Mặc dù có nhiều đổi mới, nhưng hoạt động giám sát trước đây vẫn bị đánh giá còn nhiều hạn chế, hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”. Bên cạnh đó, nội dung giám sát cũng chưa đi vào “đúng”, “trúng” những vấn đề bức thiết cuộc sống mà người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Khắc phục tình trạng trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV liên tục được đổi mới hiệu quả, thực chất hơn, trở thành “điểm sáng” trong nhiệm kỳ này. Lựa chọn đúng và trúng vấn đề, chỉ ra những địa chỉ rõ ràng, đưa ra những đề xuất cụ thể, tạo chuyển biến trong giám sát và hậu giám sát là vấn đề luôn được lãnh đạo Quốc hội lưu ý tại các buổi làm việc.
Đơn cử, với chuyên đề giám sát tối cao về huy động các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng, ngay sau khi Kỳ họp bất thường lần thứ 4 kết thúc, các thành viên đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội đã ra sân bay, đi về các tỉnh phía Nam để tiến hành giám sát tại địa phương. “Trong quá trình giám sát ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần sớm được khắc phục”, GS. Nguyễn Anh Trí, thành viên đoàn giám sát chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát 4 chuyên đề đã có nhiều buổi làm việc, khảo sát tại cơ sở.
Vì sao cán bộ ngành y có tâm lý không muốn làm việc tại y tế cơ sở? Sau sáp nhập, y tế cơ sở ra sao? Những rào cản, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp phải là gì?... Hàng loạt những bất cập phát sinh trong thực tiễn được đoàn giám sát “bắt bệnh” để từ đó đưa ra những giải pháp “điều trị” hiệu quả.
“Hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai và xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, Phó trưởng đoàn giám sát báo cáo bước đầu với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp cho ý kiến về chuyên đề này.
Để khắc phục bất cập từ thực tiễn, đoàn giám sát đưa ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể cùng với đề xuất 2 nhóm giải pháp. Trong đó kiến nghị cho phép được thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chuyên đề giám sát tối cao này sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Một trong những hoạt động giám sát nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Sốt ruột với dự án bỏ hoang, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã chỉ rõ địa chỉ cụ thể và “mời” đoàn giám sát đến tận nơi. “Có những khu đô thị 10 năm rồi mà chỉ có một căn nhà, còn lại toàn cỏ mọc, không chuyển biến gì. Không ở đâu xa, ngay Mê Linh (Hà Nội) thôi, nếu đoàn giám sát muốn có thể tới xem”, bà Nga chỉ rõ.
Ngay sau khi bị “gọi tên”, chính quyền huyện Mê Linh vào cuộc rà soát, kiểm tra 64 dự án trên địa bàn, trong đó có 49 dự án đô thị, nhà ở cùng 15 dự án sản xuất, kinh doanh và bệnh viện. Đây đều là các dự án được hình thành từ trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội và chậm triển khai từ trên 10 năm nay. Sau đó, huyện Mê Linh đã đề xuất thành phố Hà Nội thu hồi, chấm dứt 14 dự án, với tổng diện tích gần 920 ha chưa giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008.
Trên cơ sở những địa chỉ cụ thể được đại biểu Quốc hội và đoàn giám sát nêu ra, Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, yêu cầu đưa ra lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm liên quan đến 51 dự án, cụm dự án không hiệu quả, lãng phí cũng như 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí…
Để cụ thể hoá triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ. Nghị quyết này yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra. Đồng thời cá thể hoá trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đoàn giám sát chỉ rõ nhiều ‘dự án treo’, dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Những vấn đề nóng trong công tác đăng kiểm cũng được đặt lên bàn nghị sự.
Một trong những điểm mới trong hoạt động giám sát nhiệm kỳ này là công tác dân nguyện đã trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thay vì chỉ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm như trước đây. Qua đó, hàng loạt những vấn đề nóng, có tính thời sự và các vụ việc cụ thể mà nhân dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm được đặt lên bàn nghị sự.
Đó có thể kể ra như: Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản; hay tình trạng đòi nợ thuê núp bóng Công ty Luật, Công ty mua bán nợ… khủng bố tinh thần người vay tiền, thậm chí cả người thân của người vay tiền gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và Nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội…
Cùng với đó, tình trạng ùn ứ tiếp diễn tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù đã được lực lượng đăng kiểm của ngành công an, quân đội hỗ trợ nhưng số lượng phương tiện cần đăng kiểm vẫn còn khá lớn. Ban Dân nguyện đề nghị cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ hơn, hữu hiệu hơn nhằm khắc phục, ngăn chặn sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV
Đặc biệt, có những vấn đề rất mới, mang tính chuyên sâu, khoa học công nghệ của thế giới và trong nước cũng được Ban Dân nguyện nêu ra. Cụ thể như là sự xuất hiện của phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT kết hợp thông tin đa chiều, hữu dụng nhưng tính bảo mật không cao, dễ đánh cắp thông tin, dữ liệu.
Không chỉ đặt lên bàn nghị sự những vấn đề nóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan trực tiếp đến tham dự và giải trình những vấn đề mà báo cáo Dân nguyện nêu ra. Như trong phiên họp mới đây, liên quan đến việc mua, bán điện gió ở một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp mời đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan báo cáo, làm rõ.
Cạnh đó, hoạt động chất vấn, giải trình luôn trở thành nội dung tâm điểm, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân. “Hỏi nhanh, đáp gọn” tại mỗi phiên chất vấn tiếp tục được duy trì. Qua đó, phiên chất vấn trở nên sôi nổi hơn, đi thẳng vào vấn đề hơn và có số lượt chất vấn nhiều hơn. Các lĩnh vực lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên được dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, nên sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Tại phiên họp về nội dung liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần tổ chức hội thảo nghiên cứu quy trình hướng dẫn về hoạt động giải trình trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu thêm đối tượng là Chủ tịch UBND thành phố tham gia các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban.
Phùng Công Sưởng, Trần Công Hùng..