Tác phầm đoạt giải

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (Kỳ 2)

03/12/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân" – Tác phẩm vinh dự đạt giải A Giải Diên Hồng lần thứ hai.
Bài 2:
“LÀN GIÓ TƯƠI MỚI” TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ ĐỊA PHƯƠNG
Với sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 đã thực sự đem lại “làn gió tươi mới” cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.

Hoạt động giám sát đổi mới mạnh mẽ theo hướng thực chất, rõ kết quả

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước với quy mô, khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp nảy sinh.
Đối với hoạt động giám sát - một chức năng quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của luật và tình hình thực tiễn của thành phố giám sát sâu, đi tận cùng vấn đề.
 
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI hồi tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá: “Thời gian qua đã có một “làn gió tươi mới” trong kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, mà Thủ đô Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu, điển hình”.
Nét tiêu biểu, điển hình được Chủ tịch Quốc hội nêu là hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; tăng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp, bất cập; tăng cường giám sát của các Ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, bảo đảm thực chất, định rõ kết quả, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, ngày càng công khai, minh bạch hơn…
 
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay và đặc biệt sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, cùng với triển khai thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố đã thực sự “tươi mới”, không ngừng nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và ngày càng đi vào thực chất.
Hoạt động chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố được đổi mới theo hướng thực chất, rõ kết quả. Tại các kỳ họp, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội dành thời gian ít nhất 1 ngày tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả; được truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát. Kết thúc các phiên chất vấn, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết nghị ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, kèm theo phụ lục các “cam kết”, “lời hứa”, lộ trình, thời gian khắc phục.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân thành phố thường xuyên rà soát, đánh giá, đôn đốc và giám sát, tiến hành chất vấn tiếp về kết quả giải quyết, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, với phương châm đi đến cùng vấn đề chất vấn. “Thực tiễn cho thấy nhiều vấn đề sau chất vấn, giải trình đã được Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan nghiêm túc, tập trung khắc phục và có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Tuấn cho hay.
 
 
 
Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã tổ chức được 6 cuộc giám sát chuyên đề; Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức 11 cuộc giám sát chuyên đề; các Ban Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức 48 cuộc giám sát, khảo sát; các Tổ đại biểu tổ chức 54 cuộc giám sát, khảo sát. Số cuộc giám sát nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước và chất lượng được nâng lên.
Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực vấn đề quan trọng, dân sinh, bức xúc, phát sinh trong thực tiễn phát triển thành phố như: dự án chậm triển khai, quản lý khai thác tài sản công, cải cách hành chính; môi trường, nước thải, rác thải; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu đô thị… Việc triển khai hoạt động giám sát đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, được triển khai bài bản, khoa học, đúng quy trình, quy định. Nhiều nội dung giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố mời các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cùng tham gia giám sát.
Trong khi đó, Báo cáo kết quả công tác năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ, bám sát tinh thần của Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chủ động chuẩn bị từ sớm, triển khai có hiệu quả, chất lượng, hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.
Nhiều nội dung có tính nhạy cảm như công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, quản lý, sử dụng tài sản công… đều được đưa ra thảo luận tại các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
 
 
Trên cơ sở khảo sát thực tế, tiếp nhận thông tin từ cơ sở, đối chiếu với kiến nghị của cử tri, nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng thẩm tra bảo đảm ngắn gọn, trọng tâm, làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực thi, chấp hành pháp luật nhà nước, nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh để các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thông tin nhiều chiều, khách quan, tham gia thảo luận có trọng tâm, xác định rõ nguyên nhân tồn tại để thảo luận thống nhất, đề ra các giải pháp thiết thực cho công tác điều hành của tỉnh thực sự có hiệu quả.
Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Tại Kỳ họp thứ 14 vừa qua, lần đầu tiên Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức phiên chất vấn mở, livestream trên fanpage QMG, tin tức Quảng Ninh 24/7, tiếp nhận và trả lời trực tiếp các câu hỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân gửi về kỳ họp thông qua các hạ tầng truyền thông của Trung tâm Truyền thông tỉnh.
Phiên trực tiếp đã có 21 nghìn lượt xem (đến sáng 12/7 có 26 nghìn lượt xem); 1.200 lượt like, 559 bình luận và 122 lượt chia sẻ; số người xem đồng thời cao nhất là 1.102.
Trên cơ sở 28 nội dung chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, chủ tọa kỳ họp đã lựa chọn 4 nhóm vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm để tiến hành chất vấn trực tiếp. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về chất vấn nêu rõ các giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành đối với từng nhóm vấn đề để các cơ quan tổ chức thực hiện giúp cho việc giám sát thực hiện cam kết sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ.

Sức lan tỏa từ sự quyết liệt, chuyên nghiệp trong công tác giám sát của Quốc hội

Phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thời gian qua, công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân  tiếp tục được quan tâm, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
“Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân các cấp cho thấy hướng dẫn này đã giúp có được một làn gió tươi mới và một khí thế mới và kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có hoạt động giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân các cấp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân đã giúp có được một làn gió tươi mới, một khí thế mới và kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có hoạt động giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
(tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024)
Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, chính từ việc Đảng đoàn Quốc hội xác định “Đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, cũng như sự quyết liệt, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả từ các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực hướng dẫn hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong năm 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước.
 
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức đều đặn, cương quyết làm và làm có hiệu quả. Việc lựa chọn chủ đề chất vấn cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể.
Hoạt động tái giám sát (giám sát lại), tức là giám sát những vấn đề sau giám sát, sau chất vấn được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.
Theo ông Tuấn, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã đổi mới, học tập, triển khai nhiều cách làm hay, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động giám sát. Việc giám sát tại kỳ họp chú trọng nghiên cứu, xem xét kỹ các báo cáo của Ủy ban nhân dân và các cơ quan theo quy định để tăng cường thảo luận, quyết nghị ban hành các nghị quyết.
Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, mở rộng chất vấn tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị có liên quan về trách nhiệm của mình; tăng cường tranh luận, làm rõ, đi đến tận cùng vấn đề. Người trả lời chất vấn có giải trình, cam kết rõ lộ trình, giải pháp, trách nhiệm để giải quyết triệt để.
 
Hoạt động giám sát chuyên đề được chuẩn hóa trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đoàn giám sát và ban hành kết luận, theo dõi, tái giám sát việc thực hiện kết luận. Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội.
Nhiều cuộc giám sát quan trọng của Hội đồng nhân dân thành phố đã mời đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự, vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử.
“Thuận lợi của Hà Nội là có số lượng đại biểu Quốc hội trên địa bàn đông nhất cả nước (31 đại biểu), có nhiều đại biểu là các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm, luôn sẵn sàng phối hợp, tham gia trách nhiệm đối với các hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố và hoạt động giám sát trên địa bàn”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân thành phố cũng tăng cường giám sát tại cơ sở, chú trọng vào các đối tượng tác động trực tiếp, trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất; tổ chức buổi giám sát linh hoạt theo nhóm các đơn vị tương đồng về nội dung, chức năng, nhiệm vụ; kết hợp giữa làm việc trực tiếp tại đơn vị giám sát và làm việc tại Trụ sở của Hội đồng nhân dân để mở rộng được thành phần, đối tượng giám sát.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình giám sát năm 2024. Ngoài các nội dung thường kỳ, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tổ chức 2 đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước”; “Việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025”.
Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng sẽ tiếp tục phối hợp, triển khai giám sát về Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; các dự án trọng điểm trên địa bàn; các nội dung dân sinh bức xúc như về giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Trước sự lan toả về sự đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, có thể thấy rằng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thời gian qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát của Hội đồng nhân dân, thể hiện được vị thế hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.
 
Trường Sơn, Văn Toản, Uyển Hương, Trọng Trung

Bài viết cùng chuyên mục