Tác phẩm đoạt giải lần 1

Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV: Dấu ấn đổi mới, sáng tạo - Bài 2: Đảm bảo kịp thời công tác nhân sự, các vấn đề cấp bách

06/03/2023

TỪ THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ NHẤT VÀO THÁNG 1.2022, QUỐC HỘI ĐÃ TIẾP TỤC TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CÁC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, LẦN THỨ 3 VÀO THÁNG 1.2023, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 4 VÀO THÁNG 3.2023. NHỮNG KỲ HỌP BẤT THƯỜNG CỦA QUỐC HỘI NHẰM QUYẾT ĐỊNH KỊP THỜI NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP VÀ QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN.

Quốc hội khoá XV


 
Quốc hội khoá XV

PGS.TS Phạm Huy Kỳ - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận - các kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV với nhiều nội dung quan trọng, cấp bách. Với thời gian họp ngắn nhưng những kỳ họp này nhận được sự quan tâm lớn của đồng bào, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Phạm Huy Kỳ, Quốc hội họp bản chất là giải quyết những vấn đề của thực tiễn đề ra, càng gần với dân, càng sát với nguyện vọng của cử tri và càng cụ thể thì càng hiệu quả, ích lợi. Hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới, bám sát thời cuộc, các vấn đề của xã hội, hơi thở cuộc sống. Nội dung chương trình nghị sự thực sự cấp thiết nên cần phải có kỳ họp bất thường.

“Những kỳ họp bất thường, giải quyết những vấn đề của thực tiễn là điều rất cần thiết và đó chính là dấu ấn trong hoạt động đổi mới của Quốc hội. Quốc hội có thể có những kỳ họp bất thường thay vì “xuân, thu - nhị kỳ” mới có kỳ họp Quốc hội. Những đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ đã để lại dấu ấn sâu đậm, khắc họa một Quốc hội năng động, hành động quyết liệt vì dân” - PGS.TS Phạm Huy Kỳ nhấn mạnh.

Quốc hội khoá XV

Thực tế cho thấy, các kỳ họp bất thường của Quốc hội đã quyết định kịp thời nhiều chính sách lớn như những “liều thuốc” kịp thời cho sự vận hành của đất nước gần 100 triệu dân.

Năm 2022, ngay trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã quyết định những chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời.

Quốc hội khoá XV

Kỳ họp đã ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; được thực hiện chủ yếu trong hai năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: (1) Y tế, phòng, chống dịch COVID-19; (2) An sinh xã hội, lao động và việc làm; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Quốc hội khoá XV

Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua, những nội dung cấp bách, quan trọng như: Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ…

Chính từ tinh thần quyết tâm, đổi mới đó, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất: Để các Nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Quốc hội khoá XV

Chính nhờ khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” mà năm 2022, nhìn chung, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất châu Á. Bên cạnh đà phục hồi kinh tế khá vững chắc, tư duy hướng tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới và sự quyết liệt trong chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo chính là những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào đầu năm 2023, Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của kỳ họp.

Quốc hội khoá XV
Nhiều vấn đề rất cấp bách đã được Quốc hội xem xét, thông qua.

Những vấn đề rất cấp bách đã được Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Giải quyết vướng mắc chính sách thực hiện trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch; quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đây đều là những nội dung cần được tháo gỡ kịp thời, cần được thể chế để vận hành trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Quốc hội khoá XV

Bên cạnh đó, 3 trong 4 kỳ họp bất thường đều có quyết định công tác nhân sự. Điều này đảm bảo cho công tác nhân sự của đất nước được đáp ứng kịp thời, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Tại kỳ họp bất thường lần 2, căn cứ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam; Phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục đúng quy định.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Khóa XV.

Quốc hội khoá XV
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đầu năm 2023, 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội được tổ chức để kiện toàn nhân sự kịp thời của đất nước. Quốc hội với tinh thần làm việc “ngày đêm không nghỉ”, “làm hết việc chứ không phải làm hết giờ” vì sự phát triển của đất nước.

Liên quan công tác nhân sự, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, công tác nhân sự luôn là nội dung quan trọng, thuộc một trong ba chức năng chính của Quốc hội là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội và từ đầu nhiệm kỳ khoá XV này, vấn đề nhân sự luôn là nội dung quan trọng.

Trưởng ban Công tác đại biểu cũng khẳng định, đây là công việc thường xuyên, hệ trọng, Tổng Bí thư cũng nhắc nhở nhiều lần: Công tác cán bộ là then chốt của then chốt. "Lựa chọn nhân sự vào các vị trí, hay kịp thời thay thế, chúng ta cũng phải dần làm quen với việc diễn ra bình thường. Việc phát hiện nhân tài, bố trí sử dụng cán bộ để đảm bảo gánh vác công việc chung của đất nước, của từng cơ quan, rồi việc thay thế kịp thời đối với những nhân sự không còn đảm bảo cũng là việc thường xuyên của Đảng”, bà Thanh cho hay.

Theo bà Thanh, Nghị quyết 28 mới ban hành, có nội dung nêu rõ, công tác cán bộ là kiên trì chủ trương có lên có xuống, có vào có ra, phát hiện bố trí cán bộ có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, bảo vệ khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, nhưng sẵn sàng xem xét, kỷ luật, thay thế cán bộ không đảm bảo.

Quốc hội khoá XV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá - về công tác nhân sự tại các kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.

Quốc hội khoá XV

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, công tác chuẩn bị tốt nên Kỳ họp bất thường đạt kết quả tốt và hoàn thành các nội dung, chương trình đã đề ra, trình tự, diễn biến kỳ họp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác nhân sự bám sát quy định của Đảng.

Quốc hội khoá XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp bất thường có thời gian ngắn, cho ý kiến, quyết định những vấn đề cấp bách do yêu cầu thực tiễn đặt ra nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Về một số vấn đề cần rút kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa không chỉ thực hiện từ cơ quan của Quốc hội mà phải bắt đầu từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các cơ quan trình và công tác phối hợp ngay từ đầu, từ nhiều bên, nhiều phía. Các cơ quan hữu quan sớm tổ chức để triển khai các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành để giải quyết những vướng mắc, những điểm nghẽn trước mắt.

Quốc hội khoá XV

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Chính tinh thần đổi mới của Quốc hội, sự quyết tâm và quyết liệt của các cơ quan Quốc hội đó cho thấy rằng, Quốc hội của chúng ta thực sự đã đáp ứng sự đổi mới, thực sự đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân và theo sát những diễn biến của xã hội, Quốc hội thực sự là Quốc hội của dân do dân vì dân.

Theo đại biểu Sơn, mặc dù là kỳ họp bất thường, diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn hết sức đặc biệt. Vì vậy, cách thức tổ chức phiên họp đặc biệt nhưng chúng ta cũng đã xử lý các vấn đề đặc biệt và điều quan trọng là bắt kịp, giải quyết được những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri cả nước, giúp chúng ta xử lý được những vấn đề để thúc đẩy sự phát triển của đất nước nhanh chóng trong thời gian sắp tới.

Quốc hội khoá XV
Trần Văn Vương, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Vũ Linh

Bài viết cùng chuyên mục