Tác phầm đoạt giải

Để giám sát của Quốc hội thực sự hiệu lực, hiệu quả: Ai chịu trách nhiệm với lãng phí?

24/04/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Để giám sát của Quốc hội thực sự hiệu lực, hiệu quả" – Tác phẩm vinh dự đạt giải A Giải Diên Hồng lần thứ nhất.
Nhiều đại biểu Quốc hội phải thốt lên tại phòng Diên Hồng của Quốc hội về sự ngậm ngùi, xót xa khi lật giở từng công trình, dự án thất thoát, lãng phí đã được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra.
Cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 năm giai đoạn 2016 - 2021 từng được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là cuộc giám sát "lớn nhất từ trước tới nay". Chỉ riêng các báo cáo của bộ, ngành, địa phương và Chính phủ, đoàn giám sát đã nhận 580 văn bản với hệ thống phụ lục kèm theo, tổng cộng khoảng 100.000 trang tài liệu. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tài liệu cuộc giám sát lên tới 2 tạ, một con số chưa từng có.
Đây có lẽ cũng là cuộc giám sát đầu tiên, Quốc hội đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí với những địa chỉ rất cụ thể. Với báo cáo giám sát 120 trang cùng 42 phụ lục lên tới hàng nghìn trang, Quốc hội đã "điểm mặt, chỉ tên" hàng nghìn dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước; hàng chục nghìn héc ta đất đai trong hàng nghìn dự án bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng hoặc có vướng mắc… được xác định là có thất thoát, lãng phí. Chưa kể, hàng chục nghìn tỉ đồng cũng được xác định thất thoát, lãng phí do hàng loạt hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Nhiều đại biểu Quốc hội phải thốt lên tại phòng Diên Hồng của Quốc hội về sự ngậm ngùi, xót xa khi lật giở từng công trình, dự án thất thoát, lãng phí đã được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra.
Song, sau những cảm giác xót xa, ngậm ngùi, điều cử tri, nhân dân cả nước mong đợi cuối cùng vẫn là ai phải chịu trách nhiệm với những hạn chế, bất cập đã được báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ ra. Bởi những thất thoát, lãng phí không phải bây giờ mới có mà đã xảy ra từ rất lâu và không chỉ đoàn giám sát hay các đại biểu Quốc hội mới nhận thấy. Hàng trăm công trình, dự án đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng nhưng bỏ hoang không chỉ trong khoảng thời gian 5 năm mà Quốc hội giám sát.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) khi nêu ý kiến tại phiên giám sát đã nói rằng dù báo cáo kết quả giám sát đã nêu hẳn một danh mục các dự án, công trình thất thoát, lãng phí để yêu cầu xử lý, song ông "vẫn thấy thiếu một điều gì đó". Điều còn thiếu, theo ông An, là "trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân đã để xảy ra tình trạng rất là bi đát như thế này". Do đó, để giải quyết tình trạng lãng phí đã xảy ra thời gian dài, đại biểu Đồng Nai cho rằng cần phải chỉ rõ được trách nhiệm của ai, tổ chức nào, cá nhân nào. Ông cũng đề nghị báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội cần được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan kiểm tra Đảng thanh tra, kiểm tra, kể cả cơ quan điều tra để xác định rành rọt trách nhiệm và xử lý mới đảm bảo hiệu quả.
Tuy nhiên, đúng như đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), cũng tại phiên giám sát vào tháng 10.2022 nói trên, đã khái quát, khi cái tiêu cực, yếu kém, trì trệ… trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra sự tiêu cực, yếu kém, trì trệ. Lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành bộ máy ấy. Và để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó. Vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy.
Những giải pháp cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy mới là giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại trong vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, để những dự án như tại Lâm Đồng, Ninh Bình hay nhiều địa phương khác không tiếp tục "đắp chiếu", bỏ hoang, làm bạn với cỏ dại trong những ngậm ngùi, xót xa. Có lẽ đó cũng mới là mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu.
Lê Hiệp

Bài viết cùng chuyên mục