Chiều 25 tháng 10, Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; kết quả này nhằm đánh giá uy tín và quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đặc biệt, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ, theo quy định mới trong Nghị quyết 96 của Quốc hội.
Theo đánh giá của cá nhân tôi, đây là kết quả thể hiện sự khách quan, minh bạch, thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội dành cho những người được lấy phiếu tín nhiệm, gắn liền với quá trình đổi mới phát triển của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, so với kết quả lấy phiếu tín nhiệm của các khóa Quốc hội từ khi có chủ trường này (năm 2013), thì kết quả lấy phiếu lần này nhìn chung tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao có thấp hơn; điều đó thể hiện ở 2 khía cạnh, trước hết là yêu cầu của thời kỳ này đòi hỏi trách nhiệm nêu gương cá nhân của người đứng đầu trước yêu cầu đổi mới của đất nước; thứ hai là đòi hỏi của các đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm cao hơn so với các khóa Quốc hội trước và đặc biệt kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này có sự phân khối rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước liên quan đến tín nhiệm của người đứng đầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín.
Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta nhìn lại thành tựu đổi mới của Quốc hội trong nửa nhiệm kỳ khóa XV, lại thấy toát lên Những quyết sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ đã được phúc đáp lại bằng những thành quả quan trọng, đạt được trong 9 tháng đầu năm của đất nước được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới.
Những đổi mới quan trọng ĐẦU TIÊN có thể đề cập đến là hoàn thiện thể chế; trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục phát huy kết quả lập pháp của các nhiệm kỳ Quốc hội trước, có thể nói chất lượng các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua trong nửa nhiệm kỳ khóa XV này được nâng lên rõ nét, trên cơ sở tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Ban, Bộ, ngành trung ương, địa phương và sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình là Luật đất đai (sửa đổi) được sự tham gia đóng góp ý kiến của hàng triệu người dân thể hiện sự dân chủ mở rộng trong việc tham vấn ý kiến của các tầng lớp xã hội trong xây dựng pháp luật. Nhân dân đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm Trưởng ban. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giao sáng kiến lập pháp cho cá nhân đại biểu Quốc hội là nhằm phát huy năng lực cá nhân thể hiện sự đổi mới trong quá trình lập pháp.
Quốc hội tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động giám sát tối cao theo hướng coi đây là “khâu trọng tâm, then chốt” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
THỨ HAI là Quốc hội tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động giám sát tối cao theo hướng coi đây là “khâu trọng tâm, then chốt” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ đã tổ chức chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ, 02 Phó Thủ tướng Chính phủ, 14 Bộ trưởng, trưởng ngành tại 04 kỳ họp Quốc hội, 08 Bộ trưởng, trưởng ngành tại 04 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các vấn đề được lựa chọn chất vấn, giải trình đều được Nhân dân, cử tri, dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao. Đã và đang thực hiện 06 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 06 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ban hành 15 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn. Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, là cách làm mới, được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
THỨ BA đối với chức năng, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại 05 kỳ họp thường kỳ và 02 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã xem xét, thông qua các Nghị quyết kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về: phát triển kinh tế - xã hội; tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế; các Nghị quyết về: quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chủ trương đầu tư 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương đầu tư xây dựng 06 dự án quan trọng quốc gia, cấp bách; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách quan trọng, thành lập Tổ công tác đặc biệt theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và việc thực hiện các nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức thành công 03 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên. Các diễn đàn được tổ chức với quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao, đã quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, cung cấp nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, các thông tin hay, định hướng hữu ích. Lần đầu tiên tổ chức thành công Diễn đàn Người lao động năm 2023, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất (2023). Đây là hoạt động thiết thực nhằm lắng nghe đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động và trẻ em góp phần phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.
HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI đã chủ động, tích cực, sôi động và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, quốc phòng an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là “ngoại giao vắc xin” đã góp phần thực hiện có hiệu quả phòng, chống Covid-19 được nhân dân đánh giá cao.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tình hình đất nước có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, Quốc hội tiếp tục tinh thần đổi mới, đồng hành, chia sẻ với Chính phủ với tinh thần tích cực, khẩn trương, chủ động, trách nhiệm vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn, thể hiện bằng nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện tình hình lao động, việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân. Điển hình là việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của pháp luật hay chưa được pháp luật quy định để kịp thời đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành các nghị quyết, như: Nghị quyết 393/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết 268/2021/UBTVQH15…, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và ngành y tế, lao động thực hiện kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa này, đã có nhiều hoạt động chưa có tiền lệ được thực hiện, và nay đã trở thành những công việc thường kỳ, được triển khai bài bản, hiệu quả. Ngoài những kỳ họp theo định kỳ, tùy theo tình hình của đất nước, đề nghị của Chính phủ, Quốc hội cũng đã chủ động triệu tập các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Có thể nói, quá trình đổi mới và phát triển của Quốc hội Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ qua là một bước tiến dài, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cơ quan quyền lực cao nhất trong việc đưa đất nước phát triển toàn diện, bao trùm và hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để không ngừng nâng cao tiềm lực của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Điều đó đã được thể hiện qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, với số phiếu tín nhiệm cao trên 90% là thể hiện vai trò của người đứng đầu, theo đó các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều có tỷ lệ phiếu cao là sự thừa nhận đánh giá khách quan, của các đại biểu Quốc hội - một phúc đáp thể hiện sự đổi mới và phát triển của Quốc hội Việt Nam./.