Tác phầm đoạt giải

Chuyên đề: Trị bệnh sợ trách nhiệm: Để Đảng tin, dân mến

21/07/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Trị bệnh sợ trách nhiệm" – Tác phẩm vinh dự đạt giải B Giải Diên Hồng lần thứ hai.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn xác định cán bộ có vai trò quyết định, là khâu then chốt của then chốt. Trong tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc" viết xong tháng 10/1947, bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Lịch sử dân tộc ta từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã chứng minh hùng hồn quan điểm đó của Người.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đã tạo động lực mạnh mẽ trong thực hiện các nhiệm vụ giai đoạn tới. Ảnh: Đăng Khoa
Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đã tạo động lực mạnh mẽ trong thực hiện các nhiệm vụ giai đoạn tới. Ảnh: Đăng Khoa

Trước khi trở thành đảng viên, chúng ta phải nghiên cứu Điều lệ Đảng. Không ít người thuộc lòng bốn nhiệm vụ của đảng viên để tuyên thệ trong ngày lễ trọng đại được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Rồi để trở thành cán bộ giữ cương vị lãnh đạo hoặc quản lý, ngoại trừ yếu tố may mắn, họ phải có cả một quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu chứng tỏ được phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; đồng thời được tổ chức quan tâm, nhân dân tín nhiệm.

Đại đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý của chúng ta thực hiện đúng và tốt bốn nhiệm vụ đảng viên đã được ghi trong Điều lệ Đảng. Thời kỳ cách mạng nào, cho dù gian khổ, hy sinh đến đâu, chúng ta cũng có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành là những tấm gương cống hiến, xả thân, toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Bởi vì họ đã thực hiện được điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn một lần căn dặn chúng ta.

Trên báo Cứu Quốc, số 46, ra ngày 19/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng bài "Chính phủ là công bộc của dân", chỉ rõ: "Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh".

Gần một tháng sau, ngày 8/10/1945, cũng trên báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng bài "Sao cho được lòng dân", tiếp tục nhấn mạnh "việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh". Quan điểm này còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại một lần nữa trong "Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" (Báo Cứu Quốc, số 69, ra ngày 17/10/1945). "Hết sức làm" là làm đến cùng, làm cho bằng được để đem đến những gì tốt đẹp nhất cho dân; "hết sức tránh" là tránh đến cùng, tránh cho bằng được để không gây tổn hại bất cứ thứ gì đối với dân. Như vậy, chúng ta đã rõ cán bộ phải làm gì, phải tránh gì. Khi thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía sâu sắc những lời chỉ dạy của Người.

Những năm vừa qua, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bên cạnh số đông cán bộ bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cũng đã xuất hiện không ít cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực thi công vụ. Số cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thực chất là không hoàn thành nhiệm vụ, là hạn chế về năng lực, trình độ, là có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, là nói không đi đôi với làm, thờ ơ, vô cảm... không phải là "công bộc" của dân. Đây cũng là một căn bệnh cần phải sớm chữa trị tích cực. Nếu không sớm khắc phục căn bệnh này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả lãnh đạo, quản lý, đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đến niềm tin của nhân dân.

VIỆC khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm phải gắn với việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Do đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, thực hiện nghiêm túc Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (được nhấn mạnh lại trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 187). Đây là vấn đề có tính sống còn trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Đủ phẩm chất chính trị (kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...), phẩm chất đạo đức (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...), đủ năng lực (tài năng, sáng tạo, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng lãnh đạo, quản lý...) mới có thể đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chính là biểu hiện của sự yếu kém, sự thiếu hụt về phẩm chất, năng lực, uy tín và chưa ngang tầm nhiệm vụ. Thực tiễn chính là môi trường kiểm nghiệm, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Cùng với những quy định của Đảng, chúng ta còn có Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... Đó là những căn cứ để kiên quyết xử lý hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Hai là, xây dựng văn hóa công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức với một số nội dung cơ bản là tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực, giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống... Đặc biệt đề cao những giá trị cốt lõi như trung thành với Tổ quốc, tất cả vì danh dự và lợi ích quốc gia, tôn trọng và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, trung thực, khách quan, tuân thủ luật pháp, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan và cấp có thẩm quyền, đồng thời dựa vào dân để phát hiện, cổ vũ việc làm tốt; ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu.

Bốn là, phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện phương châm "huấn luyện cán bộ" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất cụ thể và sâu sắc trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước hiện nay vẫn nặng về lý thuyết, khô cứng, thiếu thực tế và chất lượng chưa được như kỳ vọng. Cần đổi mới cả chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, cách thức đánh giá kết quả học tập theo hướng hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, tăng thời lượng thực hành, thảo luận, giảm tối đa các câu hỏi kiểm tra lý thuyết đơn thuần, hình thức, tăng tối đa các bài tập xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý để đánh giá kết quả học tập, đi thực tế là đi nghiên cứu chuyên sâu chứ không phải đi du lịch.

Năm là, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, Bộ Chính trị chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; từ đó khơi dậy mạnh mẽ trong cán bộ ý thức trách nhiệm cao nhất, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ, vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: "Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ... phải luôn luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Phải luôn luôn kiểm soát cán bộ". Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta đã phần nào gợi ra cái cách mà chúng ta bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Suy đến cùng, nếu cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thì không chỉ chờ tổ chức đứng ra bảo vệ mà chính mình sẽ biết cách bảo vệ mình để Đảng tin, dân mến.

TS. Nguyễn Văn Thắng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Bắc Văn, Lưu Lan Hương, Khúc Hồng Thiện, Khánh Hà, Quang Thọ

Bài viết cùng chuyên mục