Quốc hội khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp nhất. Trong những thời khắc khó khăn, Quốc hội đã thể hiện rõ tầm nhìn và bản lĩnh bằng việc chủ động định hướng, phối hợp cùng với Chính phủ xây dựng, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để dẫn dắt, điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước hiệu quả, kịp thời.
Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội được xem như một “Thượng phương bảo kiếm”, trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vào thời điểm năm 2021, lúc cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở giữa giai đoạn cam go, đất nước đứng trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Nền kinh tế toàn cầu hồi phục chậm lại và bắt đầu xuất hiện nhiều rủi ro khó lường.
Ở trong nước, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Kinh tế quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến thời điểm đó; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra là khoảng 6%.
Đứng trước tình hình này, ngay thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, việc xây dựng một gói chính sách tài khóa và tiền tệ đặc biệt để hỗ trợ phục hồi kinh tế đã được đặt ra. Phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới.
Nguồn: Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồ họa: Văn Chung |
Để có thể sớm hoàn thành các nội dung này trình Quốc hội, ngay sau kỳ họp, Quốc hội đã khẩn trương và kịp thời cùng với Chính phủ triển khai hàng loạt nhiệm vụ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù thời điểm đó, Chính phủ chưa chính thức đề xuất về gói hỗ trợ này, song với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đã cùng các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học đã chủ động bàn nhiều về nội dung này.
Trong đó, Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên gia, doanh nghiệp, bao gồm việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Tại diễn đàn này, hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng hiến kế.
Các ý kiến đều nhận định, những thách thức của Việt Nam lúc đó là dịch bệnh còn phức tạp, nguồn cung vắc-xin chưa chắc chắn, kinh tế “đang có dấu hiệu lỡ nhịp, tụt hậu”. Do vậy, phải có gói hỗ trợ đặc biệt về tài khóa và tiền tệ, nếu không Việt Nam sẽ lỡ nhịp, không đạt kế hoạch 5 năm đã đề ra.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong bối cảnh đặc biệt cần thiết phải có giải pháp đột phá với cơ chế khác trong điều kiện bình thường. Chúng ta cần có gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình khoảng 2 năm 2022 và 2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công.
Chủ tịch Quốc hội khái quát một số quan điểm lớn là bám sát chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước; tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, vì hiện nay cầu của nền kinh tế rất yếu; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; quy mô phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, chương trình được thiết kế khả thi và thực hiện nhanh, nguồn lực đưa ra phải có khả năng hấp thụ ngay.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng nhằm kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi. Bên cạnh đó, các giải pháp ngắn hạn và trung hạn cũng phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững.
Nhờ những quá trình trao đổi nhiều vòng, làm việc không kể ngày đêm, trách nhiệm và quyết liệt, các cơ quan của Quốc hội đã cùng Chính phủ hoàn thiện, thống nhất đề xuất về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế trình Quốc hội ngay những ngày đầu năm 2022.
Sau quá trình thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo, tâm huyết và nhiều công sức của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đại biểu Quốc hội, sự tiếp thu nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó có nội dung quan trọng là thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân. Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới cho sự phát triển của đất nước.
Quốc hội chuyển mạnh từ trạng thái bị động sang chủ động Việc kịp thời ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với những chính sách vượt ngoài khung khổ, chưa từng có tiền lệ, Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần đồng hành quyết liệt, sát sao cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra. Nghị quyết được thông qua tại một kỳ họp bất thường được Quốc hội triệu tập lần đầu tiên trong lịch sử, nhằm kịp thời ban hành các quyết sách cấp bách hỗ trợ đà phục hồi, phát triển của đất nước. Kỳ họp này cũng mở ra một phương thức làm việc mới, giúp Quốc hội phản ứng linh hoạt hơn, quyết đáp kịp thời hơn các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Điều này thể hiện đúng như tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: “Quốc hội đang chuyển mạnh từ trạng thái bị động, sang chủ động triển khai thực hiện quyền lập pháp và kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình lập pháp, từng bước khắc phục tình trạng “đun nước sôi chờ gạo”, cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết”. |