Điểm nhấn những công trình mới
Cơ chế hỗ trợ làm đường theo Nghị quyết 06 và 07 của HĐND tỉnh kết thúc thắng lợi, các địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng mạng lưới GTNT - “mao mạch” ở các thôn, bản, khu dân cư. Việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cứng hoá đường giao thông theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và các địa phương đã đánh thức nguồn lực to lớn từ nhân dân; GTNT phát triển đột phá so với trước, vượt xa mục tiêu đề ra. Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp đã cải thiện rõ nét tình hình sản xuất, đời sống của người dân nông thôn, tạo động lực quan trọng và đóng góp tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Cầu Chũ (Lục Ngạn) mới được xây dựng tạo thuận lợi phát triển KT-XH. Ảnh: VIỆT HƯNG. |
Với tầm nhìn dài hạn, tỉnh xác định, bắt đầu từ năm 2020 dành nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường huyện, đường tỉnh, coi đây là “động mạch chủ” của huyết mạch giao thông trên địa bàn. Để có nguồn lực, tỉnh dành vốn ngân sách và vận dụng quy định của nhà nước đầu tư xây dựng hàng loạt cây cầu, tuyến đường mới.
Với tầm nhìn dài hạn, tỉnh xác định, bắt đầu từ năm 2020 dành nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường huyện, đường tỉnh, coi đây là “động mạch chủ” của huyết mạch giao thông trên địa bàn. |
Điển hình là cầu Chũ mới (Lục Ngạn) bắc qua sông Lục Nam, cách vị trí cầu Chũ cũ khoảng 500 m về hạ lưu, chiều dài cầu và hai bên đường dẫn dài gần 800 m.
Cầu có thiết kế dài 220 m, bề mặt rộng 16 m được xây dựng theo công nghệ bê tông dự ứng lực. Đây là công trình được đầu tư hoàn thành trong năm 2021, góp phần giảm tải cho tuyến quốc lộ 31, giúp người dân vùng vải tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, tránh ách tắc cục bộ.
Tiếp đến là dự án xây dựng đường trục thị trấn Vôi (Lạng Giang) thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) có tổng mức đầu tư hơn 314 tỷ đồng. Dự án xây dựng mới đường, cầu vượt đường sắt, đường bộ và cầu qua kênh, tổng chiều dài tuyến 3,88 km. Tuyến gồm hai đoạn: Đoạn đầu tuyến dài 1,867 km, mặt cắt ngang 40 m, tiêu chuẩn đường đô thị cấp khu vực; đoạn cuối tuyến dài 2,1 km, chiều rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Cầu vượt đường sắt và quốc lộ 1 dài 208,5 m, rộng 16 m; cầu qua kênh dài 23,1 m, rộng 36 m.
Cán bộ kỹ thuật chỉ đạo thi công tuyến đường huyện, đoạn qua thị trấn Vôi (Lạng Giang). |
Đặc biệt, để đánh thức vùng “lõm” về giao thông, dự án tuyến đường nối quốc lộ 37 - quốc lộ 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên), tổng mức đầu tư hơn 1.452 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và tỉnh đang được tập trung triển khai. Dự án đi qua các huyện Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò quan trọng, tạo động lực phát triển KT-XH liên vùng và kết nối với tỉnh ngoài.
So với các địa phương trong tỉnh, huyện Yên Thế dù đã quan tâm đầu tư làm đường nhưng việc kết nối giao thông vẫn còn hạn chế. Nhiều tuyến đường gần như bị “cụt”. Xác định tính cấp thiết, ý nghĩa của dự án, hiện liên danh các nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại 559 - Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh - Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Thương mại Hồng Hà đang tập trung nhân lực thi công. Tại đoạn thuộc xã Canh Nậu (Yên Thế), đơn vị thi công đang dồn sức cho các phần việc như: Đổ bê tông cơ mái, bậc mái...
Cùng anh Vũ Xuân Huy, Giám đốc Ban điều hành dự án đi dọc tuyến, chúng tôi thấy con đường như dải lụa uốn lượn qua những sườn núi đang dần hình thành. Từng đoàn xe tải hối hả vận chuyển đất đến công trường. Tại những khu vực đã được bạt núi, công nhân đang làm phần rãnh cơ, bậc nước... Xa xa, máy múc, máy đào chạy ầm ì trên đỉnh núi cao. Việc thi công đoạn đường qua khu vực này khá vất vả vì mở đường mới, xuyên qua núi đồi, địa hình phức tạp. Khắc phục khó khăn, các kỹ sư, công nhân ngày đêm bám công trường để sớm đưa tuyến đường vào khai thác.
Dự án đường nối quốc lộ 37- quốc lộ 17 - Võ Nhai được khởi công ngày 18/12/2021, dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Với tiến độ này, dự án sẽ thi công xong trong năm 2023, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch. Tại xã Canh Nậu, nhiều người dân chia sẻ, trước đây dù có nằm mơ cũng không nghĩ tương lai lại có con đường mới to đẹp, nối liền với tỉnh ngoài như thế. Vì vậy, hầu hết các hộ tích cực phối hợp, chung tay giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đón bắt cơ hội, cùng với hỗ trợ thi công tuyến đường, UBND huyện Yên Thế đã có kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 150 ha tại xã Canh Nậu, quy hoạch các khu dân cư dọc tuyến đường. Những con đường mới vượt qua núi đồi, sông suối đã và đang dần hình thành mang đến cho mỗi miền quê diện mạo, sức sống mới.
Phát triển hệ thống giao thông kết nối đối ngoại
Để tiếp tục tạo chuyển biến mới trong phát triển giao thông, ngày 7/3/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kết luận số 55 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh tập trung nâng cấp quốc lộ, đường tỉnh, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị, du lịch.
Cầu Đồng Việt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Đường tỉnh và quốc lộ trong kế hoạch đầu tư phải có quy mô cấp III trở lên, các trục đường giao thông động lực phải đầu tư với quy mô chiều rộng mặt đường 18 m trở lên. Theo đó, Bắc Giang đã phê duyệt danh mục đầu tư nâng cấp, cải tạo và làm mới 23 tuyến đường tỉnh. Trong đó, chú trọng giao thông kết nối đối ngoại. Xác định hướng đi đúng nên đã phát huy, tập trung được nguồn lực để xây dựng các tuyến đường như: Đường dẫn và cầu Đồng Việt kết nối với tỉnh Hải Dương, mở ra không gian, động lực phát triển mới.
Hiện nay dự án đang được triển khai đúng tiến độ. Một loạt công trình khác như: Dự án đường nối quốc lộ 37- quốc lộ 17- đường tỉnh 292 đoạn Việt Yên- Tân Yên- Lạng Giang; đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên); dự án đường dẫn và cầu Hà Bắc 2 kết nối với tỉnh Bắc Ninh đang triển khai thi công với quy mô đường cấp III, dự kiến hoàn thành trong quý III/2023; mở rộng cầu Như Nguyệt trên quốc lộ 1 sang tỉnh Bắc Ninh; dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 31 từ Lục Nam đi Lục Ngạn đang được đẩy nhanh tiến độ…
Một trong những thuận lợi cho đầu tư phát triển giao thông của tỉnh đó là Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đầu năm 2022.
Dựa vào quy hoạch phát triển giao thông theo quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường hiện trạng và các tuyến mở mới theo quy hoạch, trong đó có các tuyến đường động lực bảo đảm quy mô mặt cắt và tính kết nối đối ngoại với các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh, TP Hà Nội; kết nối với các trục giao thông chính trong khu vực cũng như kết nối giữa các khu vực, địa phương trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng; khắc phục tình trạng đường độc đạo, nhỏ hẹp, đường vòng tránh qua các khu đô thị, khu dân cư...
Cùng với tỉnh, cấp huyện đã chủ động thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông theo định hướng phát triển của địa phương phù hợp với quy hoạch tỉnh; cấp xã cũng quan tâm quy hoạch phát triển các tuyến GTNT gắn với hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn mới.
Quy mô đầu tư các tuyến đường bảo đảm tối thiểu cấp III với các tuyến đường tỉnh, quốc lộ; chiều rộng mặt đường tối thiểu 6 m đối với đường huyện, kết cấu mặt đường chủ yếu là bê tông nhựa và bê tông xi măng cường độ cao. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu phương án cầu vượt đường sắt, thiết kế xây dựng đường giao với đường sắt bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ngày 19/1/2023, Bộ Giao thông- Vận tải đã ban hành Quyết định, cho phép ga Kép được khai thác hoạt động liên vận quốc tế, tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực, giúp giảm chi phí logistics.
Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, ba năm qua, tỉnh và các huyện, TP đã quan tâm đầu tư các tuyến giao thông mới, đặc biệt là giao thông kết nối đối ngoại với tổng chiều dài khoảng 300 km, nâng mật độ số km/100 km2 và mật độ km/1000 dân, trong đó mật độ km/100 km2 tiếp tục lớn hơn bình quân cả nước.
Hệ thống giao thông đường bộ hiện phát triển tương đối đồng đều trong tỉnh, sự chênh lệch về mật độ giao thông giữa các huyện đồng bằng và miền núi giảm đáng kể. Điều này đã tạo động lực cho phát triển KT-XH địa phương. Đáng phấn khởi, năm 2022, quy mô kinh tế của Bắc Giang đứng thứ 13 cả nước, vượt mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2025; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 2 cả nước, tăng 29 bậc so với năm trước. Quý I năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài dẫn đầu cả nước với 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm các tỉnh, TP dẫn đầu.