LÝ LUẬN & TRAO ĐỔI

Một số nhận định, đánh giá về việc triển khai giám sát Nghị quyết số 43/2022/QH14 ngày 11/01/2022 của Quốc hội

28/12/2023
Việc giám sát chuyên đề “Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” là cần thiết nhằm để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Một số nhận định, đánh giá về việc triển khai giám sát nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội” của đại biểu Tráng A Dương- Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

GÓC NHÌN: SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN - MỘT SỐ VẤN ĐỀ NỔI LÊN QUA THẢO LUẬN CỦA QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6

QUỐC HỘI CẦN XEM XÉT CHO PHÉP KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN CỦA NGHỊ QUYẾT 43


Năm 2023, các hoạt động giám sát được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ,  góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Trong đó việc giám sát chuyên đề “Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” cũng không ngoại lệ.

Việc giám sát Nghị quyết số 43/2022/QH15 với mục tiêu là đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong các trường hợp tương tự; các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù triển khai các dự án quan trọng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án; Đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới và trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.  


Bước đầu kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu triển khai, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đạt được một số kết quả nhất định có thể kể đến như sau:

Về tác động của việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Năm 2022- 2023, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19; giá cả xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao; thiên tai diễn biến phức tạp...

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã có chuyển biến tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023 cụ thể như sau:

Về thực hiện chỉ tiêu phục hồi, phát triển và tăng trưởng: Quy mô kinh tế được mở rộng, tăng trưởng đạt khá, năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể:

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỉ USD. Theo Tổng cục thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Đặc biệt, GDP năm 2022 của Việt Nam ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm qua với mức tăng 8,02% so với năm trước. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm  của toàn nền kinh tế.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng là 8,10%, đóng góp 38,24% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Lĩnh vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; đóng góp 56,65% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.


Về giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân: Theo báo cáo của Chính phủ, khối lượng giải ngân của các gói hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng trong tổng nguồn lực lên đến 350 nghìn tỷ đồng; trong đó cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.957 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.347 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 57.068 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng,... các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 1-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới. Lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm, giảm 1,5% so với đầu năm 2022. 

Về phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hỗ trợ người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt, chủ động, đề ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Kịp thời xây dựng và ban hành Phương án điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với diễn biến dịch Covid-19; đẩy mạnh triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin toàn dân đảm bảo an toàn, hiệu quả; duy trì ổn định an ninh lương thực và giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân trên cả nước. Đây là nền tảng quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước từ quý II/2022 đến nay.

Trong quá trình giám sát Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với các địa phương theo quan điểm của tôi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được nhận định và đánh giá đó là:

Tồn tại, hạn chế về kinh tế: Tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực thiếu tính bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư. Mức độ hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thấp; chuyển đổi sản xuất ở các doanh nghiệp chưa mạnh, quy mô của các doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ còn ở mức thấp.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung; hoạt động sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa có sự phát triển ổn định, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động xuất nhập xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh so với giai đoạn trước. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Chưa có giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại, hạn chế trong đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; năng lực về quản lý dự án, kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

 

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. 

Tồn tại, hạn chế về văn hoá – xã hội: Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, phương pháp giáo dục chậm đổi mới. Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao phải hoãn, hủy. Tình trạng lao động quay trở về các địa phương quá lớn dẫn đến thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương vẫn còn tình trạng quá hạn, chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa bền vững; công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại chưa hiệu quả, nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập quốc tế còn thiếu và yếu.

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 43/2022/QH15, các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo tôi cần triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó cần tập trung huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách về giãn hoãn thời gian trả nợ, giảm lãi vay.

2. Triển khai tích cực các Chương trình mục tiêu quốc gia: Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các Chương trình ngay từ đầu năm. Chủ động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024, chú trọng đánh giá hiệu quả thực hiện so với mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động nhân dân chung tay thực hiện, đưa các chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. 

3. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách; tập trung khai thác, phát triển các nguồn thu tiềm năng, mở rộng cơ sở tính thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết 2023”.

Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, tiết kiệm và hiệu quả, tăng hợp lý tỷ trọng cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ sự nghiệp công. Triển khai đồng bộ các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ những tháng đầu năm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược sớm hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đảm bảo hiệu quả đầu tư của các dự án có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân.

Huy động các nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn nước ngoài; hoàn thiện kết cấu hạ tầng để nâng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp. Thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào thực hiện các dự án về đô thị, du lịch, dịch vụ,...Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Các địa phân cần chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển logistic. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao chất lượng công vụ, trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức.

5. Tiếp tục xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh toàn diện; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Làm tốt công tác bồi dưỡng và phát triển lực lượng. Chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, trấn áp, xử lý hiệu quả đối với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, đẩy lùi tai nạn, tệ nạn xã hội; kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy./.

                

Đại biểu Tráng A Dương

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

ĐBQH Tráng A Dương

Bài viết cùng chuyên mục