Hiện nay, có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, một Báo cáo giám sát tổng thể, chi tiết, độc lập khách quan là nhu cầu quan trọng mang tính khoa học công bằng và định hướng nhằm giúp cho việc quyết định chính sách được sát với thực tế và đúng hướng phát triển.
Bức tranh toàn cảnh về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh đầy đủ với gần 6000 trang. Trong đó, nêu rõ những ưu điểm và hạn chế của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời nêu rõ giải pháp kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Khi kết quả giám sát Chương trình, sách giáo khoa GDPT công bố, nhiều cử tri, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và đại biểu Quốc hội nhận định: kết quả giám sát phản ánh kịp thời đúng, trúng, đầy đủ, toàn diện, trung thực, khách quan kết quả triển khai sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chương trình và sách giáo khoa.
Từ đó giúp cho việc hoạch định chính sách được chính xác và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời xóa bỏ sự hoang mang do thiếu thông tin khoa học, chính thức về cải cách đúng đắn của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã được Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh đầy đủ với 75 trang, (Phụ lục kèm theo là 118 trang); 08 báo cáo kết quả giám sát tại 8 địa phương (122 trang); 03 báo cáo tổng hợp các nội dung báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (127 trang); các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương (5.729 trang); 13 báo cáo chuyên đề.
Theo Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Đoàn Giám sát, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và nhất là Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục, toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.
Trong giai đoạn 2014-2022, theo các báo cáo và thống kê của Đoàn giám sát, Quốc hội đã ban hành 02 luật, 05 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 kết luận; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ có liên quan đã ban hành 19 nghị định, 02 nghị quyết, 05 quyết định, 01 chỉ thị, 62 thông tư có liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chương trình, sách giáo khoa GDPT được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đoàn Giám sát đã tổng hợp những kết quả đạt được của ngành giáo dục thể hiện qua các con số như sau:
Tổng số giáo viên phổ thông cả nước tính đến cuối năm học 2021 - 2022 là 857.993 người (tăng 12.109 người so với đầu năm học 2018 - 2019), được bổ sung 14.835 biên chế trong năm học 2022 - 2023;
Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được phát hành.
Báo cáo giám sát: Trong giai đoạn 2015 - 2022, chính sách xã hội hóa giáo dục đã thu hút được 6.420,22 tỷ đồng
Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Năm học 2021 - 2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường trung học cơ sở, 2.441 trường trung học phổ thông, trong đó, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 28 tỉnh.
Tổng số phòng học trên cả nước là 465.530 phòng (tăng 156.346 phòng so với năm học 2018 - 2019); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,42% (tăng 5,8% so với năm học 2018 - 2019). Cả nước có 87.426 phòng học bộ môn, 211.572 bộ thiết bị dạy học. Nhà nước đã cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong giai đoạn 2015 - 2022, chính sách xã hội hóa giáo dục đã thu hút được 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông); 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn Giám sát đã chỉ ra những tồn tại hạn chế việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 07 văn bản chưa phù hợp về thể thức.
Các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục thời kỳ 2021-2030 chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở cả ba cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng…
Đặc biệt, Quy định về môn học Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội khóa XIII và khóa XV đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết, yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới” (năm 2015) và “nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh” (năm 2022).
Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, vẫn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung tích hợp ở các môn học cấp trung học cơ sở chưa hợp lý.
Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng đã chỉ rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có biểu hiện hình thức, thời gian tổ chức ngắn, hiệu quả chưa cao; chất lượng tập huấn trực tuyến không cao. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên âm nhạc, nghệ thuật đạt chuẩn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.
Đối với việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập, Đoàn Giám sát nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tập, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian, việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó khăn. Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2006.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa được kiên cố hóa lớn (59.514 phòng học), tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Còn thiếu nhiều phòng học nhất là ở khu vực đô thị, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%.
Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, theo Báo cáo của Đoàn Giám sát: việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là nhiệm vụ mới, khó, diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Chương trình, sách giáo khoa GDPT được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên phải tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng. Điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, do nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện.
Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu ở một số địa phương chưa rõ; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 88/2014/QH13 và các văn bản liên quan chưa được chú trọng đúng mức. Công tác dự báo, lập kế hoạch, lộ trình đổi mới chưa sát. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Kết quả giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã được Đoàn giám sát hoàn thiện và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 11.8.2023.
Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức: “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, xem xét để bố trí đủ giáo viên cho ngành”
Theo Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một trong những khâu rất quan trọng của triển khai chương trình GDPT 2018. Đây là cuộc cải cách giáo dục toàn diện, căn bản và sâu sắc nhất của giáo dục phổ thông cách mạng. Sau một quá trình chuẩn bị, từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục cả nước đã triển khai chương trình GDPT 2018, đến nay gần được 4 năm.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn giám sát khi chương trình GDPT 2018 đang triển khai để xem xét những ưu điểm, hạn chế bộc lộ; kịp thời cho ý kiến để Chính phủ và Bộ GD-ĐT thực hiện tốt hơn là cần thiết và trúng vấn đề - vấn đề ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh và được dư luận rất quan tâm.
Các Đoàn giám sát được thành lập có thành phần phù hợp, kế hoạch hợp lý, đã đi cơ sở có tính chất đại diện vùng miền, các cấp học, lắng nghe và nhìn rõ từ thực tiễn, đảm bảo khách quan. Trên cơ sở đó, đánh giá và ra báo cáo giám sát xác thực, để Quốc hội và dư luận thấy được việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành giáo dục và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đồng thời, cũng bước đầu bộc lộ những bất cập để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đoàn giám sát đã đi thẳng xuống thực tế triển khai chương trình và sách giáo khoa, từ Bộ GD-ĐT đến các tỉnh/huyện/trường học trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ; xem những vấn đề nào là ưu điểm, thuận lợi khi triển khai; đâu là khó khăn, bất cập; quan trọng nhất là thầy trò và các nhà trường đã tổ chức dạy học và triển khai các hoạt động giáo dục như thế nào, có đạt được mục tiêu như chương trình đặt ra hay không.
“Tôi đồng ý với kết quả báo cáo giám sát và cho rằng kết quả này đã đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, những kết quả bước đầu đạt được chứng tỏ chương trình GDPT 2018 là đúng hướng. Các tồn tại, bất cập cũng được chỉ ra.
Đặc biệt, báo cáo đã nêu ra vai trò của các cấp liên quan trong thời gian tới làm sao để chương trình GDPT 2018 phải bảo đảm triển khai thành công. Những khó khăn lớn đã được chỉ ra, như về thiếu giáo viên, kinh phí chưa đảm bảo, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chưa đồng bộ, về tính chủ động hoàn toàn của Nhà nước trong việc quản lý một bộ sách giáo khoa…”, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức cho hay.
Ông khẳng định, sự giám sát của Quốc hội đã cho thấy thực trạng khách quan của chương trình và sách giáo khoa 2018, nhất là đã giúp cho ngành giáo dục vững tin hơn để tiếp tục triển khai và hy vọng kết quả giáo dục phổ thông sẽ chuyển biến tích cực, rõ rệt.
Cũng theo theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức, để triển khai thành công chương trình GDPT 2018 đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, khi chúng ta vừa triển khai chương trình GDPT 2018 thì đại dịch Covid-19 xảy ra nghiêm trọng, đã bào mòn nguồn lực xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục.
Để bảo đảm chương trình GDPT 2018 nói chung, chương trình và sách giáo khoa mới nói riêng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, xem xét bố trí đủ giáo viên cho ngành, bố trí đủ kinh phí cơ bản theo quy mô học sinh, quy mô trường/điểm trường/ lớp và chú ý vùng miền.
Bên cạnh đó, ưu tiên mọi nguồn lực để chăm lo cho trường lớp, thầy trò vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Sau khi ngành giáo dục vận hành hết 12 năm học theo chương trình và sách giáo khoa mới (tức học sinh phải được học trọn vẹn chương trình mới từ lớp 1 đến hết lớp 12), nên cho tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng toàn diện và sâu sát sẽ phù hợp hơn. Trên cơ sở đó để kip thời ra những quyết sách.
Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: “Kết quả giám sát giúp xóa bỏ những hoài nghi về tính định hướng của chương trình GDPT mới”
Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa có lẽ đã được trông đợi từ lâu. Hiện nay có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau về chương trình phổ thông mới 2018. Do đó, một báo cáo tổng thể, chi tiết, độc lập khách quan là nhu cầu quan trọng mang tính khoa học công bằng và định hướng nhằm giúp cho việc quyết định chính sách được sát với thực tế và đúng hướng phát triển.
Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa có lẽ đã được trông đợi từ lâu. Hiện nay có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau về chương trình phổ thông mới 2018. Do đó, một báo cáo tổng thể, chi tiết, độc lập khách quan là nhu cầu quan trọng mang tính khoa học công bằng và định hướng nhằm giúp cho việc quyết định chính sách được sát với thực tế và đúng hướng phát triển.
Quan trọng nhất có lẽ là việc báo cáo khẳng định tính cải cách đúng đắn của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 05 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.
Nhận định trên đã giúp xóa bỏ về những hoài nghi về tính định hướng của chương trình giúp Việt Nam có thể thay đổi căn bản và toàn diện hội nhập và cập nhật được những xu hướng giáo dục mới trên thế giới.
Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ nhất là về vấn đề ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện. Báo cáo cho biết vẫn còn tình trạng ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, chưa phù hợp với quy định và yêu cầu của thực tiễn. Qua rà soát , còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao hướng dẫn nhưng chưa ban hành văn bản; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 02 văn bản chưa phù hợp với nội dung của văn bản cấp trên; 07 văn bản chưa phù hợp về thể thức.
Nguyên nhân của hạn chế, khó khăn của ngành giáo dục là công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 88/2014/QH13 chưa được chú trọng đúng mức. Công tác dự báo, lập kế hoạch, lộ trình đổi mới chưa sát. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu ở một số địa phương chưa rõ; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình mới.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện đã dẫn đến những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng chưa đạt mục tiêu, kế hoạch trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua.
Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành: “Kết quả giám sát là căn cứ rất quan trọng để Bộ GD-ĐT nhìn nhận và có những điều chỉnh trong thời gian tới”
Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành cho rằng Quốc hội đã xây dựng một kế hoạch rất bài bản, khoa học với các chủ đề, các tiêu chí rất rõ và lựa chọn địa bàn giám sát là đại diện cho các khu vực, vùng miền của cả nước và các đối tượng nhà trường, học sinh. Đầu tiên là kế hoạch, chọn mẫu và địa bàn khảo sát rất chuẩn, rất khoa học và phù hợp với thực tiễn triển khai của các cơ sở giáo dục.
Các đại biểu có sự chuẩn bị cẩn thận, có chuyên môn và phương pháp, không chỉ đi giám sát bằng báo cáo mà trực tiếp đến thăm lớp, thăm trường, trao đổi qua nhiều cuộc hội thảo nhỏ hoặc trao đổi trực tiếp với thầy cô giáo, các nhà trường trong quá trình triển khai. Vì vậy, kết quả đó sẽ phản ánh một cách chính xác, trung thực và cũng là căn cứ rất quan trọng để Bộ GD-ĐT nhìn nhận, trong thời gian tới có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã ban hành.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành, qua hoạt động giám sát này, thầy cô giáo, nhà trường sẽ ý thức được hơn, nhận thức sâu sắc hơn về cơ chế, chính sách, vai trò, trách nhiệm cũng như quyền cho mình và phải phát huy quyền đó để thực hiện đúng bản chất của chương trình GDPT 2018 là phát huy đúng phẩm chất, năng khiếu, sở trường của học sinh.
Đối với các cơ sở giáo dục sẽ phải thay đổi. Qua giám sát sẽ nhìn lại mình đã làm được gì, điều gì chưa làm được để đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới quản trị hoạt động dạy học, đảm bảo thực hiện đúng chương trình.
Đối với các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương, qua đây sẽ rà soát lại, nhìn nhận lại nhận thức của mình đối với Nghị quyết 29, đối với chương trình giáo khoa đã thực sự sâu sắc chưa, thực sự thấu đáo chưa, đã hiểu rõ từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29 chưa.
Từ đó, có sự đầu tư, sử dụng cho đúng, thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước: “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, quan điểm của Quốc hội đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 88 để có điều chỉnh sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự đầu tư cho giáo dục, cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo để cho ngành giáo dục thực hiện thành công chương trình GDPT 2018.
“Đối với các bộ, ngành và Chính phủ cũng nhìn nhận để rà soát lại, điều chỉnh, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách còn thiếu hay cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh; đề xuất với Quốc hội tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách mới; hoàn thiện những cơ chế, chính sách hoặc chỉ đạo sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Bởi Nghị quyết 29 tác động đến cả hệ thống chính trị, nhiều bộ, ngành liên quan thực hiện. Bộ GD-ĐT đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện, nhưng quan trọng phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành phải đồng bộ thì ngành giáo dục mới có thể triển khai được”, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An nói.
Theo ông, thời gian tới, cần có giải pháp tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhân dân hiểu rõ sâu sắc, thấu đáo hơn nữa về Nghị quyết 29, về chương trình sách giáo khoa cũng như Nghị quyết 88 của Quốc hội. Nhận thức rất quan trọng, đặc biệt đối với chính quyền địa phương. Khi nhận thức đúng, đầy đủ và toàn diện, họ sẽ có sự đầu tư đúng, tập trung đúng, quan tâm sâu sắc và có những điều kiện đảm bảo cho ngành giáo dục thực hiện thành công chương trình.
Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm đến số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao đời sống. Đặc biệt là cải cách tiền lương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như xây dựng uy tín, vị thế và tôn vinh nhà giáo trong xã hội. Tiến tới đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, đảm bảo địa vị pháp lý, quyền và sự tôn vinh đối với nhà giáo.
Bên cạnh đó, cần quan tâm sâu sắc, tập trung các nguồn lực đảm bảo cho các cơ sở giáo dục, các địa phương có thể triển khai thực hiện thành công chương trình và sách giáo khoa. Phải có cơ chế chính sách đủ mạnh hoặc hoàn thiện, bổ sung những cơ chế, chính sách mới, phù hợp với bối cảnh mới và những điều kiện triển khai.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Điều kiện đảm bảo ở đây là số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, đặc biệt là số lượng giáo viên theo tỷ lệ lên lớp, giáo viên cho các môn học mới, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ cho những hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn và phục vụ cho phát triển kỹ năng khiếu, sở trường của học sinh.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành nhấn mạnh thêm, Nghị quyết 29 có thể nói được xây dựng rất bài bản, khoa học, sâu sắc, toàn diện, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và thực tiễn Việt Nam. Qua 10 năm nhìn lại, Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị; những quan điểm, định hướng và nhiệm vụ vẫn còn có giá trị trong bối cảnh hiện nay, do đó vẫn cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện, quan trọng nhất là 2 khâu: nhận thức và hành động. Cần nhận thức đúng, đầy đủ, thấu đáo để có những đầu tư xứng tầm, thỏa đáng cho giáo dục. Còn hành động chính là việc chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt để thực hiện sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, Đề án liên quan có rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là chúng ta làm có quyết liệt không, có chủ động làm không, có sáng tạo phù hợp thực tiễn địa phương không, có linh hoạt không.
TS. Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Equest: “Mong bản báo cáo đến tay tất cả các nhà giáo”
TS Đàm Quang Minh nhận định, với một thay đổi toàn diện như chương trình giáo dục phổ thông 2018, có thể thấy đây là thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam từ trước đến nay. Việc thay đổi được diễn ra trong bối cảnh có nhiều biến động lớn như đại dịch COVID-19 nên càng khó khăn và phức tạp hơn. Trong khi đó, trẻ vẫn luôn có nhu cầu học tập theo đúng tiến độ. Từ đó việc áp lực lên đội ngũ nhà giáo và các nhà trường là vô cùng to lớn và không tránh khỏi những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới.
Báo cáo giám sát lần này rất được giới chuyên môn trông đợi và chào đón nhằm có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện và khách quan về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Từ đó giúp cho việc hoạch định chính sách được chính xác và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội đồng thời xóa bỏ các hoang mang do thiếu thông tin khoa học, chính thức.
Có thể thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn giám sát đã thực hiện chính xác, hiệu quả chức năng của mình. Các kết luận của bản báo cáo mang tính định hướng hành động, khẳng định những giá trị của chương trình phổ thông mới mang lại đồng thời chỉ ra những vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới. Có thể nói đây là một dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông.
Qua bản báo cáo, chúng ta có thể thấy có hai khẳng định quan trọng. Một là định hướng và quyết tâm đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đúng đắn, mang tính cải cách cao, phù hợp xu thế phát triển và có được quyết tâm cao thực hiện từ phía Chính phủ và Bộ giáo dục & đào tạo. Hai là phát hiện và làm rõ các vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai bao gồm từ ban hành văn bản hướng dẫn, đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp và đánh giá, đội ngũ giáo viên và phần được quan tâm nhất là biên soạn sách giáo khoa.
Từ những đánh giá chi tiết và toàn diện, bản báo cáo cũng chỉ ra cách tiếp tục “xây” chính sách nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển. Báo cáo có những kiến nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan; ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông; khẩn trương ban hành các chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021-2030 về phát triển giáo dục, đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan; xem xét trách nhiệm, xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành, chưa ban hành văn bản, tham mưu ban hành văn bản có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong triển khai thực hiện. Chỉ đạo thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa của các nhà xuất bản, nhất là việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.
Đồng thời báo cáo cũng chỉ ra các nhóm giải pháp chi tiết về hoàn thiện thể chế chính sách như các văn bản hướng dẫn Luật giáo dục 2019, quy định về đổi mới phương thức và nội dung thi, kiểm tra; quy định về thẩm định, phê duyệt, lựa chọn và định giá sách giáo khoa. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước bao gồm đề nghị có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước đồng thời khuyến khích cơ chế xã hội hóa; tập trung tuyên truyền tạo đồng thuận trong đội ngũ nhà giáo; triển khai chương trình đổi mới theo đúng tiến độ, chất lượng; phân cấp, phân quyền và nâng cao việc thanh tra, giám sát thực hiện.
Nhóm giải pháp về tăng cường đảm bảo điều hiện tập trung vào việc xây dựng biên chế và tuyển dụng giáo viên; nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm; đầu tư phát triển cơ sở vật chất và cân đối ngân sách để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TS Đàm Quang Minh hy vọng báo cáo này có thể đến tay tất cả các nhà giáo để các nhà trường, giáo viên cùng chia sẻ lộ trình và chung tay đồng hành cùng công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới chương trình là việc làm có ảnh hưởng dài hạn và cần triển khai theo hướng phát triển liên tục. Nhiều thay đổi nhỏ, liên tục sẽ tốt hơn những thay đổi quá lớn khiến nhiều thành phần liên quan không theo kịp. Bên cạnh đó, những vấn đề phát triển kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo… cần có cơ chế cập nhật thường xuyên để chương trình giáo dục phổ thông theo sát được sự phát triển của kinh tế xã hội.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An: “Cần có hậu giám sát về thực hiện kết luận giám sát”
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn mục tiêu giám sát chuyên đề lần này - “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là rất đúng, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, mà trong giáo dục chương trình đóng vai trò quan trọng nhất.
Theo Đại biểu Bùi Thị An, việc giám sát đã đạt được mục tiêu là xem lại chương trình GDPT mới đưa ra có đúng mục tiêu của Nghị quyết 29 không, có thực hiện đúng Luật không, có đúng mong muốn trong Nghị quyết mà Quốc hội đề ra hay không.
“Kết luận giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” rất rõ ràng. Qua kết quả giám sát cho thấy rõ nét đổi mới trong nội dung chương trình GDPT, sách giáo khoa mới.
Chương trình giám sát này khá hiệu quả, đã phát hiện ra những vấn đề bất cập trong việc thi hành luật, trong việc thi hành các mục tiêu của luật đã đề ra ở những nội dung của Nghị quyết, của Luật”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An cho hay.
Bà An đề nghị, kết luận về giám sát của Quốc hội vừa rồi đã công khai nhưng nên công khai rõ hơn, rộng rãi hơn nữa. Bởi kết quả này liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tức liên quan đến toàn bộ người dân Việt Nam khi nhà nhà đều có con, có cháu đi học.
Đặc biệt, cần có phần hậu giám sát thực hiện kết luận giám sát này và công khai cho nhân dân biết. “Người dân có quyền biết và đồng hành cùng giám sát với Quốc hội để giúp cho giáo dục ngày một phát triển hơn”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nói.