Tác phầm đoạt giải

Dấu ấn "đổi mới" qua nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Bài 2): Sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử

24/04/2023
(Tổ Quốc) - Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV ra đời trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt. Thời gian "thai nghén" cho đến khi ra đời của Nghị quyết này chỉ vỏn vẹn chưa đầy nửa tháng. Điều đó đã phần nào cho chúng ta hình dung được tính cấp bách của tình hình dịch bệnh và sự khẩn trương, đồng hành, làm ngày làm đêm của Quốc hội để cho ra đời một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ.
Bối cảnh "ngàn cân treo sợi tóc"
Quay trở lại thời điểm tháng 7 năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày số ca nhiễm tăng rất nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca - 5.000 ca/ngày.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng tại Hà Nội vào tháng 7/2021. Trong ảnh: Bộ Tư lệnh Thủ đô và Binh chủng hoá học tổ chức phun khử khuẩn trên địa bàn 10 phường phố cổ, 2 phường ngoài đê, tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm vào ngày 26/7.

Ở thời điểm đó, thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có, vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế quá tải, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.

Và nếu vẫn cứ vận hành theo cách thông thường bằng những quy định ở thời điểm đó sẽ là một "rào cản" quá lớn đối với Chính phủ bởi một bên là trách nhiệm trước những quyết định chưa từng có trong luật, một bên là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Trước bối cảnh đó, thấu hiểu được "cái khó" của Chính phủ, với vai trò, trách nhiệm của mình, ngay trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức cuộc họp bất thường với các thành viên Chính phủ để nắm bắt cặn kẽ tình hình và các vấn đề liên quan tới phòng, chống COVID-19.

Những ngày sau đó, song song với việc tiến hành các nội dung theo chương trình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV với những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Nghị quyết số 30 đã quyết định 8 nhóm giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch.

Trong Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 7/1/2023, cả hai đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM)- nơi chứng kiến sự khốc liệt của dịch bệnh, và đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đã có chung một quan một quan điểm, Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam.

Đây chính là tiền đề đầu tiên tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

Với sáng kiến lập pháp này, có những việc được rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Có thể thấy rằng, với Nghị quyết 30, Quốc hội đã thể hiện rõ 2 trong 3 chức năng nhiệm vụ của mình đó là "thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước" để tạo điều kiện cho Chính phủ "xé rào" vì mục đích cao nhất là kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật diễn ra vào tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Chuyên đề này sẽ được Quốc hội giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ năm, khai mạc vào tháng 5/2023.

Nghị quyết số 30 của Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Trong hơn 130 văn bản được ban hành theo thẩm quyền về các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch, Đoàn giám sát của Quốc hội đã dành hai từ "đặc biệt" cho Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Đại biểu Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc đã từng đánh giá, sự ra đời của Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo gỡ hàng loạt "nút thắt" về cơ chế, chính sách, giúp việc thực hiện các giải pháp cấp bách được thuận lợi, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Điểm đặc biệt, rất kịp thời và sát thực tiễn của Nghị quyết 30 đó chính quyết định chi chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Nhờ sự chủ động, linh hoạt này mà Việt Nam đã có vaccine phòng dịch và dần bao phủ toàn quốc, nhờ đó dịch bệnh mới được kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên), việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 là rất kịp thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là chủ trương, chính sách hợp lòng dân hiện chủ trương, chính sách phải phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Với việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 của Quốc hội và việc triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nội dung đề ra trong nghị quyết. Nhờ vậy, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới.

Phải khẳng định, Nghị quyết 30 là một minh chứng rõ ràng nhất về hình ảnh một Quốc hội thật sự năng động, đổi mới, quyết liệt ngay từ Kỳ họp đầu tiên, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng hành gắn bó giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân".

Việc ban hành Nghị quyết 30 cũng là bài học kinh nghiệm quý trong hoạt động lập pháp. Đó là bài học về lập pháp chủ động, bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; là sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; là phương thức phản ứng chính sách trong những bối cảnh cấp bách, "không bình thường" về thiên tai, dịch bệnh...

Chính tại những thời điểm này cần sự lãnh đạo tập trung, sáng suốt, tư duy giải pháp lập pháp nhanh nhạy, quyết đoán, vượt qua hạn chế của quy định, quy trình thông thường để hoạt động lập pháp vận hành phục vụ cuộc sống kịp thời nhất, đúng lúc cần thiết nhất.

Đây cũng là thành công chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi đại dịch, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống an lành của người dân và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài học kinh nghiệm quý báu nhìn từ Nghị quyết 30 có thể thấy rõ hơn đó chính là khi ban hành bất cứ quyết sách nào, nếu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân làm căn cứ cao nhất để quyết định thì chắc chắn quyết sách đó sẽ đi vào cuộc sống, thành công và để lại dấu ấn trong lòng cử tri, nhân dân.

Có thể khẳng định, Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả của mình trước Tổ quốc, Nhân dân với những kết quả, những con số biết nói, khẳng định Quốc hội đã hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Nhân dân./.

Quyết sách có tính lịch sử

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trải qua hơn 77 năm hình thành, phát triển, Quốc hội Việt Nam đã, đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày càng nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Kế thừa và phát triển truyền thống vẻ vang đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động lập pháp được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, với những bước tiến hành thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.

Những đổi mới thể hiện đồng bộ từ cải tiến quy trình đến cách thức tổ chức triển khai công việc, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chuẩn bị, xem xét kỹ lưỡng từng dự án luật, nghị quyết từ sớm, từ xa dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn thuyết phục, cùng với đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân... hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV đã có những bước tiến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một trong những dấu ấn nổi bật trong hoạt động lập pháp là ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 - quyết sách có tính lịch sử đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm lây lan chưa từng có.

Song Đào, Thế Công,Xuân Trường

Bài viết cùng chuyên mục