Khẳng định rõ tính ưu việt, tiện ích và sự đột phá của “Kỳ họp không giấy tờ” so với phương thức họp truyền thống, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Ninh (Kiến Xương) cho rằng: Trong quá trình vận hành, phần mềm cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng, tiện ích và có thể tra cứu, liên thông với hệ thống các tài liệu khác để đại biểu tra cứu thuận tiện hơn; bổ sung tính năng tương tác giữa các đại biểu với nhau, đại biểu với chủ tọa kỳ họp, với thư ký thuận lợi, dễ dàng hơn. Cùng với đó, việc tập huấn cho các đại biểu cần tiếp tục được thực hiện bởi do mới triển khai qua 2 kỳ họp, nhiều đại biểu vẫn chưa thuần thục hết các thao tác, khi vận hành trong kỳ họp vẫn cần kỹ thuật hỗ trợ. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, các đại biểu đồng thời truy cập nghiên cứu tài liệu nên hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường truyền internet phải thông suốt, bảo đảm tính tương thích của thiết bị để không ảnh hưởng đến quá trình khai thác, nghiên cứu tài liệu, nhất là điểm danh, đăng ký phát biểu, chất vấn, biểu quyết nghị quyết kỳ họp…
Đánh giá về “Kỳ họp không giấy tờ”, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho biết đây là mô hình có ưu điểm vượt trội bởi tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực phục vụ kỳ họp. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng việc sử dụng máy tính bảng có tính chất riêng tư nên chủ tọa kỳ họp khó quan sát, theo dõi đại biểu có tập trung nghiên cứu tài liệu, tích cực đóng góp ý kiến hay không. Một số đại biểu lớn tuổi hoặc chưa quen thao tác trên máy tính bảng, trên các thiết bị công nghệ thông minh cũng gặp nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu, đọc tài liệu trên máy tính bảng cần kỹ lưỡng, nhưng nếu đại biểu không thực sự quan tâm thì sẽ dễ đọc lướt, đọc không kỹ...Để đánh giá về chất lượng “Kỳ họp không giấy tờ” phụ thuộc chính vào trách nhiệm của từng đại biểu. Bởi tài liệu dù được gửi rộng rãi, chi tiết đến từng người, nhưng nếu đại biểu không tập trung nghiên cứu tài liệu thì sẽ không phát huy hết hiệu quả và trách nhiệm của mình.
Đại biểu Nguyễn Như Quang, Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy kiến nghị: Phần mềm đã tiện ích nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện bổ sung thêm chức năng đánh giá, theo dõi việc mở tài liệu, tổng hợp thời gian các đại biểu nghiên cứu; trong trường hợp cần thiết chủ tọa có thể kiểm tra, đánh giá xem đại biểu có thực sự đọc, nghiên cứu tài liệu hay không, đánh giá được những vấn đề đại biểu quan tâm, từ đó có giải pháp điều hành các phiên họp linh hoạt, hiệu quả hơn.
Việc ứng dụng “Kỳ họp không giấy tờ” đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của chính quyền điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực, việc chuyển đổi từ phương thức họp truyền thống sang họp không giấy tờ là xu hướng tất yếu không chỉ đối với HĐND mà với cả các cấp, các ngành. Một số tỉnh, thành phố trong cả nước đang nhân rộng mô hình “Kỳ họp không giấy tờ” trong tất cả các kỳ họp, hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện với nhiều giải pháp thông minh, hiệu quả. Mô hình này nếu được ứng dụng đồng loạt ở Thái Bình sẽ rất thiết thực, hiệu quả.
Theo ông Đinh Quang Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thái Bình: Qua việc triển khai thành công “Kỳ họp không giấy tờ”, VNPT Thái Bình mong muốn được tiếp tục giới thiệu, triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích chuyển đổi số tới các kỳ họp, cuộc họp, hội nghị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, lãnh đạo một số sở, ngành địa phương thì việc này vẫn chưa thể triển khai thực hiện được bởi nhiều lý do và cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đại biểu Nguyễn Trọng Lộ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà cho biết: Đây là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, nếu triển khai ứng dụng toàn diện trong các kỳ họp, hội nghị trong toàn tỉnh thì rất hiệu quả nhưng phải có lộ trình. Tỉnh cần có có chủ trương chung, đánh giá đúng hiệu quả, chất lượng mô hình để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thực sự các địa phương chưa có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp vì mô hình đòi hỏi phải có kết nối internet ổn định và đường truyền có tốc độ cao mới bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt, rất cần sự hỗ trợ của tỉnh về kinh phí mua sắm trang bị, máy móc, phần mềm.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Dư, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Thực tế đã chứng minh việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp cũng như các hoạt động của HĐND tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của đại biểu với cử tri và nhân dân. Tuy nhiên nếu triển khai ứng dụng mô hình “Kỳ họp không giấy tờ” trong các kỳ họp, cuộc họp, hội nghị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị và nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính thì còn đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu HĐND phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số.
Nếu có các giải pháp triển khai đồng bộ “Kỳ họp không giấy tờ” trong toàn tỉnh, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ tạo lập môi trường, phong cách làm việc chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chính quyền số mà Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.