VIỆC TỔ CHỨC KỊP THỜI CÁC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG CỦA QUỐC HỘI CHO THẤY DÙ TRONG BẤT KỲ HOÀN CẢNH, GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ NÀO, QUỐC HỘI ĐỀU HOÀN THÀNH TRỌNG TRÁCH CỦA CƠ QUAN ĐẠI BIỂU CAO NHẤT CỦA NHÂN DÂN, CƠ QUAN QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC CAO NHẤT CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM. ĐÂY CŨNG LÀ DẤU ẤN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, KẾ THỪA VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HƠN 75 NĂM CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM.
Lao Động đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thưa đại biểu, ngay từ đầu nhiệm kỳ khoá XV, tinh thần đổi mới, sáng tạo đã được thực hiện như thế nào qua các hoạt động của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội?
Đại biểu Tạ Thị Yên: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả và dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao".
Bám sát quan điểm Đại hội Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, thiết thực, đi vào chiều sâu, dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự gần dân, sát dân, gắn với thực tiễn; đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị.
Trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, “từ sớm”, “từ xa”, với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội; sự chủ động, tích cực, tâm huyết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực của các vị đại biểu Quốc hội.
Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã giải quyết hiệu quả khối lượng lớn công việc và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước; có được kết quả đó là nhờ sự đổi mới tích cực trên các mặt công tác như: Hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng…
Hoạt động lập pháp được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình, có sự đổi mới, cải tiến và để lại dấu ấn, đóng góp to lớn và hết sức ý nghĩa trong hoạt động của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.
Về hoạt động giám sát, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã giám sát tối cao 2 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, thực chất hơn, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước. Các nhóm vấn đề được lựa chọn đều bám sát thực tiễn, nhất là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên; vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, trong đó có những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét kỹ lưỡng các vấn đề quan trọng, ví dụ như: Kết quả thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 5 năm và hàng năm ...
Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu sâu, tích cực thảo luận, tranh luận rất cởi mở, thẳng thắn, mang tính xây dựng, chú trọng vào các vấn đề trọng tâm, đưa ra những phân tích, đánh giá khá toàn diện, kiến nghị nhiều giải pháp khả thi.
Một điểm đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nữa là về đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý, chặt chẽ, dành thời gian để các cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp và được chỉnh lý phù hợp, bảo đảm đúng quy trình, trình tự theo quy định.
Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch khoa học, chuyên nghiệp, linh hoạt; phát huy được tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu, hạn chế những ý kiến còn trùng lặp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp. Kết luận các phiên thảo luận ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề đặt ra, có sự thuyết phục, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nội dung.
Một trong những nét đổi mới, đột phá của nhiệm kỳ này đó là lần đầu tiên có các kỳ họp Quốc hội bất thường. Vậy thưa bà, cơ sở pháp lý, thực tiễn của việc tổ chức các kỳ họp bất thường với hoạt động Quốc hội?
Trong bối cảnh đất nước chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường là rất tốt để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách từ thực tiễn của cuộc sống. Với cách làm này của Quốc hội, đã thể hiện sự năng động, quyết liệt, chủ động của Quốc hội.
Tại Khoản 2 Điều 83 Hiến pháp 2013, khoản 2 Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “…Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội”.
Theo đó việc tổ chức kỳ họp bất thường phải dựa vào căn cứ và đảm bảo các nguyên tắc sau:
(1) Theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội;
(2) Chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu cuộc sống, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao; những nội dung không cấp bách hoặc cấp bách nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì không đưa vào chương trình kỳ họp bất thường.
Thưa đại biểu, qua theo dõi có thể thấy, chương trình nghị sự của các kỳ họp bất thường thường diễn ra trong thời gian ngắn để giải quyết những yêu cầu cấp bách. Nhưng không vì thế mà chất lượng của các kỳ họp giảm đi. Đại biểu có đánh giá gì về điều này?
Như tôi đã đề cập ở trên, kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu cuộc sống, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao; những nội dung không cấp bách hoặc cấp bách nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì không đưa vào chương trình kỳ họp bất thường.
Mặt khác, tất cả các nội dung trình tại kỳ họp bất thường đều tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, chặt chẽ, đảm bảo thời gian phù hợp (thảo luận tại hội trường, thảo luận tổ, thảo luận Đoàn) để các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng thảo luận, tham gia ý kiến về nội dung trình.
Tất cả các nội dung trình tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí cao của các vị ĐBQH.
Quyết sách của Quốc hội tại các kỳ họp bất thường đã giúp xử lý những vấn đề cấp bách, đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đây chính là minh chứng cho chất lượng của các kỳ họp bất thường, hay nói cách khác các kỳ họp bất thường thường diễn ra trong thời gian ngắn để giải quyết những yêu cầu cấp bách, nhưng không vì thế mà chất lượng của các kỳ họp giảm đi.
3 trong 4 kỳ họp bất thường đều có quyết định công tác nhân sự. Điều này đảm bảo cho công tác nhân sự của đất nước được đáp ứng kịp thời, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Công tác nhân sự đã được chuẩn bị như thế nào tại các kỳ họp bất thường?
- Đúng là trong 4 kỳ họp bất thường vừa qua thì có 3 kỳ có quyết định về công tác nhân sự với tỷ lệ tán thành cao. Công tác nhân sự tại các kỳ họp được chuẩn bị và tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo luật định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất của đa số các vị đại biểu Quốc hội.
Đây là những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên bắt buộc phải được thực hiện trong khuôn khổ của một phiên họp toàn thể của Quốc hội với đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của luật.
Vâng, kỳ họp bất thường của Quốc hội chính là một trong những dấu ấn đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của Quốc hội khoá XV. Thưa đại biểu, tinh thần đổi mới, sáng tạo sẽ tiếp tục được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kế thừa truyền thống và phát huy trong thời gian tới để "phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân" như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV?
- Để cụ thể hoá tinh thần đổi mới, sáng tạo này, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội đã tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp Quốc hội bằng việc tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu cuộc sống. Ngoài ra Quốc hội đã tiến hành đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động như giám sát, xây dựng pháp luật và việc tổ chức kỳ họp.
Ví dụ: Ngày 15.11.2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp với rất nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện; hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm thể chế hóa văn bản của Đảng, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống…
Đổi mới hoạt động của Quốc hội là cả một quá trình, từ nhận thức đến thực hiện và tổng kết, đánh giá. Những quy định tốt, phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sẽ được tiếp tục thể chế hóa để phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi tin tưởng rằng, với những thành tựu và dấu ấn đổi mới sâu sắc trong nhiệm kỳ này sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy, Quốc hội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, theo luật định, chúng ta có hai hình thức là họp thường lệ và họp bất thường. Trước những yêu cầu cấp bách và giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra, Quốc hội khoá XV tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Nếu cũng nội dung này mà chúng ta để đến 6 tháng sau mới đưa vào kỳ họp thì sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước. Có những vấn đề có thể tác động đến vài năm, thì kỳ họp bất thường là hết sức cần thiết, để giải quyết kịp thời những yêu cầu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà thực tiễn đòi hỏi, cũng như yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Ấn tượng của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đó là các kỳ họp bất thường thời gian họp tập trung rút ngắn hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo và hoàn thành rất tốt nội dung chương trình kỳ họp đã đề ra.
“Không vì thời gian ngắn mà sự tập trung của đại biểu dành cho kỳ họp giảm đi. Ngược lại tôi cho rằng, chất lượng của kỳ họp còn được nâng cao, khi các đại biểu đều làm việc hết sức mình”, đại biểu đoàn Hải Dương nhận xét.
Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, dù thảo luận trực tuyến hay trực tiếp, các ĐBQH đều tham gia nhiệt tình, cho ý kiến đúng trọng tâm trọng điểm vấn đề Quốc hội đề ra. Nhiều ý kiến sắc sảo đã được tiếp thu.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Những quyết sách kịp thời, đúng và trúng được thông qua tại phiên họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội đã góp phần quan trọng để biến "nguy" thành "cơ", đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức do hai năm cả nước dốc toàn lực phòng, chống dịch COVID-19, đưa đất nước tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong năm 2022, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội tiếp tục tổ chức các kỳ họp bất thường lần thứ hai, thứ ba và thứ tư nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cần thiết, cấp bách của thực tiễn.
Việc tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp của Quốc hội là hoàn toàn phù hợp với mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây cũng là một yêu cầu thực tiễn trong đổi mới hoạt động Quốc hội để tiến tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng cao nhất các yêu cầu của đất nước, đồng thời cũng bám sát định hướng về yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá, đó là những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.