Tác phẩm đoạt giải lần 1

Giải pháp nào nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội - Bài 1: Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, cách làm

07/03/2023


LTS: 
Giám sát là một trong ba chức năng chính của Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, nhất là năm 2022 đánh dấu bước tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tánày. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh mới đang đặt ra những thách thức, đòi hỏi Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các cơ quan liên quan không ngừng chủ động, vào cuộc quyết liệt, kiên trì, bền bỉ để đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Cùng phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tìm hiểu vấn đề này qua loạt 5 bài: Giải pháp nào nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội?

 

(ĐCSVN) – Minh chứng đậm nét nhất cho những đổi mới, cải tiến của Quốc hội, HĐND các cấp trong thời gian qua là đã chủ động thích ứng linh hoạt, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong tư duy, cách làm các hoạt động giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước.

 

N

gay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND), Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, ngày 7/10/2022, Thường trực HĐND thành phố (TP) Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước khẩn trương, kịp thời tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai đến Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND 30 quận, huyện, thị xã và 404 xã, thị trấn trên toàn thành phố với sự tham dự của trên 11.700 đại biểu.

Nêu một số điểm đáng chú ý của Nghị quyết 594, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết: Nghị quyết là giải pháp thiết lập cơ chế, khắc phục các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND. Nghị quyết đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc; xác định tiêu chí lựa chọn trong hoạt động giám sát để thực hiện đúng nguyên tắc trong hoạt động giám sát đặt ra… Đáng chú ý, Nghị quyết đặc biệt quan tâm và nêu cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri trong kế hoạch giám sát vì đây là một nội dung đang được Đảng và Nhà nước quan tâm trong quá trình thực hiện phòng, chống tham nhũng thời gian qua...

Chính việc triển khai sớm, sâu rộng nội dung Nghị quyết 594 đã tạo điều kiện để HĐND các cấp TP Hà Nội làm căn cứ triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát. Tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch HĐND quận Vũ Đăng Định cho biết: Thường trực HĐND quận đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND. Kết quả cho thấy, UBND quận đã thực hiện xong 41/65 kiến nghị (đạt tỷ lệ 63,1%); đang triển khai thực hiện 24/65 kiến nghị (tỷ lệ 36,9%). Tại kỳ họp, HĐND quận đã ban hành Nghị quyết đề nghị UBND quận, UBND các phường, các phòng, ban, đơn vị thuộc quận nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế; tập trung thực hiện xong các kiến nghị sau giám sát của HĐND và báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực HĐND quận theo quy định.

Còn tại huyện Thạch Thất, theo Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Minh Hồng, Thường trực HĐND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết 594 đến các đại biểu HĐND huyện, xã, thị trấn, các cơ quan liên quan. Sau hội nghị có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng, bài bản hơn. Đặc biệt đã tổ chức tốt hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND; đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch giám sát chuyên đề của HĐND huyện năm 2023. Đồng thời thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề của HĐND huyện về giám sát công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn năm 2023. HĐND cấp xã cũng đã cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết với nhiều nội dung mới, kế hoạch chất lượng hiệu quả trong hoạt động giám sát.

Tương tự Hà Nội, Bắc Giang là một trong những địa phương triển khai sớm Nghị quyết số 594. Ngay sau khi tổ chức phổ biến Nghị quyết trên phạm vi toàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm để tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo tinh thần Nghị quyết số 594. Tại đây, các đại biểu phân tích, mổ xẻ những nội dung rất quan trọng của Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 và là điểm mới liên quan trực tiếp đến hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Từ góc độ cơ quan dân cử địa phương, Thường trực HĐND huyện Yên Thế nhấn mạnh: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND là hết sức cần thiết, góp phần kịp thời chuẩn hóa và đồng bộ một trong những chức năng quan trọng của cơ quan dân cử đó là giám sát. Nghị quyết không chỉ là bước cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nói chung và hoạt động giám sát nói riêng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan... mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử các cấp.

Cũng nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết, huyện Hiệp Hòa tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Thường trực HĐND các xã, thị trấn, với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Tại đây, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND theo các nhóm vấn đề: Công tác chuẩn bị, xây dựng chương trình giám sát; xác định các mốc thời gian giám sát; xác định tiêu chí lựa chọn trong hoạt động giám sát; công tác tổ chức giám sát...

Phó Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Hòa Hoàng Văn Tri cho biết, Hiệp Hòa rất tâm đắc đối với nội dung tại Điều 27 quy định HĐND xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Thực tiễn giám sát tại Hiệp Hòa cho thấy, mặc dù HĐND đã theo dõi, đôn đốc song quá trình thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát mới đạt hiệu quả nhất định. Do đó, khi được trình, báo cáo trước kỳ họp HĐND và được HĐND ban hành riêng một nghị quyết hoặc kết luận, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, kể cả đại biểu HĐND phát huy rõ nét vai trò, trách nhiệm trong hoạt động giám sát. Với ý kiến của các đại biểu, việc triển khai Nghị quyết số 594 chắc chắn giúp hoạt động giám sát của HĐND và Thường trực HĐND phát huy hiệu quả, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Bắc Giang là một trong những địa phương triển khai rất nhiều hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp nâng cao chất lượng các giám sát chuyên đề của Quốc hội. 

Tại Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công trao đổi, ngay tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, kế thừa kinh nghiệm tổ chức các phiên chất vấn theo nhóm vấn đề của HĐND tỉnh, trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết 594, đề xuất của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri, lần đầu tiên, HĐND tỉnh đã lựa chọn 3 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, văn hóa và nội vụ, để đại biểu HĐND tập trung chất vấn đối với 3 Ủy viên UBND tỉnh là Giám đốc Sở Công thương; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Nội vụ. Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đến HĐND cấp huyện, xã.

Từ thực tế của 3 địa phương nêu trên để thấy Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ra đời đóng vai trò rất quan trọng để HĐND tập trung đổi mới phương thức giám sát. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương nói riêng; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND trên phạm vi cả nước.

Nói về Nghị quyết 594, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND... Nghị quyết mang tính chất như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay. Qua theo dõi, Nghị quyết đến thời điểm này đã được HĐND các tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã và HĐND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND.

Điều đáng nói là Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 chỉ là một trong số các Nghị quyết được ban hành trong năm 2022 góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Với mục tiêu: “Đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, năm 2022, Quốc hội chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông tin về công tác giám sát của Quốc hội trong thời gian qua, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt chú trọng việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ những đổi mới trong việc tổ chức thực hiện giám sát trong năm 2021, đến năm 2022, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi quan trọng, căn cơ cả về khung khổ pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện cho đến hiệu quả, hiệu lực giám sát. Trong đó, đặc biệt Quốc hội chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đúng thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, nhất là trong năm 2021, 2022, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Điều này thể hiện rõ nét khi ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát. Nếu năm 2021, đổi mới hoạt động giám sát mới chủ yếu tập trung vào cách thức tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn thì trong năm 2022, Quốc hội đã tiến thêm những bước rất căn cơ trong việc hoàn thiện thể chế giám sát và cách thức tổ chức thực hiện giám sát ngày càng đổi mới thông qua việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.

Đặc biệt, lần đầu tiên việc đổi mới cách thức triển khai các chương trình giám sát của Quốc hội đã có sự tham gia, vào cuộc của các Ban Đảng, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các chuyên gia. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thiết lập cơ chế phối hợp với Ban Nội chính Trung ương trong tham mưu chiến lược về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Còn nữa, trong năm 2022, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/08/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội để chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội lập kế hoạch giám sát bài bản trong thời gian tới. Trong đó, sớm rà soát, tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, nhất là đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với yêu cầu kiểm soát, nâng cao chất lượng bộ máy Nhà nước và kiểm soát quyền lực trong tình hình mới, đảm bảo tính tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chưa hết, cùng với Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND như đã đề cập ở trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành thêm Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 để nâng cao hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Nghị quyết số 560 hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trong đó, đã thống nhất về kỳ giám sát, cách thức triển khai hoạt động giám sát, quy trình xử lý văn bản qua giám sát phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, việc tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 và hai Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, 560/NQ-UBTVQH15 có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung được giao tại luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành kịp thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, góp phần thiết thực đưa luật vào cuộc sống./.

Trong bài có sử dụng một số ảnh của các đồng nghiệp 
Thu Hà, Hồng Phượng, Khúc Yến, Vân Hà, Anh Tuấn

Bài viết cùng chuyên mục