Tác phẩm đoạt giải lần 1

Giải pháp nào nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội - Bài 2: Giám sát chuyên đề, bước "đột phá" cần nhân rộng

08/03/2023

(ĐCSVN) - Trong kết quả chung của công tác giám sát năm 2022, một trong những dấu ấn, kết quả nổi bật chính là những đổi mới cả nội dung lẫn cách thức tiến hành giám sát chuyên đề. Kết quả này thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội”, như chỉ đạo và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Trong nhiệm kỳ này, cùng với những nội dung giám sát thường xuyên, Quốc hội đã chọn những vấn đề “nóng” nhất, được cử tri và Nhân dân quan tâm nhất để tiến hành giám sát tối cao, giám sát chuyên đề. Cụ thể, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao. Đó là Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề về Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.

Cả 4 giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới nổi bật. Trên cơ sở các đề cương, kế hoạch cụ thể của từng chuyên đề đã được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chi tiết, kỹ lưỡng, nhiều vòng, tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc để thống nhất cách làm; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội. Đây là cả một quá trình làm việc rất kỹ lưỡng, rất nhiều vòng, nhiều bước để chuẩn bị trước khi tổ chức thực hiện.

Chưa hết, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát đã lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trong quá trình triển khai, một điểm mới khác là đã huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu, vì vậy đã kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát. 

Với cách làm bài bản, hệ thống, quy củ ngay từ đầu, cả 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội đều đã mang lại những kết quả thiết thực, rõ nét. 

Với cách làm bài bản, hệ thống, quy củ ngay từ đầu, cả 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội đều đã mang lại những kết quả thiết thực, rõ nét. Đối với giám sát chuyên đề ''Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021'', đây được đánh giá là một trong những chuyên đề giám sát có quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo Quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước. Thông qua quá trình giám sát, nhiều con số ''biết nói'' đã phản ánh tương đối toàn diện bức tranh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Cụ thể, quá trình giám sát đã tiếp nhận 580 báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các Đoàn đại biểu Quốc hội cùng hệ thống các phụ lục kèm theo 100.000 trang tài liệu.

Đáng chú ý, giám sát đã chỉ ra nhiều kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2012-2021 như đã ban hành 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; gần 6.000 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương ban hành. Giám sát chỉ ra được một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai…

Nói về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho biết, bà đặc biệt ấn tượng với giám sát chuyên đề này, vì thông qua chuyên đề giám sát, Quốc hội yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Đối với giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch, đây là chuyên đề giám sát được cử tri, Nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, tất cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Thông qua giám sát đã có 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; khoảng 100.000 trang phụ lục kèm theo; 93 trang báo cáo kết quả giám sát, 42 phụ lục; 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương, với tổng số 1.685 trang…

Kết quả giám sát đã nhận diện và chỉ rõ những nút thắt, điểm nghẽn, bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế như chưa làm hết trách nhiệm, chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt… Kết quả này là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030…

Hay đối với việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021", Đoàn giám sát xác định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt được 8 kết quả nổi bật. Điển hình như Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của đơn vị hành chính (ĐVHC) để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định, việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các ĐVHC cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021. Kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững....

Những con số trên ở các cuộc giám sát chuyên đề phần nào cho thấy hoạt động giám sát tối cao được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về các vấn đề được giám sát trong phạm vi toàn quốc.

Nhận xét về 4 giám sát chuyên đề trong năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua đã đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát được các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Mặt khác, giám sát tối cao của Quốc hội không chỉ đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện bao gồm cả kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân mà còn có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát.

Một số đại biểu Quốc hội nhìn nhận: Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. Nhiều vấn đề nóng đã được các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra để các địa phương giải trình, qua đó, nhận diện được những tồn tại, bất cập xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, tạo chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…. Đồng thời khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, các nội dung được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề lớn, quan trọng, là điều kiện để các cấp chính quyền địa phương đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Còn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ XV đến nay, Giám sát Quốc hội đổi mới từ khâu tổ chức triển khai, đặc biệt là vai trò tham gia của HĐND, Đoàn biểu Quốc hội. Giám sát được thực hiện ngay từ địa phương và giám sát cùng với quá trình đoàn giám sát Quốc hội đã tạo sự đồng bộ và giúp cho việc giám sát không phải chỉ là câu chuyện cưỡi ngựa xem hoa, mà tạo ra sự đồng bộ. Công việc của Quốc hội trở thành công việc của quốc gia và giám sát là của cả cử tri, của cả hệ thống chứ không phải chỉ là của đoàn giám sát. Đây là sự đổi mới rất lớn, mang tính đồng bộ.

Một điểm mới nữa đại biểu Trịnh Xuân An chỉ ra chính là giám sát của Quốc hội thời gian qua không chỉ là việc đánh giá, nhận định rồi tổng kết lại những chính sách pháp luật mà Quốc hội đã ban hành mà nó còn có giá trị kiến tạo thông qua những chuyên đề giám sát mang tính rất thực sự. Kết quả đó đã được áp dụng ngay trong thực tiễn. "Ví dụ xuất phát từ giám sát về quy hoạch đã góp phần tháo gỡ ngay những vấn đề vướng của quy hoạch. Nó bổ sung, bổ khuyết cho hệ thống pháp luật về quy hoạch, nên có giá trị thực tiễn ngay. Điển hình là giám sát về quy hoạch vừa qua đã đề ra được một số nghị quyết về quy hoạch, tháo gỡ ngay khó khăn về vấn đề này mà thực tiễn đặt ra" – đại biểu Trịnh Xuân An trao đổi.

"Như vậy giám sát không chỉ là góp phần cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, không chỉ chỉ ra trách nhiệm chế độ xử lý những bất cập mà nó còn góp phần vào triển khai ngay những chính sách mà người dân, xã hội đang đòi hỏi bức thiết" - đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.

Dưới góc nhìn của mình, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Dương đánh giá, việc lựa chọn nội dung, tổ chức giám sát tối cao được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhìn thẳng, nhìn thật các vấn đề bức xúc của xã hội mà Nhân dân và cử tri rất quan tâm. Hoạt động này góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Đồng tình với những nhận định nêu trên, từ thực tiễn phối hợp triển khai chương trình giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nêu rõ, kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương. Một số giải pháp, phân công trách nhiệm đã được kịp thời ban hành để khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.

Nhiều cử tri theo dõi các kỳ họp Quốc hội cũng cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã liên tục đổi mới và ngày càng có hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và Nhân dân. Trong đó, hoạt động giám sát chuyên đề đã “giám” và đã “sát”, góp phần đánh tan luận điệu của một số phần tử cơ hội, cố tình xuyên tạc sai lệch về hoạt động này là giám sát của Quốc hội Việt Nam không “dám” và không “sát”...

Đánh giá về kết quả của công tác giám sát chuyên đề, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận xét: Kết quả giám sát các chuyên đề là minh chứng cho những đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn về 4 nội dung của chuyên đề giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước, cũng như mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội khi “bấm nút” lựa chọn các chuyên đề này để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2022.

Ghi nhận những kết quả bước đầu trong hoạt động giám sát nói chung, giám sát chuyên đề nói riêng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

Trong bài có sử dụng một số ảnh của các đồng nghiệp

Thu Hà, Hồng Phượng, Khúc Yến, Vân Hà, Anh Tuấn

Bài viết cùng chuyên mục