Tác phầm đoạt giải

Chống lãng phí và "sức nặng" cuộc giám sát tối cao của Quốc hội

23/04/2023
 

Cùng với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội góp phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, trước đòi hỏi của thực tế đã được Quốc hội khóa XV thông nhất cao khi lựa chọn ngay tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021) với quy mô, tính chất được đánh giá là chuyên đề giám sát lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện rõ dấu ấn đổi mới. Sau hơn 1 năm thực hiện qua nhiều vòng, nhiều bước, kết quả giám sát được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 để lại ấn tượng sâu sắc, khi những điểm nghẽn, nút thắt được nhận diện thẳng thắn, rõ địa chỉ và minh chứng qua những “con số biết nói”. Nghị quyết của Quốc hội gợi mở nhiều giải pháp quan trọng đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực từ Trung ương đến địa phương trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, đã được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ năm 2013. Bên cạnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì đây được coi là “một trong hai mũi giáp công” nhằm đảm bảo nguồn lực của đất nước được sử dụng hiệu quả để phát triển, nhất là trong điều kiện nước ta còn khó khăn.

“Nước mình có của ăn, của để rồi nhưng vẫn là nước đang phát triển. Thu nhập đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của nhân dân, công nhân viên chức, người lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Chúng ta tiết kiệm được đồng nào thì có lợi cho quốc gia đồng đó. Điều kiện khó khăn mà không tiết kiệm thì rất có lỗi với người dân!” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu cho ý kiến về xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Đề cập công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nghị trường, ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng từng đặt vấn đề, lâu nay chống tham nhũng làm tương đối tốt, nhưng thực tế cho thấy “ta không quan tâm đến giáo dục và thay đổi nhận thức nên trách nhiệm chống lãnh phí chưa cao”, “so với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí” nên “ta phải chống được lãng phí”, “cần coi chống lãng phí là trách nhiệm lớn”.

Nhận thức rõ vấn đề chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn cũng như có chương trình hàng năm; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành chương trình cụ thể… Qua đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được những kết quả quan trọng, biểu hiện rõ nhất trong tiết kiệm chi thường xuyên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt như yêu cầu và kỳ vọng. Nhiều lần, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ: “thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng” và đặt ra yêu cầu cần nhận diện rõ hơn, hành động quyết liệt hơn để có kết quả tốt hơn nữa.

Bên cạnh vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều vấn đề phải bàn thì thực tế cho thấy chúng ta chưa hình dung rõ sự lãng phí đang ở mức độ bao nhiêu, cụ thể ở những lĩnh vực gì, trách nhiệm thuộc về ai... Nhiều ý kiến từng thốt lên rằng thật xót xa khi thấy những mảnh đất rộng bỏ hoang hóa nhiều năm, vị trí “đất vàng” không được sử dụng hiệu quả hay các đại dự án thua lỗ “đắp chiếu” chưa được giải quyết dứt điểm,… Điều đó đòi hỏi vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều việc cần quan tâm hơn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi đề cập nhiệm vụ trọng tâm cũng như định hướng phát triển đều xác định rõ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ngay trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, điều này một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi yêu cầu thời gian tới kiên quyết chống lãng phí.

Quốc hội khóa XV, ngay tại Kỳ họp thứ nhất đã quyết định giám sát tối cao về vấn đề này. Phạm vi giám sát là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước. Quốc hội quyết tâm đánh giá đúng tình hình, lý giải nguyên nhân để kiến nghị giải pháp. Như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nói giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nghe đơn giản nhưng đi sâu vào lại toàn đại sự, bởi liên quan trực tiếp đến nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia.

Trên nghị trường, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” để giám sát tối cao là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước, trong thời điểm cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực để phát triển đất nước. Hơn hết, theo Đại biểu Chau Chắc (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang), Quốc hội thực hiện tốt chức năng của mình, cùng với cả hệ thống chính trị, tổ chức và người dân thực hiện có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước.

Với quan điểm báo cáo kết quả giam sát không theo kiểu “3 sôi 2 lạnh” – tức chỉ ra mấy ưu điểm, hạn chế chung chung, ngay từ đầu, Quốc hội quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hình thành đoàn giám sát kiểu mẫu; dù phạm vi toàn quốc nhưng giám sát phải sâu, trọng tâm, trọng điểm đủ thời gian, nguồn lực để làm; chỉ ra được mặt được, tồn tại, hạn chế và đặc biệt là phải rõ địa chỉ, cụ thể trách nhiệm.

Qua nhiều vòng bàn thảo, do phạm vi rất rộng nên Đoàn giám sát lần này tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 5 lĩnh vực đó là: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cuộc giám sát đã được chú trọng, việc triển khai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới, khi xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội; giao đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến đoàn giám sát. 

Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Hơn nữa, Đoàn giám sát còn huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu, vì vậy đã kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát. Đây là cả một quá trình làm việc rất kỹ lưỡng, rất nhiều vòng, nhiều bước để chuẩn bị trước khi tổ chức thực hiện. Có lẽ chưa có cuộc giám sát nào mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian tại 4 phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, giới hạn phạm vi, nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát chuyên đề; phương pháp giám sát; kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã khẳng định, rất khó để lượng hóa sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm, nhưng đã quyết tâm là làm được. Đây là cuộc giám sát có quy mô và huy động một lực lượng lớn tham gia. Bằng một phép so sánh có thể thấy, nếu như các chương trình giám sát trước đây chỉ tập trung vào một lĩnh vực, một hoặc một số nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện ở một số địa phương thì cuộc giám sát lần này trải rộng từ Trung ương đến các địa phương.

Xét về phạm vi, có thể thấy rất rộng, từ lĩnh vực kinh tế, tổ chức, bộ máy đến hoạt động tư pháp. Một chương trình giám sát đã xâu chuỗi gần như hầu hết các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh trong đời sống xã hội.

Chương trình giám sát lớn và chi tiết như vậy đã bộc lộ cho hoạt động lập pháp khối lượng công việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật lớn và đặt Chính phủ vào vị thế đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện tốt văn bản pháp luật. Đoàn giám sát nhận 580 công văn, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội, cùng hệ thống các phụ lục kèm theo đồ sộ, khoảng 100.000 trang tài liệu. Những giải pháp cũng như kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội là gần như hoàn chỉnh.

Bên cạnh việc lựa chọn vấn đề giám sát đúng và trúng, điều mà các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao về cuộc giám sát chuyên đề này là phương pháp, cách thức tiến hành giám sát, tạo sự huy động, tập trung cao của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan trong hoạt động giám sát. Từ đó, kết quả hoạt động của đoàn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều hành nhiều phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc giám sát lần này được xác định sẽ trọng tâm, trọng điểm và cần trả lời thẳng vào những câu hỏi cụ thể, rõ địa chỉ, trách nhiệm để không né tránh. Ví dụ như cả nước có bao nhiêu diện tích đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất, hay sử dụng không đúng mục đích? Việc quản lý sử dụng đất nông lâm trường thế nào? Đất nông nghiệp có tổng diện tích hoang hoá, chưa sử dụng là bao nhiêu? Chi họp hành, lễ tân, đi nước ngoài, công trình dự án dở dang kéo dài gây lãng phí ra sao... và hàng loạt lĩnh vực thuộc đầu tư, chi tiêu công đều phải đánh giá kỹ lưỡng về tính hiệu quả.

Với quyết tâm coi giám sát là một trọng tâm đổi mới của hoạt động Quốc hội, với chủ trương chuẩn bị chủ động, từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, việc triển khai thực hiện chương trình giám sát đạt được những kết quả rất quan trọng, chất lượng giám sát được nâng cao, chuyển biến rõ rệt, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức. Lãng phí đã dần “hiện hình” rõ hơn trong báo cáo kết quả giám sát tối cao, như Quốc hội đã nhấn mạnh là “để trả lời với cử tri và nhân dân”./.

Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Ngọc Thành, Hà Phương

Bài viết cùng chuyên mục