Những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến công tác nhân sự, đến đời sống của 100 triệu người dân nước ta… đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ cao trong các kỳ họp, thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, luôn phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xúc động, tự hào và tin tưởng là tâm sự của nhiều cử tri, nhân dân sau khi xem truyền hình trực tiếp lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Kỳ họp bất thường lần thứ tư của Quốc hội ngày 2-3-2023 vừa qua.
"Lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Võ văn Thưởng cô đọng, súc tích, ý nghĩa. Thật cảm động vô cùng!"; "Bài phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rất hay và xúc động. Chúc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng luôn mạnh khỏe, đồng cam, cộng lực lãnh đạo đất nước phồn vinh, hạnh phúc!", "Qua theo dõi quá trình công tác, tôi nhận thấy Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng còn trẻ nhưng rất có tâm, có tầm, tâm huyết phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân. Chúc Chủ tịch nước luôn mạnh khỏe, chèo lái con thuyền đất nước Việt Nam luôn thái bình và ngày càng thịnh vượng!"...
Đó là một vài trong số vô vàn lời chúc mừng và cũng là niềm tin gửi gắm của hàng triệu cử tri, nhân dân nước Việt gửi đến đồng chí Võ Văn Thưởng khi đồng chí được Quốc hội khóa XV bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và nghe lời cam kết "cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu" với nhân dân của Chủ tịch nước với Quốc hội, đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước trong hành trình sắp tới.
Hôm ấy, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hải (65 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương) cùng nhiều người dân trong xã Thái Thịnh cùng nhau ngồi trước màn hình tivi để chứng kiến thời khắc kiện toàn nhân sự cấp cao nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc Quốc hội triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ tư để kiện toàn nhân sự cấp cao nhà nước, bầu vị trí Chủ tịch nước lúc đó đang khuyết là quyết định vô cùng kịp thời, chủ động, trách nhiệm cao, được người dân hết sức mong chờ, quan tâm.
"Diễn đàn của Quốc hội khóa XV đã thực sự giải quyết nhiều vấn đề “nóng” của đất nước, trong đó có những quyết định về nhân sự hết sức kịp thời. Đất nước không thể nào thiếu vắng những lãnh đạo chủ chốt. Do vậy, những phiên họp bất thường bàn về công tác nhân sự của Quốc hội được cử tri và nhân dân chúng tôi rất quan tâm, đánh giá cao. Chúng tôi mong rằng, khi bộ máy nhân sự nhà nước cấp cao được kiện toàn với những đồng chí thực sự ưu tú, đủ tài, đủ đức sẽ là sức mạnh trí tuệ hợp sức thúc đẩy kinh tế, xã hội nước nhà, quyết định được nhiều vấn đề quan trọng, nâng cao đời sống của người dân chúng tôi", cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng từng cho rằng: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu then chốt của xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội.
"Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, là nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực uy tín, triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ các cấp, trong đó có đại biểu Quốc hội đảm nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nói về công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh quan điểm: Việc lựa chọn nhân sự để bố trí, sắp xếp hay kịp thời thay thế các vị trí là việc bình thường. Việc phát hiện nhân tài, bố trí sử dụng cán bộ là để bảo đảm gánh vác công việc chung của đất nước hoặc của từng cơ quan. Việc thay thế kịp thời đối với nhân sự không còn bảo đảm cũng là việc làm thường xuyên của Đảng.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới cũng xác định: Công tác cán bộ kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống"; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác nhân sự tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XV được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Nói rõ hơn về những quyết sách liên quan đến công tác nhân sự của Quốc hội khóa XV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Những vấn đề liên quan tới nhân sự, tổ chức bộ máy nhà nước đã được Quốc hội quyết định rất kịp thời, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, để đáp ứng cho những vấn đề quan trọng như: Bầu Chủ tịch nước, miễn nhiệm các chức danh có liên quan hay bãi nhiệm những đại biểu Quốc hội không còn đủ tín nhiệm đối với cử tri.
Bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khóa XV còn rất thận trọng trong xem xét, bàn thảo, bấm nút thông qua các dự án luật khó, nhạy cảm, tác động nhiều đến người dân, xã hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc đến một dự án luật được dư luận rất quan tâm đã được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV, đó là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp.
"Trong quá trình thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của dự án luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến việc bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, thuyết phục ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Vì vậy, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã đạt được tỷ lệ tán thành cao khi Quốc hội biểu quyết thông qua", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nói.
Dự án luật này được thông qua với rất nhiều điểm mới, như: Quy định về cơ chế tự chủ của các bệnh viện, quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia, đặc biệt là về xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Là người đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật quan trọng này, TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ năm 2022; ban đầu, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã không thể thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) như dự kiến. Việc thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chậm hơn dự kiến xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi cần được bàn thảo kỹ càng hơn trước khi thông qua.
Đánh giá về tầm quan trọng của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), TS Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định: Dự án luật này vô cùng quan trọng, có nhiều tác động đến các vấn đề gắn liền với chăm sóc sức khỏe của nhân dân nên trong quá trình xây dựng đòi hỏi sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong rà soát và hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi cũng như các nội dung mới.
Đặc biệt là trong bối cảnh khi xây dựng luật này, đất nước và nhân dân ta đã và đang trải qua cuộc chiến chống dịch Covid-19, phát sinh nhiều tình huống phức tạp, chưa được quy định trong hệ thống phát luật.
Mặt khác, trong quá trình thảo luận về các nội dung của dự thảo luật còn có nhiều nội dung đề xuất mới, nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, ngay trong giai đoạn xây dựng luật, ngành y tế - cơ quan tham mưu, chủ trì soạn thảo cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có sự thay đổi lãnh đạo chủ chốt của Bộ nên cũng ít nhiều có những tác động đến tiến trình xây dựng luật...
TS Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định, mặc dù việc thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chậm hơn so với dự kiến đề ra nhưng lại cho thấy đây là sự thận trọng cần thiết. Bởi lẽ, đây là một đạo luật có tác động vô cùng to lớn và rộng rãi đến toàn nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình xã hội mới, có nhiều mô hình mới, công nghệ mới, phương thức mới nhằm phục vụ công tác y tế và bảo vệ sức khỏe toàn dân.
"Khi nội dung chưa “chín” thì sự cẩn trọng, rà soát kỹ lưỡng của Quốc hội là phù hợp, là yêu cầu tất yếu để bảo đảm khi luật được ban hành đảm bảo tính khả thi, đi vào thực tiễn đời sống nhân dân", TS Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) cũng chung nhận định: Việc Quốc hội nhất trí chưa thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại kỳ họp đã cho thấy Quốc hội không quá vội vàng, không gấp rút thông qua một dự thảo luật chưa hoàn chỉnh dù đã có trong chương trình. Sau đó, dự thảo luật này đã tiếp tục được đưa ra lấy thêm ý kiến, góp ý của các chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để bảo đảm chất lượng, tính khả thi khi đi vào cuộc sống - điều này được người dân, cử tri ủng hộ cao.
Một trong những quyết sách quan trọng của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV là việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với luật trong thời gian Quốc hội không họp...
Đây thực sự là tâm huyết, là trăn trở, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội để kịp thời mở đường pháp lý cho các chương trình phục hồi kinh tế, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động.
Từ sự "ra tay đó" của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong đó có nhiều chính sách mang lại hiệu quả tốt, lan tỏa rộng, mọi người dân được thụ hưởng như: Giảm 8% thuế VAT, miễn, giãn, giảm các loại thuế, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, cho người lao động; các gói hỗ trợ về tài khóa... nhằm tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế, gỡ đúng các vấn đề doanh nghiệp, người dân đang cần, thực tiễn đang đặt ra.
Nhấn mạnh đó là một quyết định thấu tình, đạt lý, anh Nguyễn Văn Hưng, một công nhân công ty điện tử ở Hà Nội cho biết: Trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh khi ấy, công ty bị "đứt gãy" đơn hàng, thu nhập giảm sút, việc Nhà nước quyết định giảm học phí cho học sinh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động, giảm lãi suất cho vay… hơn nữa là kéo dài thời gian chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, khiến người lao động chúng tôi thực sự "nhẹ người", đỡ đi nhiều phần nặng gánh. Đó thực sự là một quyết định thấu tình, đạt lý.
Rõ ràng, những vấn đề cấp bách trong thực tiễn đã được Quốc hội khóa XV trăn trở, tâm huyết để xem xét, thông qua, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Quốc hội đối với sự phát triển đất nước và hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích của nhân dân. Các quyết sách “trúng”, sát thực tế đã nhận được sự đồng thuận của cử tri và được nhân dân cả nước đánh giá cao.