Dấn thân vào thực tiễn sinh động, tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp là bước đột phá, phá vỡ cái cũ trì trệ và bảo thủ. Và chủ trương “Khoán hộ” từ Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm” diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ.” - PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng chia sẻ.
Quốc hội Khóa XV tiến hành kỳ họp đầu tiên trong điều kiện “căng thẳng” như vậy. Và nội dung trọng tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 dường như đã nhường lại cho tìm giải pháp chống dịch. Trong điều kiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Chính phủ “bó tay” trong tình huống “khẩn cấp quốc gia”; vướng mắc trong thẩm quyền điều hành, ban bố những mệnh lệnh hành chính chống dịch của chính quyền các cấp; trong huy động mọi nguồn lực, thực thi các biện pháp kiểm soát dịch chưa có tiền lệ… thậm chí có quy định đụng chạm đến quyền tự do đi lại, cư trú theo Hiến pháp.
Trước tình trạng “nước sôi, lửa bỏng” này, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc. Và từ tư duy chủ động, sáng tạo, kinh nghiệm điều hành chính quyền các cấp, Lãnh đạo Quốc hội đã theo sát những hạn chế về năng lực quản lý nhà nước trong tình trạng “không bình thường”, những gợi mở, giải pháp mạnh mẽ trong nước, kinh nghiệm quốc tế; thực tiễn chống dịch, tiến triển đại dịch đề xuất “sáng kiến lập pháp” cởi trói, tạo động lực hành động; đồng thời chuyển sáng kiến lập pháp thành giải pháp lập pháp bằng cách vượt qua quy trình lập pháp “thông thường” thông qua Nghị quyết 30 kịp thời nhất.
Xuất phát từ đề xuất của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, yêu cầu là phải có một văn bản để trước tình hình cấp bách lúc đó có thể tiến hành những biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh chia sẻ: “Ủy ban được giao trách nhiệm thẩm tra Nghị quyết 30. Đây là một bài học kinh nghiệm rất quý trong xử lý tình huống cấp bách và có một sự quyết liệt, phối hợp rất chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ. Chúng tôi phải làm việc xuyên đêm!”
Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách quyết định cụ thể và trao thẩm quyền tối về quản lý hành chính, tài chính, thông tin, trật tự an toàn xã hội, hợp đồng vaccine đặc biệt... Vấn đề tuyên bố tình trạng “khẩn cấp quốc gia” hay tình trạng “không bình thường” để chống dịch cũng là giải pháp đặt ra cân nhắc nên hay không nên. Quốc hội đã lựa chọn phương pháp tối ưu, quyết định cụ thể những chính sách lớn, trao thêm thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ; trao trách nhiệm cụ thể người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử lập pháp Việt Nam.
Phát huy sức mạnh toàn dân và sự thống nhất đồng lòng của nhân dân trong chống đại dịch, “Nghị quyết 30 của Quốc hội tạo điều kiện để các thành viên của hệ thống chính trị vào cuộc một cách tự nguyện hơn và đây cũng là nghị quyết để huy động sức mạnh của toàn dân vào thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản và cấp bách lúc bấy giờ là phòng, chống dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.” - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa- xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Túc chia sẻ.
“Khoán hộ” chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. "Khoán hộ" thể hiện tư duy đột phá đi đầu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và là tư duy mở đường thực hiện khác với chính sách nông nghiệp hợp tác xã và “xiềng xích” pháp luật lúc bấy giờ. Từ đó, góp phần gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp xoay quanh kinh tế hợp tác kiểu cũ. Còn Nghị quyết 30 mang lại giá trị thực tiễn mở đường ở tính chủ động sáng kiến lập pháp; ở nội dung quy định và hình thức văn bản cần lựa chọn; và cả quy trình làm luật rút gọn khi cần thiết.
Nghị quyết 30 không chỉ là một “đột phá trong lập pháp” đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong tình trạng “không bình thường” khi đại dịch Covid- 19 ập tới mà còn thể hiện tư duy lập pháp hiện đại, tiến bộ, khoa học và thực chất lần đầu vận hành tại một kỳ họp. Giá trị thực tiễn của nghị quyết chính ở sáng kiến lập pháp từ Quốc hội đã theo sát thực tiễn vận hành của bộ máy Nhà nước để giải quyết ngay những vướng mắc, hạn hẹp của hệ thống pháp luật và ở chính cách thức lựa chọn văn bản nghị quyết chứa quy phạm pháp luật và quy trình phối hợp đồng thời để thông qua nghị quyết kịp thời.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền: "Tất cả nghị viện các nước, quá trình hoạch định chính sách pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn (tức là chính sách pháp luật chỉ đi song song hoặc đi sau, rất ít khi dự báo được chính xác). Tuy nhiên, Nghị quyết 30 đã khắc phục được độ trễ đó và trong trường hợp này thì pháp luật đi song song, đồng thời còn có tính dự báo. Chính điều đó giúp chúng ta chống dịch thành công và chỉ mất một năm GDP bị giảm, sau đó phục hồi ngay. Đây chính là tư duy đột phá của Quốc hội, dỡ bỏ rào cản pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời và bảo đảm sự linh hoạt, chủ động xử lý các tình huống."
Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời trong bối cảnh đặc biệt đã giải quyết những vướng mắc trong thẩm quyền, nguồn lực ngân sách, nguồn lực con người, quy định hành chính, hệ thống pháp luật… Từ đó, định khung, định hình đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả đã làm thay đổi cục diện chống dịch. Hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và cả hỗ trợ bạn bè quốc tế được triển khai, tổ chức thực hiện thành công.
Trao đổi về giá trị thực tiễn của Nghị quyết 30, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, ĐBQH Khoá XIII cho biết: "Thời điểm đó quyết định chính là mạng sống của Nhân dân, sự tồn tại của dân tộc. Nghị quyết 30 ra đời là vô cùng kịp thời. Việc ra đời Nghị quyết của Quốc hội cùng với quyết định huy động tất cả các nguồn lực có thể để phòng, chống dịch Covid-19 chính là những điểm mới, sáng tạo, vì nếu chờ đợi theo Luật Ngân sách thì có khả năng công tác phòng, chống dịch đã thất bại!”.
Nghị quyết thể hiện ý chí của Quốc hội và như lời hiệu triệu mọi lực lượng cống hiến hết mình, quên mình tham gia chống dịch, khống chế được đại dịch, tạo điều kiện tiên quyết đưa cuộc sống của toàn xã hội trở lại bình thường, mở cửa nền kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở vững chắc cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước. Đây cũng chính là đánh giá của các đại biểu Quốc hội, của các thành viên Chính phủ về Nghị quyết 30.
Có thể thấy, hai quyết định ở hai thời điểm khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau nhưng Khoán 10 và Nghị quyết 30 của Quốc hội trở thành những quyết định có tính lịch sử; là sự đột phá mở đường trong những thời khắc khó khăn và nguy nan; là giải pháp góp phần đưa đất nước vượt qua những thời điểm thử thách cam go nhất. Thời điểm lịch sử, những thách thức lịch sử dần lùi xa nhưng giá trị của những quyết định lịch sử khẳng định tư duy, tầm nhìn đi trước, sáng tạo, trách nhiệm, hành động quyết liệt, vì dân, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân. Đây là bài học trong đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, của bộ máy Nhà nước và của một Quốc hội sống động và hành động vì dân!