Tác phẩm đoạt giải lần 1

Xứng đáng là người đại biểu dân cử (Bài 3): Ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời

10/04/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Xứng đáng là người đại biểu dân cử" - Tác phẩm vinh dự đạt giải B Giải Diên Hồng lần thứ nhất
 
 

Chuẩn bị cho việc ban hành Nghị quyết “Quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập; mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định thuộc tỉnh Nghệ An quản lý từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025 – 2026”, với tinh thần vào cuộc ngay từ đầu, thông qua các cuộc giám sát, các cuộc tiếp xúc cử tri và nghiên cứu các văn bản liên quan, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An nhận thấy có 2 vấn đề chưa thỏa đáng trong dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đến thăm gia đình Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt và tặng quà đến Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kim Oanh; Kiểm tra phòng học ở Trường THPT Kỳ Sơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đến thăm gia đình Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt và tặng quà đến Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kim Oanh; Kiểm tra phòng học ở Trường THPT Kỳ Sơn.

Trước hết, mức thu được đánh giá là khá cao, gây khó khăn cho không ít phụ huynh. Cùng với đó, quy định về đối tượng như trong dự thảo còn bất cập, như các xã thuộc thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh có mức thu học phí như các phường (tăng gần 300%); trong khi đó, qua khảo sát tại các xã như Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa), Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) cho thấy mức sống ở các vùng này không khác nhiều ở các xã vùng nông thôn…

Ông Chu Đức Thái -Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã tham gia góp ý tại một số cuộc họp của UBND tỉnh về những bất cập như trên. Lãnh đạo UBND tỉnh rất cầu thị, nhìn thấy điểm bất cập đó và rất đồng tình quan điểm đề xuất của Ban, nên sau đó mức học phí được đưa về thấp nhất trong khung Nghị định 81 và đối tượng cũng được điều chỉnh là các xã thuộc thị xã, thành phố thì có mức học phí như khu vực nông thôn, không tính như các phường”.

Đoàn công tác HĐND tỉnh giám sát về công tác dạy nghề tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Đoàn công tác HĐND tỉnh giám sát về công tác dạy nghề tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Trên tinh thần đó, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vào tháng 7/2022, Nghị quyết quy định về mức thu học phí trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các đại biểu tán thành cao và thông qua.

Từ thực tiễn tham gia chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để xây dựng nghị quyết HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái cho rằng: “Phân tích một nghị quyết về mặt chính sách để thấy trường hợp, nếu mình không đi khảo sát thực tế, không đánh giá, thu thập thông tin, không đối chiếu thực tiễn của địa phương, mà chỉ căn cứ vào cơ sở pháp lý của cấp trên, nhiều lúc chính sách đề ra sẽ không phù hợp. Quá trình Ban đồng hành, góp ý, cho ý kiến trong từng bước xây dựng nghị quyết và các cơ quan soạn thảo tiếp thu rất cụ thể, từ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… nên khi bước vào khâu thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh thì dự thảo nghị quyết đã cơ bản phù hợp, tiệm cận với thực tiễn và quy định của pháp luật…”.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII.

 

Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là cơ sở để UBND tỉnh ban hành các quyết định trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do đó, quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An là phải “chuẩn bị từ sớm, từ xa” để nghị quyết đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao, sớm đi vào cuộc sống; tránh tình trạng cơ quan soạn thảo chuẩn bị dự thảo nghị quyết còn sơ sài, mang tính hình thức, nội dung còn chung chung, thiếu cụ thể dẫn đến phải trình nhiều lần mới được thông qua làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương, hoặc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3/2023.
Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3/2023.

Cho nên đầu mỗi năm, Thường trực HĐND tỉnh đều yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng danh mục nghị quyết cần trình HĐND tỉnh xem xét ban hành trong năm để Thường trực HĐND tỉnh xem xét thông qua. Đây được xem như là “danh mục cứng”, chỉ cho phép bổ sung, điều chỉnh trong trường hợp có những quy định mới, sửa đổi từ Trung ương hoặc những vấn đề phát sinh, cấp bách từ thực tiễn ở địa bàn cần HĐND tỉnh phải ban hành nghị quyết kịp thời thì mới cho phép cập nhật, bổ sung. Như đầu năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã trình và được Thường trực HĐND tỉnh thông qua danh mục 33 nghị quyết cần ban hành trong năm.

Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao các cơ quan hữu quan chuẩn bị các thủ tục, quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết từ sớm, không chờ đến gần trước kỳ họp của HĐND tỉnh mới cập rập chuẩn bị; đồng thời phân công các Ban HĐND tỉnh chủ động vào cuộc, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung; chủ động tham dự các cuộc họp, hội thảo do các ngành và UBND tỉnh tổ chức để nắm bắt thông tin, tham gia góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo, dự thảo nghị quyết. Cách tiếp cận này đã chứng minh được hiệu quả trong thực tiễn.

 
 

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, Nghệ An là tỉnh có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn. Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai 9 dự án thành phần với 708 dự án chi tiết; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần với 48 dự án chi tiết; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới triển khai tại 411 xã với 988 dự án chi tiết nên có những khó khăn nhất định.

Tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói, giảm nghèo bền vững là hơn 4.931 tỷ đồng, riêng năm 2022 được phân bổ hơn 1.295 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2022 là năm đầu tiên giải ngân các nguồn vốn này, áp lực thực hiện các thủ tục theo quy định để đẩy nhanh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia là vô cùng lớn.

 
Ảnh trên xuống, trái sang: Một góc nông thôn mới ở xã Vĩnh Thành (Yên Thành), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Diễn Tháp (Diễn Kỷ) và Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: PV-CTV Ảnh trên xuống, trái sang: Một góc nông thôn mới ở xã Vĩnh Thành (Yên Thành), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Diễn Tháp (Diễn Kỷ) và Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: PV-CTV

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, UBND tỉnh Nghệ An đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hàng năm cho các ngành, các cấp của địa phương tại kỳ họp chuyên đề.

Đến 30/6/2022, tỉnh Nghệ An là một trong số những tỉnh sớm nhất trong cả nước hoàn thành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phân bổ và Quyết định của UBND tỉnh giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Trung ương. Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngay sau đó, HĐND tỉnh chính thức thông qua danh mục dự án chi tiết của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia tại 3 nghị quyết, làm cơ sở để UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

Ảnh trái sang, trên xuống: Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước bản Mồng; Thi công hầm Thần Vũ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2 và tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc.
Ảnh trái sang, trên xuống: Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước bản Mồng; Thi công hầm Thần Vũ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2 và tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc.

Nếu chiếu theo thông lệ, mỗi năm HĐND cấp tỉnh chỉ tổ chức 2 kỳ họp giữa năm và cuối năm, thì những vấn đề như ban hành các chính sách để kịp thời giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu Quốc gia như trên sẽ không kịp thời theo yêu cầu, làm ảnh ưởng đến quyền lợi của người dân, đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Văn Quý, đánh giá: 3 nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành là rất kịp thời, tạo nền tảng cơ sở pháp lý quan trọng để các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương được thụ hưởng triển khai các mục tiêu kinh tế – xã hội, giảm nghèo mang tính đồng bộ, tổng thể và căn cơ, thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Trên đây là một trong rất nhiều ví dụ mà HĐND tỉnh Nghệ An đã vào cuộc khẩn trương, rốt ráo, phối hợp nhịp nhàng với UBND tỉnh và các tổ chức trong hệ thống chính trị, không có chuyện “quyền anh, quyền tôi” mà là sự chia sẻ, ủng hộ nhau để kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên được nâng lên.

Đại biểu Lữ Thị Khuyên nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh về các dự án sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Lữ Thị Khuyên nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh về các dự án sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong mối quan hệ công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh nguyên tắc: “Trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị và xây dựng” vì mục tiêu, lợi ích chung của tỉnh; vừa thực hiện nhanh, linh hoạt, hiệu quả, không cứng nhắc; vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, chặt chẽ. Ngoài các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh có thể tổ chức thêm các kỳ họp chuyên đề để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn khách quan”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh khẳng định: Việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh đã góp phần giúp UBND tỉnh tháo gỡ, giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết, cấp bách từ thực tiễn cuộc sống liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đồng thời thúc đẩy tinh thần chủ động, linh hoạt, khẩn trương trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Ảnh tư liệu: VGP
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Ảnh tư liệu: VGP
 
Đức Chuyên - Thành Duy - Mai Hoa - Hoàng Hoa

Bài viết cùng chuyên mục