Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã đề cập đến vấn đề giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh. Đây là 1 trong 3 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XIII, XIV, XV) và có nhiều đơn thư gửi các đại biểu Quốc hội trong hơn 10 năm qua.
“Có những thời điểm, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp diễn ra nhiều. Tỉnh Nghệ An đã thành lập rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp các bộ, ngành liên quan và nhiều lần xin ý kiến Bộ Tài nguyên – Môi trường để giải quyết”, đại biểu Thái Thị An Chung trao đổi và cho biết thêm, khi trúng cử đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, bà cũng đã nhận được nhiều phản ánh, sự bức xúc của cử tri về nội dung này.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành để soát xét nội dung khiếu kiện của công dân. Tuy nhiên, quá trình giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. UBND tỉnh Nghệ An đã đi học hỏi kinh nghiệm tại một số tỉnh, đồng thời ra nhiều văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các Công văn trả lời, khẳng định phần diện tích đã giải tỏa của dự án phải được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Do vậy, tỉnh Nghệ An đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để rà soát, xác định số kinh phí cần phải chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Theo đó, tổng kinh phí được báo cáo 1.275 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 573 tỷ đồng, tiền lãi do chậm chi trả là hơn 701 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022).
Mặc dù đã đồng ý về chủ trương, quan điểm, tuy nhiên cái khó là phần kinh phí để chi trả bồi thường lấy từ nguồn nào, trong khi dự án đã quyết toán nguồn vốn vào năm 2019? Trở ngại đó dẫn đến vụ việc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định trật tự an toàn xã hội. Tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã tiếp công dân các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX.Hoàng Mai. Lãnh đạo các địa phương liên quan, đặc biệt là tại TX.Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc cũng thường xuyên tiếp công dân liên quan đến vấn đề này, song một khi “nút thắt” về kinh phí chưa được tháo gỡ thì việc xử lý vẫn lâm vào bế tắc.
Đến nay, sau quá trình nỗ lực từ hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An, cũng như thông qua giám sát, lắng nghe ý kiến cử tri và đề đạt ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 và tháng 11/2023, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Ngày 21/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Thông báo kết luận về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và một số vấn đề liên quan.
Trong thông báo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần thanh toán cho các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Đối với chính sách bố trí nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An, đề nghị đưa vào Nghị quyết chung Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Đối với việc thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn để sớm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
Toàn văn Thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Trên cơ sở đó, sáng 29/11, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,56 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này quyết toán.
Quốc hội giao: Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất, tính chính xác của thông tin, số liệu, căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện, chỉ thanh toán những nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, bảo đảm không phát sinh khiếu kiện.
Như vậy, sau hành trình đeo bám, giải quyết, vụ việc phức tạp này đã gỡ được nút thắt quan trọng nhất là nguồn kinh phí chi trả, để trên cơ sở đó sẽ có phương án giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời tránh lãng phí trong vấn đề chi ngân sách, vì càng chậm trả thì tiền lãi càng phát sinh.
Đầu tháng 6/2023, sau gần 10 năm cống hiến trong ngành Giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Nhàn ở Trường Mầm non thị trấn Diễn Châu xúc động khi cầm quyết định chính thức được tuyển dụng vào biên chế. Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn cho biết cô rất vui vì vừa trút được “gánh nặng” bấp bênh để yên tâm làm việc, cống hiến, vừa đảm bảo hơn về mặt thu nhập và cả quyền lợi về chính trị.
“Khi hợp đồng thì mãi vẫn xếp vào giáo viên hạng 4, dù có công tác bao nhiêu năm. Sau khi vào biên chế thì được xếp hạng 3 và sẽ được nâng hạng những năm sau, theo đó lương tăng lên từ 3,4 triệu (hạng 4) lên 4,7 triệu (hạng 3). Mặt khác, giáo viên hợp đồng dù bao nhiêu năm cũng không được tính thâm niên còn vào biên chế được tính thâm niên; quyền lợi chính trị của người trong biên chế cũng sẽ khác, được quy hoạch nguồn cán bộ quản lý”, cô giáo Nhàn nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn là 1 trong 2.352 giáo viên được tuyển dụng vào biên chế trong vòng 10 tháng, từ tháng 10/2022, đến tháng 8/2023 ở tỉnh Nghệ An. Đây là kết quả của sự lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của cử tri là các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên hợp đồng có hơn 10 năm, 20 năm mòn mỏi chờ “biên chế” và sự đeo bám, giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử tỉnh Nghệ An trong nhiều năm.
Ông Chu Đức Thái – Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An, chia sẻ: Câu chuyện thiếu biên chế giáo viên ở các bậc học ở Nghệ An liên tục được phản ánh qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri; về thực tiễn đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo áp lực lao động lên đội ngũ giáo viên, làm hạn chế sự sáng tạo của nhà giáo. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh, nhiều giáo viên hợp đồng (theo Thông tư liên tịch số 09, ngày 11/03/2013 của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và Nghị định 06 của Chính phủ, ngày 05/01/2018) có hơn 10 năm, 20 năm không được vào biên chế, ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như tư tưởng phấn đấu của đội ngũ này. Bởi vậy, đây là vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh và Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An nêu ra tại một số phiên làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan; được đại biểu HĐND tỉnh phản ánh, đặt câu hỏi tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh.
Trên cơ sở đề xuất của tỉnh và được Trung ương bổ sung biên chế với tổng 2.820 người, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44, ngày 12/10/2022 về phê duyệt bổ sung biên chế giáo viên năm học 2022-2023 và điều chỉnh tổng biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức Hội năm 2022, năm 2023; trong đó ưu tiên tuyển dụng hết số giáo viên hợp đồng theo diện 06 và 09 trên phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua theo dõi tiến độ tuyển dụng giáo viên ở các địa phương vẫn triển khai chậm, gây bức xúc, nghi ngờ về những vấn đề khuất tất, tiêu cực, Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 14 (diễn ra vào đầu tháng 7/2023), HĐND tỉnh tiếp tục nêu vấn đề này và đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo công tác tuyển dụng. Ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn đôn đốc, yêu cầu UBND cấp huyện tuyển dụng giáo viên xong trước ngày 30/8/2023. Đến thời điểm này, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên theo phân bổ, trừ 29 chỉ tiêu cho giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 và 09 đang chờ bổ sung bằng cấp và 56 chỉ tiêu không đủ hồ sơ dự tuyển.
Lắng nghe kiến nghị của cử tri, giám sát và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri đối với các cấp quản lý Nhà nước là một hình thức giám sát việc triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật trong thực tiễn cũng như năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Bởi vậy, đây là lĩnh vực được Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm để trăn trở đổi mới với việc mở rộng, đa dạng “kênh” tiếp nhận ý kiến, phản ánh của cử tri, Nhân dân, gồm thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của các đại biểu, qua đường dây điện thoại trực tuyến tại kỳ họp, qua đơn thư, phản ánh gửi đến Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; qua hoạt động tham gia kỳ tiếp công dân tại các đơn vị bầu cử của các đại biểu HĐND tỉnh, Zalo, Facebook…
Đồng thời với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cũng phát huy trách nhiệm, sự “đeo bám”, đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện thông qua việc phản ánh các ý kiến trên diễn đàn Quốc hội; qua các cuộc làm việc với các bộ, ngành cấp Trung ương và các sở, ngành, địa phương liên quan về các vấn đề cử tri gửi gắm.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi, cho biết: HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết giải quyết kiến nghị cử tri tại mỗi kỳ họp thường lệ và qua thực tế theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ các cấp có thẩm quyền, đồng thời lắng nghe kiến nghị cử tri với nhiều nội dung được kiến nghị đi, kiến nghị lại nhiều lần. Trong tháng 9 và tháng 10/2023 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức đoàn giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.