(ĐCSVN) – Nhìn lại hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2022, cùng với giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trở thành một hình thức giám sát có hiệu quả, diễn đàn dân chủ với nhiều dấu ấn nổi bật. Kết quả các phiên chất vấn cho thấy tinh thần tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm cao của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn với quyết tâm truy vấn, theo đuổi đến cùng.
Giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình là hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội, thể hiện trực tiếp quyền giám sát của Quốc hội, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Theo số liệu thống kê, tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội khóa XV, đã có 611 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn; 280 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; 50 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận.
Chưa hết, tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn tại phiên họp thứ 9 và phiên họp thứ 14 có tổng số 93 đại biểu chất vấn và 28 đại biểu tranh luận; 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời. Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội và cả Nhân dân, năm qua, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại các kỳ họp, các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bám sát những vấn đề của thực tiễn. Thể hiện rất “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Các nội dung được đem ra chất vấn như: Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi;…thật sự làm hài lòng sự quan tâm của người dân…
Đáng lưu ý, với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, Quốc hội đã có sự chuẩn bị từ rất sớm cả nội dung và các vấn đề liên quan. Cụ thể, đối với kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ khi triệu tập kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các đại biểu Quốc hội đề xuất nội dung, lĩnh vực chất vấn để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn. Căn cứ quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và đề xuất của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội với 96 nhóm vấn đề; cùng với việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo cáo của Ban Dân nguyện; những vấn đề nổi lên trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội… Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp, lựa chọn 6 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lựa chọn 5 nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để lựa chọn 4 trong 5 nhóm vấn đề để Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Đặc biệt, tại phiên họp thứ 9, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm cơ sở giám sát việc thực hiện. Cụ thể, tại Nghị quyết này, đối với lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xác định rõ thời hạn “Chậm nhất là ngày 30/9/2022, hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo yêu cầu của công dân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời….”.
Hay tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 592/NQ-UBTQH15 về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan, tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ.
Như vậy, việc xác định rõ thời hạn tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn chính là căn cứ, cơ sở giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi. Và khi triển khai Nghị quyết này, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã triển khai nhiều biện pháp, có nhiều chỉ đạo cụ thể để thực hiện nghị quyết về chất vấn cũng như các vấn đề đã hứa tại phiên chất vấn.
Phát biểu kết luận 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: “Việc lựa chọn “đúng” và “trúng” vấn đề và đổi mới phương pháp chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, cùng với tâm huyết, trách nhiệm cao của người chất vấn và người trả lời chất vấn trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn. Qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội đánh giá được kết quả thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn đối với các quyền hạn được giao. Với tinh thần dân chủ, công khai, hoạt động chất vấn đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Thực tế cho thấy rất nhiều chuyển biến, lời hứa, giải pháp đã được hiện thực hóa, bước đầu tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong mỏi của cử tri. Kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy rõ tinh thần: Thực tế - thiết thực - tâm huyết - thẳng thắn - trách nhiệm cao của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhận xét, một trong những điểm đổi mới tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là Quốc hội đã xin ý kiến và thông báo các nội dung chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn từ sớm. Điều này cũng thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội, tiếp tục đổi mới về nội dung cũng như là phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Kỳ họp. Mặt khác, việc lựa chọn các vấn đề cũng như thông báo các nội dung để các vị Bộ trưởng chuẩn bị đăng đàn từ sớm giúp đại biểu Quốc hội có thời gian cũng như lựa chọn những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm để chất vấn Bộ trưởng.
Chia sẻ về những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2022, quán triệt tinh thần “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội góp đã phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; khắc phục các hạn chế tồn tại trong khâu tổ chức thực hiện. Nội dung được lựa chọn chất vấn là những vấn đề rất sát với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Do vậy, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, cử tri đều bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những đổi mới và kết quả mang lại thông qua hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Với tư cách là đại biểu dân cử, GS. Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất của hoạt động chất vấn không phải chỉ hỏi cho xong, mà qua quá trình giám sát và với tư cách đại biểu Quốc hội đã phát hiện rất nhiều vấn đề cần được điều chỉnh. Vì vậy, chất vấn là cơ hội tốt để đại biểu Quốc hội trao đổi với các tư lệnh ngành và người đứng đầu Chính phủ.
Từng nhiều năm gắn bó với hoạt động nghị trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng, hoạt động chất vấn ngày càng hiệu quả, thực sự phát huy được vai trò là một trong những hình thức giám sát tối cao của Quốc hội. “Theo dõi các phiên truyền hình trực tiếp, có thể khẳng định, không khí nghị trường thực sự dân chủ, trách nhiệm; các vị đại biểu Quốc hội chất vấn không chỉ dừng lại là nêu vấn đề mà là truy đến cùng vấn đề, rõ trách nhiệm, rõ giải pháp,…” ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa nhận định, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại các Kỳ họp cũng để lại dấu ấn và hiệu ứng lan tỏa lớn. Diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, các phiên chất vấn được cử tri quan tâm đánh giá cao. Một số Bộ trưởng, Trưởng ngành lần đầu trả lời chất vấn đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao, trả lời chất vấn, giải trình nghiêm túc, vững vàng, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, dành được sự đánh giá cao của cử tri và đại biểu Quốc hội.
Theo dõi các phiên chất vấn, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có nhiều đổi mới trong công tác giám sát, đặc biệt là trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung các phiên chất vấn đã bám sát thực tiễn, là vấn đề cử tri quan tâm. Không chỉ vậy, không khí tranh luận/chất vấn lại cho thấy, quyết tâm truy vấn, theo đuổi đến cùng của đại biểu Quốc hội,...
Là một cử tri thường xuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội, bà Trần Thị Kim Yến, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội nhận xét: Trong năm 2022, với tinh thần đổi mới, chú trọng hoạt động giám sát lại, nhiều vấn đề đã được giám sát, thể hiện tại nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lựa chọn, tiếp tục đưa ra chất vấn được cử tri chúng tôi quan tâm, chờ đợi. Và tôi cảm thấy hài lòng khi nhiều vấn đề “nóng”, nổi cộm của xã hội như: tín dụng đen, sách giáo khoa, tiêu thụ nông sản, hàng giả, hàng kém chất lượng ,… được đề cập và có biện pháp kịp thời tháo gỡ.
Cử tri Phạm Viết Phúc, phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trao đổi, tại mỗi Kỳ họp Quốc hội, Nhân dân, cử tri đều rất mong chờ đến phiên chất vấn. Trong những phiên chất vấn gần đây, tôi thấy các đại biểu Quốc hội thực sư tâm huyết và trách nhiệm trước Nhân dân, đặt nhiều câu hỏi chất vấn thẳng thắn, bám sát thực tiễn, trúng các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Theo một số đại biểu Quốc hội, chất vấn là hình thức giám sát rất quan trọng của Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Quốc hội, đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát đến cùng các câu hỏi cũng như các giải pháp mà các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã nêu trước Quốc hội. Điều này góp phần nâng cao chất lượng hơn nữa công tác giám sát, giúp Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành.
Nói về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của người bị chất vấn, đặc biệt là người đứng đầu. Từ đó giúp cử tri và Nhân dân thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội. Qua các kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn tự đổi mới, thay đổi trong tư duy và cách thức thực hiện giám sát, nhằm góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước. Đặc biệt, quán triệt giám sát trên tinh thần xây dựng; giữa “xây” và “chống”, phát huy những mô hình tốt, cách làm hay... để triển khai, nhân rộng.
Trong bài có sử dụng một số ảnh của các đồng nghiệp