Sáng 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri, cả nước, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thực hiện nghi lễ Tuyên thệ nhậm chức: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Phát biểu nhậm chức sau đó, tân Chủ tịch nước đã mượn câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu để nói thay lòng mình về cam kết với Quốc hội, đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước trong hành trình sắp tới:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu;
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Trong hành trình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu vì Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, cổ vũ cho tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; trân trọng và ủng hộ khát vọng vươn lên của mỗi người dân, tạo môi trường để mọi người, nhất là thế hệ trẻ được tiếp cận công bằng, minh bạch với những cơ hội phát triển và cống hiến cho đất nước.
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 18/1/2023, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Theo thông cáo Kỳ họp, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn gửi Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Còn tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (từ 5-9/1/2023), Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Đồng thời, Quốc hội cũng phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.
Việc Quốc hội tổ chức các Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề nhân sự không chỉ nhằm thực hiện theo các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương mà cũng là thể hiện Ý ĐẢNG – LÒNG DÂN theo tinh thần “trên dưới đồng lòng/ dọc ngang thông suốt”. Bởi trước đó, tại các cuộc họp, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã họp và đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam thôi giữ các chức vụ trong Đảng. Đây cũng là minh chứng cho thấy, các quy định của Đảng về miễn nhiệm, từ chức cán bộ đang đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.
Việc tổ chức các kỳ họp bất thường không chỉ là để xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự, mà cao hơn hết, trên hết là để Quốc hội quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước…
Ví như lần tổ chức Kỳ họp bất thường thứ nhất (tháng 1/2022) diễn ra trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm.
Để kịp thời hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách.
Quốc hội thông qua nhiều quyết sách quan trọng để phát triển đất nước
Tại Kỳ họp, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội thông Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và một số tuyến giao thông, mở đường cho phát triển các vùng miền.
Còn trong lần tổ chức Kỳ họp bất thường thứ 2 (tháng 1/2023), Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024…
Đây là những quyết sách quan trọng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch COVID-19, mua sắm vật tư, tự chủ bệnh viện… Cùng với đó, việc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng chia cắt, “loạn quy hoạch”, phát triển cục bộ, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể quốc gia
Phát biểu tại buổi lễ công bố quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) được tổ chức mới đây (ngày 20/4/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.
Với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Chính phủ, các cấp chính quyền tổ chức triển khai QHTTQG, đồng thời thực hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, vai trò phản biện, đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội.
Phùng Công Sưởng, Trần Công Hùng..