Trong câu chuyện của mình, nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc đến một chi tiết đặc biệt trong hồi ức của vị ĐBQH lâu năm là cụ Lâm Quang Thự.
Cụ Thự kể: Khi triệu tập kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Nhà nước rất nghèo, Quốc hội còn nghèo hơn nữa, không có đủ cơ sở vật chất kể cả nơi ăn chốn ở cho nên các nhà giàu của Thủ đô tập hợp nhau lại tổ chức cuộc vận động đón các đoàn ĐBQH từ phương xa đến ở lại để dự họp. Đoàn Quảng Nam được một gia đình công thương ở phố Hàng Bạc đón về nhà chăm sóc, thậm chí còn may cho cả quần áo mới...
Đến ngày kỳ họp thứ hai khai mạc, gia đình đã mời tất cả đoàn lên ban thờ thắp hương cầu khấn tổ tiên và bà chủ nhà khấn “chúc cho các vị đại biểu Quốc hội ăn to, nói nhớn” - Một cách nói rất dân dã, rất thực bụng.
Nhà sử học, nguyên ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, ăn to nói lớn không chỉ là âm thanh, mà là dám đề cập đến những vấn đề lớn lao, có ý nghĩa sâu sắc đối với nhân dân, đất nước và biết cách trình bày dõng dạc, rõ ràng…
Vẫn thuyết phục người nghe bằng giọng nói chậm rãi, khúc chiết, ông Dương Trung Quốc trò chuyện về cách để mình “ăn to, nói lớn” theo đúng phong cách khi ông phát biểu lần cuối trên nghị trường vào ngày 26/3/2021 (kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV), và đó cũng là phong cách mà nhà sử học này thể hiện suốt gần 20 năm tham gia hoạt động Quốc hội.
Nguyên ĐBQH Dương Trung Quốc nhìn nhận, trình độ của đại biểu qua từng khóa đều được cải thiện, hầu hết đều tốt nghiệp đại học, trong đó, tỷ lệ người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ rất cao. Vì thế, nhiều ĐBQH đã phát huy được những hiểu biết riêng, chuyên môn của mình.
“Hiểu biết riêng, chuyên môn của tôi là lịch sử. Sử học có yếu tố khá đặc thù, nó tác động có chiều sâu vào đời sống. Ví dụ tôi từng kiến nghị và được Quốc hội tiếp thu như: đại biểu khi đứng dậy chào cờ phải hát quốc ca, tôi kiến nghị đặt tên cho hội trường chính diễn ra các phiên họp toàn thể là Phòng họp Diên Hồng và nơi diễn ra các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Phòng họp Tân Trào… Từ những hiểu biết riêng, chuyên môn lịch sử mà tôi đã có những kiến nghị đó”, nhà sử học nói.
Hay những lần thảo luận về vấn đề đê điều, nhìn từ góc độ lịch sử ông Quốc biết ngày xưa ông cha ta đã quản lý đê điều như thế nào… Đó là những bằng chứng, những kinh nghiệm rút ra từ bề dày thời gian cả ngàn năm của ông cha ta, của đông tây kim cổ. Ông coi đó là cái riêng, là lợi khí của cá nhân mà không phải ai cũng biết.
Tuy nhiên, mỗi ĐBQH không thể chỉ phát biểu, đóng góp ý kiến trong lĩnh vực chuyên môn mà phải tham gia vào mọi vấn đề.
Nhà sử học nhớ lại kỷ niệm khi Quốc hội thảo luận và thông qua độ cao của Hồ thủy điện Sơn La (năm 2004) với các độ cao là cao, thấp và trung bình. Ông Quốc gần như “mù tịt” về lĩnh vực này, nên đi hỏi ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Trần Văn Giàu và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đại tướng coi đây là vấn đề quốc phòng rất quan trọng, phải bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu để đập quá cao, quân đội nước khác có tấn công được bằng đường thủy, hay khi có khủng bố thì hậu quả rất lớn khi đập vỡ.
Còn GS Trần Văn Giàu lại cho rằng, đất nước mình nhiều nơi có thể xây dựng được thủy điện, không nhất thiết phải xây hồ ở mức cao, mà nên chọn mức trung bình.
Ngược lại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói, muốn phát triển kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì phát triển điện phải đi trước một bước, vì vậy ông mong muốn xây Hồ thủy điện Sơn La ở mức cao.
“Ba bộ óc rất lớn nhưng có ba quan điểm khác nhau là điều bình thường. Vậy, là ĐBQH thì anh quyết định thế nào? Rõ ràng anh phải thể hiện cá nhân con người của mình với tư cách là một thành viên Quốc hội”, ông Quốc nói.
Ông cũng cho biết mình đã tham vấn thêm ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, đồng thời tìm hiểu tài liệu để nghiên cứu và cuối cùng ông chọn mức trung bình - phương án được Quốc hội quyết định.
Nêu quan điểm, Quốc hội là diễn đàn để trao đi đổi lại, thuyết phục lẫn nhau nhằm có quyết định chung, đồng thuận chung đúng đắn, ông Quốc dẫn ví dụ khi thảo luận luật riêng biệt về sinh học thì ông không hiểu hết được. Vậy nên bên cạnh nghiên cứu của cá nhân, ông lắng nghe Quốc hội, nghe người có chuyên môn như đại biểu Nguyễn Lân Dũng.
“Đại biểu phải làm sao cho nhận thức và tiếp thu của mình đạt hiệu quả để đưa ra quyết định. Mặc dù là quyết định cá nhân nhưng quyết định phải tích hợp được những gì mình đã tiếp thu được trong sinh hoạt Quốc hội. Như vậy quyết định đưa ra mới có chất lượng, đem lại lợi ích cho dân”, ông Dương Trung Quốc nói. Ông nhấn mạnh ĐBQH phải quyết định trong điều kiện không đơn giản, đồng ý hay không đồng ý không đơn giản chỉ là cái bấm nút.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng được cử tri quan tâm và đánh giá cao bởi những phát biểu thẳng thắn, quyết liệt và tinh thần sục sôi trên nghị trường.
Nhận xét về ĐBQH những khóa gần đây, đặc biệt là khóa XV, vị cựu đại biểu tự hào nói: “Nhiều anh chị, đặc biệt là các anh chị trẻ giỏi lắm, nắm vững chuyên môn, phát biểu không giấy tờ mà lại phát biểu rất hay. Cho nên dân càng ngày càng yêu Quốc hội hơn, Quốc hội càng ngày càng xứng đáng hơn với lòng tin cậy của dân”.
Bản thân ông Dũng là một Nhà giáo Nhân dân, nhà khoa học rất “lợi khẩu” nhưng trước những câu hỏi của chúng tôi, ông thường gạch đầu dòng trên laptop rồi mới trả lời. Ông bảo muốn nói đúng, nói chính xác, không nói dai, nói dài dẫn đến nói dại thì cứ viết ra giấy là yên tâm nhất.
Đó cũng là hình ảnh của ĐBQH Nguyễn Lân Dũng trên nghị trường suốt 15 năm (1997-2011) - một vị đại biểu hết sức nghiêm túc với công việc của mình. Thường thì ông cầm giấy đọc, nhưng những trang viết của ông đã được ông nghiên cứu công phu, suy nghĩ thấu đáo nên cử tri cứ như bị hút vào từng điểm một là, hai là… theo cách nhấn giọng của ông chứ không phải là một bài tập đọc vô hồn vô cảm.
Nhắc lại chuyện nghị trường, nguyên ĐBQH Nguyễn Lân Dũng cho biết, tại các kỳ họp Quốc hội, trong buổi đầu tiên bàn về vấn đề kinh tế - xã hội, ông luôn tranh thủ nói những bức xúc của dân.
“Thường mỗi lần phát biểu tôi chọn nêu khoảng 5 - 6 bức xúc tôi chắt lọc từ những buổi tiếp xúc cử tri, từ những đơn thư gửi đến cho tôi, từ việc quan sát cuộc sống đời thường của người dân mà tôi chứng kiến hằng ngày.
Những bức xúc nào tôi nêu cũng được Quốc hội chú ý bởi vì bức xúc của dân thì Quốc hội phải lắng nghe. Các bài phát biểu của tôi đều có dàn ý rõ ràng, chuẩn bị trước để đó là những điều cô đọng và có trọng tâm nhất bởi mỗi đại biểu chỉ có 5 - 6 phút tham luận”, ông nói.
Ông cho rằng, để ý kiến được mọi người ủng hộ thì ĐBQH phải nói đúng, mà muốn biết mình nói đúng hay không đúng thì phải lắng nghe dân, lắng nghe để biết ý kiến của mình có đại diện cho đông đảo người dân không, thực trạng có phải như thế không, hay chỉ là hiện tượng cá biệt được thổi phồng lên…
“Đừng chủ quan, phải lắng nghe, ý kiến trước Quốc hội không thể là ý kiến của cá nhân mà phải là ý kiến thay mặt cho nhân dân. Các ĐBQH dù là trẻ hay lớn tuổi đều phải nghiêm túc lắng nghe. Nói được tiếng nói của dân thì khi đó Quốc hội mới đồng tình được”, ông Dũng lưu ý.
Từng có những màn chất vấn thẳng thắn, gai góc, ông thừa nhận người thân trong gia đình thường lo lắng rằng ông nói thế có mạnh quá không, liệu ông có bị “gõ đầu”.
“Tôi đã cân nhắc, nói mạnh nhưng phải đúng. Nói mạnh mà sai thì nguy hiểm lắm. Tôi luôn tâm niệm tiếng nói của mình là tiếng nói của dân. Do đó tôi nghĩ ý kiến của mình phải phù hợp với suy nghĩ của dân, lắng nghe dân, nói lại tiếng nói của dân”, GS Nguyễn Lân Dũng đoan quyết.
Sau 3 khóa tham gia, hiện nay NGND.GS.TS Nguyễn Lân Dũng vẫn theo dõi sát các hoạt động của Quốc hội với vai trò của một cử tri, một Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông rất mừng khi Quốc hội thay đổi nhiều theo hướng ngày càng dân chủ, công khai và quan trọng nhất là ngày càng gần gũi Nhân dân.
Lắng nghe ý kiến của Nhân dân thông qua đại biểu chính là sự thể hiện Quốc hội ngày càng dân chủ, từ đó người dân luôn ủng hộ các quyết định của Đảng, điển hình như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Dân đồng tình lắm, bức xúc nhưng mà đồng tình. Không thể chấp nhận chuyện một số người tham lam sống trên sức lao động của người khác. Tôi nghĩ rằng “ý Đảng, lòng dân” chưa bao giờ được như ngày nay. Đảng nói, dân đồng tình và điều đó tạo nên sức mạnh rất lớn của dân tộc ta”, cựu ĐBQH Nguyễn Lân Dũng chốt lại.
Là một trong những gương mặt trẻ, ấn tượng tại Quốc hội khóa XIV, chị Phạm Thị Minh Hiền (ĐBQH khóa XIV, Đoàn Phú Yên) để lại dấu ấn mạnh mẽ với cử tri cả nước bởi phát ngôn mạnh mẽ và những cuộc tranh luận nảy lửa với các Bộ trưởng và cơ quan chức năng.
Là đại biểu trẻ, lần đầu làm đại biểu dân cử nhưng có nhiều phát ngôn gai góc thay vì nhập cuộc “tròn trịa” hơn, chị Hiền chia sẻ lý do, tại các kỳ họp chị dành phần lớn thời gian quan sát và ghi chép. Khi lắng nghe những ý kiến thảo luận, chị có chút thắc mắc tại sao thời gian họp không dài, nhưng ý kiến phản biện thì ít mà lại nhiều lời khen đến vậy?
Bằng trải nghiệm từ thực tế công việc và đời sống, chị Hiền thấy rõ còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ từ cách làm chính sách chưa thấu đáo. Đó đều là những vấn đề cần được phản biện, cần được truyền tải đến nghị trường để giải quyết.
“Quyền và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội là nêu ra những vấn đề ấy. Tôi nghĩ, khi đã được người dân bầu và trao niềm tin thì trách nhiệm của tôi là đứng về phía người dân. Do đó, tôi chọn cho mình một tâm thế nhập cuộc, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc có thể xảy ra nhiều va chạm”, chị Hiền bộc bạch.
Nhớ lại cuộc tranh luận đầu tiên trên nghị trường với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV) về câu chuyện “nữ giáo viên đi tiếp khách” gây xôn xao dư luận thời điểm đó, chị Hiền cho biết mình luôn ưu tiên những nội dung liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em vì bản thân là một nữ đại biểu.
“Không chỉ cá nhân tôi, mà có rất nhiều nữ đại biểu đã vô cùng mạnh mẽ trong việc thể hiện chính kiến. Tôi đã học được ở họ rất nhiều điều. Tôi có quyền tự hào về vai trò đóng góp của nữ giới trong hoạt động của Quốc hội và có thể khẳng định một trong những dấu ấn thành công của nghị trường Quốc hội khóa XIV là chất lượng đại biểu”, chị Hiền nhấn mạnh.
Chị Phạm Thị Minh Hiền nhìn nhận, môi trường dành cho tinh thần sáng tạo, thẳng thắn và dân chủ như nghị trường không phải là nơi dành cho người yếu bóng vía. Đại biểu Quốc hội ngoài trình độ và sự hiểu biết, bất kể làm mấy nhiệm kỳ mà không đủ dũng khí, không có tư duy độc lập thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Hiền kể thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn của người dân. Họ bày tỏ sự tin tưởng vào ĐBQH nữ, đại biểu Quốc hội trẻ. “Những lời động viên, ủng hộ đó ấm áp lắm. Có những mạnh thường quân, nhà hảo tâm khi biết tôi làm công việc trợ giúp cho người yếu thế đã tin tưởng và ủng hộ nguồn lực khi tôi làm các dự án kết nối... Đó là thực sự là nguồn động lực tiếp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh để vượt qua khó khăn”, chị Hiền bộc bạch.
Bên cạnh đó, chị Hiền cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ các vị lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và nhiều ĐBQH “lão làng”. Họ đã góp ý, giúp chị điều chỉnh phương pháp hoạt động tốt hơn, thậm chí là góp ý cho về câu từ, chất giọng trong phát biểu, biểu cảm trong tranh luận để thiện chí tốt đẹp của mình được tiếp nhận một cách thuận lợi.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ ĐBQH khóa XIV, chị Phạm Thị Minh Hiền vẫn tiếp tục công tác ở cương vị Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên và là đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII. Bên cạnh đó, chị ấp ủ chuyển hướng làm chuyên môn về luật cũng như ngành công tác xã hội để được thực hiện các dự án cho người yếu thế.
Chị Minh Hiền cũng bày tỏ sự xúc động khi không còn là ĐBQH nhưng vẫn có những người dân từ Đà Nẵng vào tận Phú Yên để trình bày các vấn đề cần hỗ trợ, giúp đỡ.
“Tôi tìm cách kết nối và chuyển đơn của cử tri, người dân lên Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Những câu chuyện nhỏ nhưng cũng giúp tôi cảm thấy hạnh phúc khi bản thân có thể giúp đỡ được những người dân yếu thế, gặp khó khăn”, vị cựu ĐBQH bày tỏ.