Quy chế

Quy chế chấm Giải Diên Hồng

04/05/2023
Trân trọng giới thiệu Quy chế chấm giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng):

I. Nguyên tắc chung:
- Hội đồng chấm Giải Diên Hồng bao gồm Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo làm việc căn cứ trên Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng).
- Hội đồng chấm Giải làm việc với tinh thần trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc đánh giá tác phẩm. Căn cứ vào các vòng chấm điểm, các thành viên Hội đồng đều bình đẳng trong đánh giá, thẩm định và lựa chọn tác phẩm.
- Đánh giá của các thành viên Hội đồng chấm giải thể hiện bằng cách chấm điểm đối với từng tác phẩm. Kết quả chấm điểm của Hội đồng phải được bảo mật để bảo đảm tính khách quan của Giải.
 II. Tổ chức của Hội đồng chấm giải
Hội đồng chấm Giải Diên Hồng bao gồm: Hội đồng chấm sơ khảo và Hội đồng chung khảo.
1. Hội đồng sở khảo:
Bao gồm 01 Chủ tịch, 04 Phó Chủ tịch và các thành viên, đại diện cho các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng sơ khảo chịu trách nhiệm báo cáo trước Ban Chỉ đạo Giải và Hội đồng chung khảo về kết quả chấm sơ khảo và những vấn đề liên quan trong quá trình tuyển chọn. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng sơ khảo có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ Ban Thư ký Giải và các Tiểu ban của Hội đồng sơ khảo để bảo đảm thành công của vòng chấm sơ khảo, cũng như thành công chung của Giải Diên Hồng.
Hội đồng sơ khảo được chia thành 04 Tiểu ban để chấm các loại giải theo   Thể lệ Giải.
Ban Thư ký có nhiệm vụ giúp việc cho các Hội đồng chấm giải, trực tiếp là Hội đồng sơ khảo.
2. Hội đồng chung khảo:
Bao gồm 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và các thành viên.
Phiên họp của Hội đồng chung khảo chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự.
Trên cơ sở đề xuất các tác phẩm lọt vào chung khảo của Hội đồng sơ khảo, sự phê duyệt của Ban Chỉ đạo Giải, Hội đồng chung khảo sẽ thẩm định, chấm và tuyển chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc để đề nghị Ban Chỉ đạo Giải Diên Hồng quyết định trao Giải năm 2023.
Ban Thư ký có nhiệm vụ giúp việc cho các Hội đồng chấm giải, trực tiếp là Hội đồng sơ khảo.
 
III. Tiêu chí chấm giải
 
STT Tiêu chí Diễn giải Điểm
1 Tính chân thực, tính phát hiện, tính tiêu biểu
- Tác phẩm có tính chân thực; đối tượng được phản ánh là những sự kiện, tập thể, và cá nhân tiêu biểu trong tổ chức và hoạt động Quốc hội
- Tác phẩm có tính phát hiện; nội dung đề cập đến những vấn đề mới, thời sự, tạp trung phản ánh, phân tích về quá trình hình thành, phát triển và đổi mới hoạt động của Quốc hội, đề xuất của cử tri và các vấn đề trọng tâm đã nêu trong Thể lệ Giải.
- Tác phẩm có tính tiêu biểu, có sức cổ vũ, động viên, nâng cao nhận thức của người dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.
4
2 Ý nghĩa và tác động xã hội
- Tác phẩm có đóng góp tích cực, hiệu quả cho xã hội; ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí chất lượng tốt về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
- Tác phẩm có tính bền vững, có sức lan toả và ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.
3
3 Hình thức thể hiện
- Ngôn ngữ và các thể hiện rõ ràng, mạch lạc, thể hiện tốt đặc trưng loại hình và đặc trưng thể loại báo chí.
- Ưu tiên tác phẩm có hình thức thể hiện sáng tạo, hấp dẫn, ứng dụng công nghệ hiện đại.
3
Tổng điểm     10
 

IV. Về cách thức hoạt động của của Hội đồng chấm giải
1. Hội đồng sơ khảo
1.1. Về cách thức cho điểm và chấm điểm
- Hội đồng giải sơ khảo đánh giá các tác phẩm bằng hình thức cho điểm và chấm điểm theo thang điểm 10. Số điểm chấm đối với mỗi tác phẩm cao nhất (tối đa) là 10, bước điểm là 0,25.
- Số điểm chính thức của mỗi tác phẩm là điểm chia trung bình của tổng số điểm các thành viên chia cho số thành viên tham gia chấm tác phẩm đó.
- Các tác phẩm ảnh báo chí được chấm tập trung tại chỗ. Việc chấm, đánh giá của từng thành viên Hội đồng sơ khảo đối với 01 tác phẩm không được chênh nhau từ 02 điểm trở lên. Nếu có, Hội đồng sơ khảo sẽ mời các thành viên đó trao đổi để thống nhất mức điểm.
- Thành viên Hội đồng sơ khảo có tác phẩm dự Giải (kể cả có tên trong nhóm tác giả) không được chấm và cho điểm các tác phẩm của mình.
1.2. Về quy trình cho điểm và chấm điểm
Gồm 2 bước sau đây:
Bước 1:
- Thư ký Hội đồng sơ khảo giao tác phẩm và các hồ sơ cần thiết cho các Trưởng Tiểu ban (hoặc Phó Trưởng Tiểu ban) để Trưởng Tiểu ban giao cho các thành viên trong tiểu ban. Trưởng và Phó Tiểu ban xác định lịch chấm ở các tiẻu ban và thông báo cho Thư ký Hội đồng sơ khảo biết để sắp xếp, bố trí.
- Sau khi nghiên cứu, xem xét tác phẩm và các hồ sơ cần thiết, các thành viên ghi nhận xét, đánh giá và dự kiến số điểm của mình đối với từng tác phẩm. Việc chấm ảnh báo chí sẽ được chấm chung ở Tiểu ban Báo in và Báo ảnh.
- Sau khi các thành viên chấm xong, từng tiểu ban họp nhóm trao đổi, nhận xét, đánh giá về tác phẩm. Sau đó từng thành viên chính thức cho điểm và từng tiểu ban chọn ra các tác phẩm có điểm chia trung bình từ cao xuống thấp để đưa vào chung khảo; có biên bản để chuyển tới Ban Thư ký giải.
Bước 2:
- Trưởng và Phó Trưởng Tiểu ban của Hội đồng sơ khảo họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng sơ khảo (có sự tham gia của Ban Tổ chức và Ban Thư ký Giải) để nghe báo cáo kết quả tổng hợp việc chấm ở các tiểu ban.
- Danh sách các tác phẩm được đưa vào vòng chung khảo xếp riêng từng Tiểu ban theo thứ tự từ cao xuống thấp theo số điểm chính thức (điểm chia trung bình) mà ácc tác phẩm đạt được.
- Văn bản các phiên họp của Hội đồng sơ khảo, kiến nghị (nếu có) về những vấn đề cần phải được xem xét, thẩm tra thêm, văn bản cuộc họp của các tiểu ban, cùng các ý kiến đánh giá của các thành viên, phiếu nhận xét và số điểm cho đối với từng tác phẩm được chuyển giao cho Hội đồng chung khảo để Hội đồng chung khảo có cơ sở xem xét. Các văn bản nhận xét, đánh giá nêu trên và số điểm mà các thành viên Hội đồng sơ khảo cho đối với mỗi tác phẩm được giữ bí mật tuyệt đối.
1.3. Về cách chọn tác phẩm vào chung khảo
- Hội đồng sơ khảo chọn ra các tác phẩm có điểm chia trung bình từ cao xuống thấp để đưa vào chung khảo và có biên bản dể chuyển tới Hội đồng chung khảo.
- Số lượng tác phẩm vào chung khảo sẽ tuỳ theo chất lượng và ý kiến của Ban Chỉ đạo giải quyết định.
- Chủ tịch Hội đồng sơ khảo sẽ báo cáo kết quả chấm sơ khảo với Ban Chỉ đạo Giải và Hội đồng chung khảo trước khi Hội đồng chung khảo chính thức thẩm định và chấm các tác phẩm vòng chung khảo.
1.4. Thời gian tiến hành chấm sơ khảo
Thời gian chấm chung khảo từ ngày 4/5/2023, xong trước ngày 19/5/2023.
2. Hội đồng chung khảo
2.1. Cách thức hoạt động
- Phiên họp của Hội đồng chung khảo chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Hội đồng chung khảo chỉ thẩm định kết quả chấm sơ khảo, bỏ phiếu lựa chọn tác phẩm đoạt giải đối với các tác phẩm được Hội đồng sơ khảo chấm và chọn đưa vào vòng chung khảo.
- Thành viên Hội đồng chung khảo có tác phẩm dự Giải (kể cả có tên trong nhóm tác giả) không được bỏ phiếu cho tác phẩm của mình.
Ban Thư ký Giải có nhiệm vụ giúp Hội đồng chung khảo ghi biên bản và tổng hợp kết quả chấm chung khảo.
2.2. Quy trình làm việc của Hội đồng chung khảo
- Các tác phẩm được gửi tới thành viên Hội đồng chung khảo chậm nhất là 10 ngày trước khi họp toàn thể Hội đồng chung khảo. Các thành viên Hội đồng chung khảo tự nghiên cứu, xem xét và đánh giá chất lượng các tác phẩm báo in- báo ảnh, báo điện tử, báo nói, truyền hình.
- Các tác phẩm được chấm chung tại phiên họp toàn thể của Hội đồng chung khảo.
- Phiên họp toàn thể của Hội đồng chung khảo sẽ xem xét các nội dung sau đây:
+ Xem xét, chấm các tác phẩm báo chí.
+ Trao đổi, xem xét kết quả chấm các loại hình báo chí tham dự Giải.
+ Trao đổi, thảo luận, dự kiến cơ cấu, số lượng các loại giải trên cơ sở Đề án số 3134/ ĐA-VPQH ngày 23/12/2022 của Văn phòng Quốc hội về tổ chức Giải Diên Hồng, Thể lệ Giải và tình hình chất lượng các tác phẩm tham dự Giải.
+ Bỏ phiếu kín để chọn các tác phẩm trao giải Đặc biệt, A, B, C, Khuyến khích. Việc bỏ phiếu do Chủ tịch Hội đồng chung khảo quyết định.
+ Thảo luận và lựa chọn trao giải xuất sắc cho một số cơ quan báo chí, hội nhà báo tiêu biểu trên cơ sở đề xuất của cơ quan thường trực Giải.
2.3. Thời gian tiến hành chấm chung khảo
Thời gian chấm chung khảo từ ngày 19/5/2023, xong trước ngày 26/5/2023.
Quy chế này được thông báo tới các thành viên Hội đồng chấm giải. Các thành viên Hội đồng chấm giải và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
 

 
BAN TỔ CHỨC GIẢI DIÊN HỒNG

Bài viết cùng chuyên mục