Bối cảnh chưa có tiền lệ cần có quyết định chưa có tiền lệ khi đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số lượng người mắc bệnh, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vaccine trên toàn thế giới còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân… Vì vậy, cần quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
"Nghị quyết 30 thể hiện tư duy, trí tuệ và sự nhạy bén trong ứng phó tình huống cấp bách. Việc làm chưa có tiền lệ này đã khẳng định Quốc hội luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của cơ quan đại diện cao nhất đối với đất nước, đối với Nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm sự bình yên cho Nhân dân. Đây là tiền đề giúp giải quyết nhanh, trách nhiệm những ách tắc, cản trở cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội."- TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ. Và đột phá nào cũng phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ lợi ích Nhân dân trên hết và trước hết. “Chính sách ban hành phải trên cơ sở vì quyền lợi cao nhất của người dân, vì đất nước. Nghị quyết 30 là bài học vô cùng quý giá, thậm chí là vô giá trong công tác chỉ đạo, điều hành."- PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ: "Trong bối cảnh cấp bách phòng chống đại dịch, thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11.6.2021 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ, yêu cầu cần nghiên cứu ngay để trình Quốc hội có quyết sách lập pháp mạnh mẽ nhất, trao quyền chủ động cho Chính phủ áp dụng các biện pháp đặc biệt, cấp thiết phòng chống dịch và huy động mọi nguồn lực để đối phó với dịch bệnh như trong “tình trạng khẩn cấp” quốc gia. Và gần như ngay lập tức, cả guồng máy của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc, làm việc cả ngày cả đêm, không có ngày nghỉ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo trực tiếp để kịp xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết 30 trong thời gian ngắn nhất."
Từ chủ động về nội dung thẩm quyền đến linh hoạt trong cách làm và đặc biệt là phát huy trách nhiệm của các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện nghị quyết, một Quốc hội làm việc như “thời chiến”; đội ngũ tham mưu hầu như “ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ” làm việc xuyên đêm, chạy đua với thời gian, phối hợp chặt chẽ từng giờ giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tạo sự thấu hiểu, thống nhất cao “thần tốc” trình Quốc hội. Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ bằng xây dựng và ban hành Nghị quyết 30, một Quốc hội hiện hữu trong lòng dân, đại diện cho dân, phản ánh ý chí nguyện vọng của dân kịp thời và mạnh mẽ; một Quốc hội chuyên nghiệp ngày càng thể hiện rõ.
Nắm bắt thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân và phát huy quyền chủ động của cơ quan quyền lực tối cao để ra quyết định kịp thời là quyết định mở đường cho bước đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Quốc hội trong mọi tình huống. TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh: "Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, Quốc hội Việt Nam tiếp cận dần tới những nguyên lý phổ quát, kinh điển của nghị viện các nước trên thế giới, đó là tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở cả Quốc hội, ở cả các thiết chế của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Và Nghị quyết 30 thể hiện lớn nhất điều đó. Bám sát thực tiễn sinh động để ban hành Nghị quyết - Đây là nắm bắt rất “nhạy cảm” của Quốc hội và nhạy cảm đó xuất phát từ tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy mà Nghị quyết 30 kịp thời ra đời đã gần như vạch một “đường chỉ đỏ” trong suốt thời kì mà dịch bệnh, cũng như là trải qua dịch bệnh và phục hồi kinh tế.” .
Còn theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa- Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc: “Nghị quyết 30 mở đầu cho giai đoạn đổi mới toàn diện về công tác hoạt động của các cơ quan nhà nước lấy người dân làm trung tâm. Như lời căn dặn của Bác:
Chưa bao giờ nghị quyết kỳ họp Quốc hội đầu tiên lại chứa đựng nội dung “điều hành, xử lý tình huống khấn cấp” nhanh, mạnh, bằng quy phạm pháp luật cụ thể, rõ ràng đến như vậy. Chính trong bối cảnh này, nghị quyết đã mở đường và gợi lên những bước tiến của một Quốc hội đồng hành, hành động, song hành với Chính phủ và thực thi vai trò cơ quan quyền lực tối cao, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân bằng hoạt động lập pháp gắn chặt với thực tiễn quản lý nhà nước và xã hội kịp thời nhất. Một Quốc hội của dân, do dân, vì dân thực sự phát huy quyền lực tối cao và sử dụng quyền lực ấy một cách hiệu quả, nhanh và thiết thực nhất. Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Nghị quyết 30 mang tính quy phạm pháp luật, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh và điểm mấu chốt nhất đó là nâng cao tính pháp quyền trong hoạt động lập pháp và công vụ.”
Nghị quyết như đạo luật trong “tình trạng khẩn cấp” và mở đường cho luật hóa một số điều dưới dạng nghị quyết chứa quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề cần thiết và cấp thiết dần dần ra đời. Đây có thể xem là bước đột phá về phương thức tổ chức hoạt động; thể hiện một Quốc hội đi đầu, bước vào thời kỳ hiện đại, hòa nhập, thích ứng nhanh chóng với những biến đổi, đòi hỏi thực tiễn và hành động quyết liệt, cụ thể. Nghị quyết 30 đã mở ra một định hướng mới đó là ban hành những đạo luật cụ thể, điều chỉnh những vấn đề cụ thể, cấp thiết dưới hình thức văn bản nghị quyết chứa quy phạm pháp luật. Thực hiện việc cụ thể hóa chính là tiếp bước đến minh định rõ thêm thực hiện, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.
"Trước đây, Quốc hội chưa vươn lên để quy định một cách cụ thể thì Chính phủ vừa tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, vừa ban hành một số chính sách pháp luật cụ thể. Điều đấy dễ nảy sinh lợi ích nhóm trong ban hành chính sách. Khi cụ thể hóa được thì Quốc hội có điều kiện để cân bằng lợi ích ba bên… Đấy cũng là ý nghĩa mà Nghị quyết 30 hướng tới việc hoạch định chính sách pháp luật phải cụ thể.”- TS Nguyễn Đình Quyền nói.
Các nhà lập pháp có thể xem xét nội dung Nghị quyết 30 của Quốc hội rất đặc biệt, khác cách làm nghị quyết chung, giao quyền và kêu gọi. Nó hướng tới những hành động hành pháp cụ thể từ quản lý hành chính hay đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng hay là quyết định nguồn ngân sách ngay… Đây thực sự là giải pháp “điều hành” từ Quốc hội, do Quốc hội và theo Quốc hội thực hiện khi đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “ra trận”. Có thể thấy quy định rất cụ thể như: Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan; áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; Thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong “nguy có cơ” và từ thích ứng với tình trạng “khẩn cấp” đến đáp ứng yêu cầu đổi mới, bước đột phá lập pháp từ ban hành Nghị quyết 30 đã mở đường cho hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, chủ động, theo sát thực tiễn, phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân ban hành các đạo luật kịp thời để điều chỉnh các quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh sống động, cụ thể. Từ đó, tạo động lực, mở ra chương mới cho Quốc hội hành động và tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của đại biểu dân cử, của cơ quan dân cử và của bộ máy Nhà nước.