Tác phẩm đoạt giải lần 1

Diên Hồng hội tụ ý Đảng - lòng dân - Bài 1: Không đợi "Bắc nước sôi chờ gạo người"

31/03/2023


Tháng 7/2021, tại Hội trường Diên Hồng, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. “Tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, Tổng Bí thư gửi gắm.

Hai ngày sau phiên khai mạc, tại cuộc gặp gỡ với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ưu tiên hàng đầu của Quốc hội trong thời gian tới là không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương, quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy tinh thần "Dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, liêm chính và hành động, không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người"".

Với tinh thần đổi mới phát huy dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, liêm chính, hành động, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác lập pháp được Quốc hội quan tâm đặc biệt, để không chỉ khơi thông các điểm nghẽn mà còn kiến tạo cho sự phát triển. Tính đến nay, Quốc hội khóa XV đã thông qua 16 dự án luật, 21 nghị quyết với sự thống nhất và đồng thuận rất cao. Có Nghị quyết được đánh giá là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cũng có những dự thảo luật quan trọng bậc nhất, đã và đang được xem xét, quyết định trên cơ sở cầu thị, lắng nghe ý kiến từ Nhân dân.

Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, tránh “bắc nước chờ gạo"; cái cần thì lại không có để xem xét thông qua, cái cơ quan trình lại chưa thực sự cấp thiết, hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị không kỹ lưỡng mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra từ đầu nhiệm kỳ đã được các cơ quan của Quốc hội chú ý. Sự chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa” và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của công tác xây dựng pháp luật đã được thực thi, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 

Ví như với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau nhiều lần “lỡ hẹn”, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, cuối cùng cũng đặt trên bàn nghị sự, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. Để chuẩn bị tốt nhất cho dự án luật, với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với cơ quan soạn thảo Bộ TN&MT cùng cơ quan thẩm tra Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Sau khi chỉnh sửa, tiếp thu, Chính phủ đã tổng hợp, xin ý kiến Quốc hội về 5 nhóm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Hàng trăm ý kiến tâm huyết, trí tuệ từ các đại biểu Quốc hội đã được đưa ra tại kỳ họp cuối năm này. Đặc biệt, để dự án đạt chất lượng cao nhất, ngay sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định xin ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai sửa đổi, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ các tầng lớp Nhân dân.

Sau khi trình Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì nhiều hội thảo lắng nghe ý kiến góp ý cho dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Trong các buổi làm việc với các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội luôn nhấn mạnh tinh thần phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý, không phải chỉ tổ chức lấy ý kiến “cho có”. Đặc biệt, phải “gạn đục khơi trong”, không để bất cứ ý kiến nào của Nhân dân không được giải trình, tiếp thu và cố gắng tổng hợp đầy đủ, toàn diện. “Sốt ruột” khi việc lấy ý kiến Nhân dân "vẫn im lìm" khi thời điểm Tết Nguyên đán vừa kết thúc, lãnh đạo Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Kinh tế có văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện, nỗ lực, khẩn trương hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và phải coi đây như một “chiến dịch không kể ngày đêm”.

 

Nhờ vậy, sau 2,5 tháng lấy ý kiến rộng khắp, với sự tham gia vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành cùng các địa phương, sau ngày 15/3, đã có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với những đề xuất rất cụ thể, đi vào cả những điều khoản chi tiết. “Chúng tôi thấy chất lượng góp ý lần này rất tốt”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá. Tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, qua rà soát sơ bộ có 112 dự án luật liên quan đến dự án Luật Đất đai, trong đó có 22 dự án luật liên quan trực tiếp. Do vậy, cần xem xét, tính toán về việc áp dụng pháp luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về phần cơ quan soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng, với cách thức thực hiện như hiện nay, với sự đồng hành từ sớm từ xa của Quốc hội, sự đồng thuận của toàn hệ thống thì “vấn đề khó mấy cũng quyết hoàn thành”. Ông cũng mong muốn, đề xuất việc lấy ý kiến Nhân dân cần được tiếp tục cho đến khi Quốc hội thông qua luật. “Việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất”, ông Hà khẳng định.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 toàn cầu bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức từ đại dịch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động triệu tập cuộc họp ngoài giờ, cho ý kiến về việc thực hiện các giải pháp cấp bách, đặc biệt, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chính sách đặc biệt về tài khóa, tiền tệ với 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 30 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ nhất đã thể hiện sự linh hoạt cần thiết khi đại dịch COVID-19 đang là một thách thức lớn toàn cầu. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, đặc biệt.

Ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, biến chủng Delta nguy hiểm hơn, phát tán mạnh hơn vào thời điểm đó, Nghị quyết đã cho phép áp dụng một số nội dung khác với quy định của Luật để tăng hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng chủ trì các phiên họp và đi kiểm tra việc phòng chống dịch tại các địa phương

 

Bước sang Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong thời gian giữa hai kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội đã tập trung làm việc ngày đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết rất quan trọng. Qua đó, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chưa đầy hai tháng sau đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua chính sách đặc biệt về tài khóa, tiền tệ với gần 350.000 tỷ đồng, để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những quyết sách đặc biệt, chưa có tiền lệ, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. “Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân”, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá.

Theo đại biểu, Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, với những cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. “Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

 

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

“Nghị quyết 30 đã đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện liên quan đến các giải pháp “chưa từng có tiền lệ”, tạo cơ hội cho Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ.

Phùng Công Sưởng, Trần Công Hùng..

Bài viết cùng chuyên mục