Tác phẩm đoạt giải lần 1

Xứng đáng là người đại biểu dân cử (Bài 5): Bài học kinh nghiệm và những kiến nghị từ Nghệ An

10/04/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Xứng đáng là người đại biểu dân cử" - Tác phẩm vinh dự đạt giải B Giải Diên Hồng lần thứ nhất
 
 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn HĐND tỉnh Nghệ An đã trình để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Điều đó khẳng định vai trò của HĐND tỉnh đối với việc đổi mới quản trị ở địa phương theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3/2022.
Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3/2022.

Đề án này đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong đó cải tiến công tác tổ chức kỳ họp, đổi mới việc xây dựng, ban hành nghị quyết trình kỳ họp; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiến hành thường xuyên hơn hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Thông qua thực hiện Đề án, hiệu quả phối hợp công tác giữa HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được nâng cao; từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri; mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh và HĐND tỉnh theo hướng chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, nhất là xử lý các nội dung trình HĐND tỉnh; song vẫn đảm bảo nguyên tắc và sự chặt chẽ thông qua việc ký quy chế phối hợp giữa các bên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết: “Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Đoàn ĐBQH; giữa UBND tỉnh với HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này được xây dựng cụ thể, chi tiết; nhất là phối hợp với các Ban HĐND tỉnh trong xây dựng các nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành; phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật hoặc có sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật để tổng hợp, kiến nghị Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng quy định, chính sách mới phù hợp thực tiễn; phối hợp trong tiếp nhận, tổng hợp, tiếp thu các kiến nghị, phản ánh của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra, giám sát kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, phản ánh của cử tri từ phía UBND tỉnh.

Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh ký kết Quy chế phối hợp.
Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh ký kết Quy chế phối hợp.
Ký Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ký Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Xác định vai trò trách nhiệm trong công tác lập pháp, hành pháp phải luôn đồng hành, gắn bó chặt chẽ với nhau, cho nên, hàng tháng, UBND tỉnh đều tham gia dự phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực, các ban HĐND tỉnh tham gia các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh; trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều tổ chức cuộc làm việc với UBND tỉnh để nắm bắt các vấn đề từ thực tiễn phản ánh đến Quốc hội”.

Từ hoạt động thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình đúc rút: “Việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao là thực sự cần thiết. Muốn vậy cần phát huy vai trò của Đảng đoàn HĐND trong chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình công tác của HĐND, mà trọng tâm là chương trình ban hành nghị quyết của HĐND; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Bám sát chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để định hướng hoạt động của HĐND tỉnh; tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội liên quan đến địa phương”.

 
Các đại biểu Quốc hội: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng,Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với cử tri huyện Thanh Chương; Đoàn giám sát Quốc hội kiểm tra thực tế tại dự án hồ chứa nước Bản Mồng. Các đại biểu Quốc hội: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng,Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với cử tri huyện Thanh Chương; Đoàn giám sát Quốc hội kiểm tra thực tế tại dự án hồ chứa nước Bản Mồng.
 

Bước vào nhiệm kỳ 2021-2026, trước sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội và yêu cầu phát triển cao hơn của tỉnh Nghệ An, đặt ra cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhiều trăn trở, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, bằng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu dân cử.

Ngoài tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị trao đổi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Qua đó, các đại biểu dân cử nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm trau dồi các kỹ năng giải thích, giải trình các vấn đề cử tri nêu ngay tại hội nghị tiếp xúc cử tri, tránh tình trạng tiếp thu một chiều từ phía đại biểu; đồng thời nâng cao trách nhiệm “đeo bám” việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh từ phía cử tri của các đại biểu dân cử các cấp…

Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động hội đồng nhân dân cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động hội đồng nhân dân cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm với Thường trực HĐND cấp huyện. Riêng năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 4 hội nghị với thường trực HĐND cấp huyện theo 2 cụm, mỗi cụm tổ chức 2 lần trong năm và theo từng chủ đề sâu về các giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp chuyên đề của HĐND; vừa trao đổi kinh nghiệm mang tính tổng thể các hoạt động của HĐND, từ tổ chức kỳ họp, giám sát, khảo sát, phiên giải trình, tiếp xúc cử tri…

Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc Lê Thị Hiền cho rằng, thông qua các hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm, nhiều sáng kiến hay, đổi mới trong hoạt động của Thường trực, các ban HĐND tỉnh và thường trực HĐND các đơn vị cấp huyện được chia sẻ để học tập lẫn nhau, đem lại tác động hai chiều cho cả HĐND tỉnh và cấp huyện trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bao gồm kinh nghiệm lựa chọn nội dung và tổ chức giám sát chuyên đề và để đảm bảo hiệu quả giám sát cần quan tâm tái giám sát; tổ chức kỳ họp thường lệ, kỳ họp chuyên đề; hoạt động giải trình, chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND; giải pháp nâng cao chất lượng tiếp thu, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cử tri; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của HĐND…

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm với Thường trực HĐND cấp huyện thuộc cụm 1 (lần 2); Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm với Thường trực HĐND cấp huyện thuộc cụm 1 (lần 2); Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Cùng với nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử và chất lượng hoạt động dân cử, ở nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ hơn trong việc theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, cơ chế theo dõi, đánh giá dựa trên hai kênh gồm: Theo dõi của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; và qua 21 tổ đại biểu HĐND tỉnh tự theo dõi, đánh giá. Tiêu chí đánh giá căn cứ vào các hoạt động của đại biểu tại kỳ họp; tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; trách nhiệm gửi đề xuất nội dung chất vấn tại các kỳ họp, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh khi được lấy ý kiến; hoạt động tham gia tiếp công dân cùng với chính quyền của đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của đại biểu được gửi đến cấp uỷ nơi đại biểu HĐND sinh hoạt; đây được xem là một “kênh” xếp loại thi đua hàng năm của cán bộ, đảng viên./.


 

Để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, đại biểu dân cử, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; các cử tri, đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Nghệ An có những ý kiến tâm huyết gửi đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội với mong muốn sửa đổi kịp thời những vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn.

 

Nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; ban hành quy chế mẫu về hoạt động của HĐND các cấp theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Ban HĐND và lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND; trách nhiệm của UBND trước HĐND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của chủ tịch HĐND; mối quan hệ giữa HĐND các cấp; công tác giám sát, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tiếp xúc cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật).

Điều chỉnh, tăng thời gian các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định chỉ có 5 ngày (trước ngày khai mạc kỳ họp, cơ quan dự thảo nghị quyết gửi tài liệu chậm nhất trước 15 ngày; báo cáo thẩm tra gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất trước 10 ngày).

Ban hành quy định về công tác thi đua khen thưởng thuộc thẩm quyền của HĐND, tiêu chí đánh giá, xếp loại HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương và hướng dẫn cụ thể hơn về cơ cấu cấp uỷ đảm nhiệm các chức vụ Thường trực HĐND, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh để đảm bảo thống nhất giữa các địa phương trong cả nước; tăng số lượng cấp uỷ là thường trực và lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND.

 

Hiện nay, có những vấn đề cử tri bức xúc phản ánh, kiến nghị qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri chưa được giải quyết; có những vấn đề vướng mắc từ cơ sở chưa được tháo gỡ. Điều này dẫn đến tâm lý không muốn đi, không muốn phát biểu tại các kỳ tiếp xúc đại biểu dân cử của cử tri. Bởi vậy, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động, có chế tài theo dõi, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri tại các kỳ tiếp xúc thật thỏa đáng, kịp thời hơn.

Đồng thời cần có cơ chế giám sát việc thực hiện chương trình hành động và lời hứa của đại biểu trong kỳ vận động bầu cử vào đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, vừa đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động, đóng góp của đại biểu; vừa góp phần nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đại biểu thực sự là đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của cử tri, Nhân dân.

 

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh tăng, trong khi đó tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, như HĐND tỉnh Nghệ An chỉ hơn 13%. Mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, đại biểu hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND; tuy nhiên hiện nay đang thiếu cơ chế để giám sát, theo dõi, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử mang tính hệ thống. Vì vậy kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành tiêu chí đánh giá, tạo cơ sở và sự thống nhất để thực hiện.

 

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp được ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua góp phần rất quan trọng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy còn thiếu các chế tài và hướng dẫn cụ thể để nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, quy định rõ trách nhiệm và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, sau chất vấn và giải trình của cơ quan dân cử. Quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm kiến nghị sau giám sát. Hướng dẫn xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa các chủ thể giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng, Thanh tra nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

 

Hiện nay, bộ máy cơ quan HĐND cấp huyện, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, chưa có sự thống nhất. Có địa phương bố trí các trưởng ban HĐND là kiêm nhiệm, phó trưởng ban là chuyên trách; địa phương khác thì bố trí các trưởng ban chuyên trách và phó trưởng ban kiêm nhiệm.

Qua hoạt động thực tiễn thấy rằng, trưởng ban chuyên trách của HĐND có nhiều thuận lợi, hoạt động mang tính chuyên sâu, toàn tâm, toàn ý, nhiều việc quyết định tham mưu được chủ động, không chờ xin ý kiến nếu trường hợp trưởng ban kiêm nhiệm. Tuy nhiên, bất cập hiện nay, trưởng các ban chuyên trách chưa được cơ cấu cấp uỷ, trong khi đối tượng chịu sự giám sát hoạt động của các ban là chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các phòng chuyên môn UBND cùng cấp là thường trực, thường vụ, cấp uỷ viên. Vì vậy, để thuận lợi trong hoạt động của các trưởng ban HĐND, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và kiến nghị với Đảng cơ cấu chức vụ trong Đảng đối với trưởng các ban chuyên trách HĐND, vừa tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của HĐND, đồng thời tăng “sức nặng” hoạt động của HĐND trong hệ thống chính trị.

 

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng phần mềm ứng dụng cho cơ quan dân cử các cấp trong cả nước về việc tiếp nhận, theo dõi, giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri. Bởi quá trình xử lý nhiều đơn thư kiến nghị không chỉ riêng của cơ quan chức năng ở địa phương, mà còn liên quan đến cấp Trung ương; việc sử dụng chung một phần mềm sẽ tạo liên thông giữa các cấp, giúp quá trình tiếp nhận, theo dõi, đôn đốc xử lý sẽ liền mạch, hiệu quả hơn.

Đức Chuyên - Thành Duy - Mai Hoa - Hoàng Hoa

Bài viết cùng chuyên mục