Tác phẩm đoạt giải lần 1

Quốc hội và Hội đồng nhân dân - Tầm nhìn và trách nhiệm (Bài 2): Hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức thực hiện

23/03/2023
Từ việc ban hành các Đề án, kế hoạch triển khai, các nghị quyết, xây dựng khung chương trình bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đại biểu HĐND và quyết tâm trong đổi mới phương thức thực hiện đã thể hiện tư duy chiến lược của tập thể lãnh đạo Quốc hội và nỗ lực không ngừng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật và tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa Quốc hội với HĐND, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đối với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thực hiện trách nhiệm trên các phương diện

Những tháng đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng tới hoạt động cả hệ thống chính trị, tới đời sống an sinh - xã hội của từng người dân. Thực hiện nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH giao, khi các hoạt động trao đổi trực tiếp như tham dự các hội nghị, hội thảo, kỳ họp HĐND bị gián đoạn, Ban Công tác đại biểu tận dụng tối đa khoảng thời gian “tĩnh” để nhìn nhận, rà soát khoảng trống pháp lý, những mâu thuẫn của các quy định để tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đánh giá tổng thể hiệu quả các phương diện hoạt động có sự tương tác giữa Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và từng đại biểu Quốc hội với HĐND để đổi mới phương thức thực hiện.

Trong vai trò lãnh đạo, Đảng đoàn Quốc hội thông qua Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND” và chỉ đạo UBTVQH ban hành Kế hoạch 389/KH - UBTVQH15 ngày 26.12.2022 tổ chức thực hiện Đề án. Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBTVQH; tăng cường gắn kết, phối hợp hoạt động chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND, góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Trong vai trò xây dựng pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý, trên cơ sở đề xuất, chủ trì soạn thảo của Ban Công tác đại biểu và phối hợp với các cơ quan liên quan, qua nhiều lần lấy ý kiến của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Từng kiến nghị của Thường trực HĐND được UBTVQH chỉ đạo nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng với mong muốn ban hành một văn bản pháp luật “phản ánh hơi thở đời sống xã hội” để hướng dẫn chi tiết Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Thực hiện Kết luận số 12 - KL/TW ngày 06.4.2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tại Nghị quyết số 594, UBTVQH đã ưu tiên xác định tiêu chí, ưu tiên lựa chọn nội dung giám sát, trách nhiệm lồng ghép vào nội dung giám sát là các vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau nửa năm thực hiện, đại diện cơ quan dân cử các địa phương chung nhận định: Nghị quyết đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng trước yêu cầu xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, đồng thời như cuốn cẩm nang “cầm tay chỉ việc”, cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.

Theo Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long: Nghị quyết số 594 đã giúp HĐND các cấp thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, góp phần đưa các chính sách của Trung ương, của tỉnh sớm đi vào cuộc sốngCùng quan điểm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh: Nghị quyết số 594 đã hướng dẫn HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND đổi mới phương thức triển khai công việc khoa học, logic… nhằm tạo điều kiện để HĐND có cơ sở chủ động, tích cực, phát huy tốt hơn hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực nhà nước ở địa phương.

Bài 2: Hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức thực hiện
UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND tại Phiên họp chuyên đề tháng 8.2022. Nguồn: quochoi.vn

Quy phạm hóa những hoạt động hiệu quả từ thực tiễn

Với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” và sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBTVQH tổ chức 2 Hội nghị toàn quốc tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào đầu năm 2022 tại 3 miền Bắc - Trung - Nam; Hội nghị thứ hai được tổ chức vào đầu năm 2023 với sự tham gia của Thường trực Ban Bí thư, đại diện lãnh đạo Chính phủ và Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố.

Đây là bước đột phá khi lần đầu tiên các hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND được UBTVQH độc lập tổ chức định kỳ hằng năm để đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý; đồng thời, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của HĐND (các nhiệm kỳ trước, UBTVQH và Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND khi kết thúc nhiệm kỳ). Qua đó, tăng tính chủ động trong việc xây dựng nghị quyết hằng năm và cả nhiệm kỳ.

Đánh giá về ý nghĩa việc tổ chức hội nghị tổng kết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Hội nghị toàn quốc về công tác HĐND thực sự là diễn đàn quan trọng để UBTVQH - cơ quan có thẩm quyền giám sát, hướng dẫn hoạt động HĐND đồng hành, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động để cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hoàn thành tốt trọng trách của mình. Từ góc nhìn của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng chia sẻ: việc tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố thể hiện tầm nhìn đúng đắn cũng như sự quan tâm của UBTVQH, giúp HĐND có thêm niềm tin, điểm tựa vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là sự động viên, khích lệ, cổ vũ và tạo điều kiện cho hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Sự quan tâm của UBTVQH đối với HĐND được thể hiện bằng việc tham dự, chỉ đạo các Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực. Đây là một hoạt động sôi nổi, là dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV được kế thừa, phát huy trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Năm 2022, Hội nghị thường trực HĐND 6 khu vực được khởi động trở lại sau gần 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19. Lần đầu tiên, khái niệm “Hội nghị Thường trực HĐND theo khu vực” được quy phạm hóa tại Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Mặc dù chưa phải là quy định trực tiếp, nhưng là sự tiếp thu, lời giải đáp của UBTVQH đối với HĐND sau nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ mong chờ. Từ quy định này, HĐND có căn cứ triển khai, các cơ quan ở Trung ương có cơ cở thực hiện trách nhiệm giải quyết kiến nghị, đề xuất tại các hội nghị.

Hội tụ tại diễn đàn Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

Công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND được đổi mới theo hướng chủ động, thay vì chờ tiếp nhận báo cáo, kiến nghị từ HĐND, UBTVQH đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu hướng dẫn địa phương báo cáo theo đề cương, đề nghị cung cấp số liệu định kỳ sáu tháng, một năm hoặc khi có thay đổi về nhân sự. Qua đó khẳng định sự chủ động trong việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Nhằm tăng cường kết nối giữa Quốc hội với HĐND, UBTVQH đã tổ chức mời lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp huyện dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội hoặc tham dự một số kỳ họp Quốc hội; phân công thành viên UBTVQH tham dự, phát biểu tại các kỳ họp HĐND cấp tỉnh; tích cực chỉ đạo triển khai hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.

Với quan điểm: việc của địa phương, trách nhiệm với Nhân dân địa phương không chỉ là của HĐND mà còn là việc của Quốc hội; để nguyện vọng, tiếng nói của cử tri ở một vùng, một miền hòa chung vào tiếng nói cử tri cả nước cần có kinh nghiệm không chỉ riêng của HĐND mà còn là trách nhiệm của Quốc hội, nên Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm tham gia vào hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Những kết quả đạt được đã phản ánh tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trên hết, đó là minh chứng của nguyên tắc thực hiện quyền lực nhà nước là thống nhất, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân được hội tụ tại diễn đàn Quốc hội, HĐND.

Hoàng Thị Lan

Bài viết cùng chuyên mục