Và trong vận hành bộ máy Nhà nước, thanh tra chính là tai mắt của Chính phủ, của Nhân dân. Công tác thanh tra không nghiêm hay thậm trí “tê liệt” dẫn đến những vi phạm thành hệ thống, diện rộng và kéo dài như “đăng kiểm, kit test” vừa qua. Rõ ràng động lực cho đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong tình hình hiện nay trước hết và trên hết là nâng cao trách nhiệm, năng lực hoạt động của thanh tra Chính phủ, thanh tra ngành, thanh tra chính quyền địa phương. Tổ chức thanh tra được trao nhiều quyền không chỉ để cho “oai” mà phải phát huy hết vai trò “cảnh giới”, nhắc nhở, phát hiện, ngăn chặn sai phạm hay giúp điều chỉnh quản lý hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ bađổi mới phương thức tổ chức hoạt động đi đôi với cách mạng công nghệ. Kỳ họp Quốc hội - hình thức hoạt động cao nhất của Quốc hội đã chuyển dịch sang làm việc thường xuyên hơn vì công việc của dân, của đất nước. Và đi đôi với hoạt động thường xuyên là đưa công nghệ vào hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Cuộc cách mạng công nghệ chính là cuộc cách mạng về thể chế, cách mạng trong hoạt động công khai, minh bạch, kịp thời, hệ thống và luôn được kiểm soát đánh giá ngay trong từng giai đoạn vận hành... Vì vậy, không có lý gì chính quyền các cấp, cơ quan đơn vị dịch vụ, phục vụ Nhân dân lại không “chuyển đổi số” phục vụ người dân. Chính động lực đổi mới từ cơ quan dân cử thôi thúc đội ngũ cán bộ, công chức từ bỏ thói quen, tâm lý làm việc công nhật, theo giờ, “sáng vác ô đi, chiều vác ô về” để công việc dồn ứ, mập mờ, nợ dân, nhũng nhiễu… Cách mạng công nghệ là cách mạng thể chế giúp bộ máy tinh, gọn nhưng hiệu lực, hiệu quả và đặc biệt là thể hiện tính minh bạch, công tâm trong thực thi công vụ.

Quốc hội đã khởi sự, tiên phong đổi mới căn cơ từ bên trong âm thầm, quyết liệt, sáng tạo và không ngừng nghỉ! Đây chính là động lực to lớn để các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tiếp tục đổi mới tổ chức phương thức hoạt động; đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục rèn giũa nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất, đạo đức công vụ. Giờ đây, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước là mệnh lệnh không thể chậm trễ. Khi bộ máy và mỗi cá nhân hướng về dân và vì Nhân dân thì đổi mới tất yếu sẽ thành công!


 
Thanh Hà

Bài viết cùng chuyên mục