LÝ LUẬN & TRAO ĐỔI

Những đổi mới, phát triển về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua các nhiệm kỳ và một số kiến nghị

25/12/2023
Các hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ, ngày càng đi vào thực chất, trong đó có hoạt động giám sát chuyên đề. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Những đổi mới, phát triển về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua các nhiệm kỳ và một số kiến nghị” của TS.Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương.

GÓC NHÌN: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ EM KHI THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ - NHÌN TỪ DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ


Đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động luôn luôn là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, tổ chức, trong đó có Quốc hội. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây vừa là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động, mau lẹ, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Với những đối tượng và phạm vi giám sát  hẹp, cụ thể, hoạt động giám sát theo chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có thể giúp cho việc hoạch định những chính sách lớn và quyết định những vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực nhất định sát thực hơn với thực tiễn, với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề có thể kiểm nghiệm, đánh giá, bổ sung cho việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực đó. Như vậy, hình thức giám sát chuyên đề có thể coi là một khâu bổ trợ không thể thiếu trong hoạt động lập pháp, trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; qua đó, bảo đảm để Quốc hội thực hiện được đầy đủ, đồng bộ các chức năng của mình với chất lượng cao nhất. Có thể khẳng định rằng, việc tiến hành giám sát theo các chuyên đề là rất cần thiết. Hoạt động giám sát chuyên đề đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thực hiện ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và được dần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý, nội dung và phương thức tiến hành, đem lại kết quả ngày càng thiết thực hơn.



Trong các Luật tổ chức Quốc hội được ban hành trước Hiến pháp 1992, hoạt động giám sát của Quốc hội chủ yếu được quy định dưới hình thức xét báo cáo và chất vấn. Đối với các cơ quan của Quốc hội, pháp luật cũng chỉ ghi nhận chung chung là: giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;  hoặc quy định: Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành điều tra, xem xét tại chỗ về những vấn đề cần thiết, có quyền yêu cầu các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng và những nhân viên hữu quan khác trình bày hoặc cung cấp tư liệu về những vấn đề cần thiết có liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng và các Ủy ban...

Cụ thể hóa Hiến pháp 1992, Luật tổ chức Quốc hội năm 1992 đã có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, hình thức hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đó, ngoài việc ghi nhận quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, Luật đã quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thi hành pháp luật, đồng thời, quyết định chương trình giám sát hàng quý và hàng năm, tự mình hoặc giao cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện chương trình giám sát. Đây là những quy định quan trọng, là tiền đề cho việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.


Trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai hoạt động giám sát, năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, quy định khá cụ thể, chi tiết về hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tuy vậy, cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát chuyên đề vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo quy định tại Điều 7 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội 2003 thì các hoạt động giám sát của Quốc hội bao gồm:

1. Xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

2. Xem xét báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

3. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

4. Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

5. Thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định và xem xét báo cáo kết quả điều tra của Uỷ ban.

Như vậy, hình thức giám sát theo chuyên đề chưa được quy định là một hoạt động giám sát của Quốc hội tại Luật này. Đến Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, việc xem xét báo cáo giám sát chuyên đề và giám sát chuyên đề đã được chính thức quy định tại Khoản 4, Điều 11 về các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Điều 16, về Giám sát chuyên đề của Quốc hội; Khoản 4 Điều 22, về các hoat động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 27, về Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Khoản 3, Điều 37, về các hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Điều 41, về Giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Hoạt động giám sát chuyên đề trở thành một trong những hình thức hoạt động giám sát chính thức của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.


Trên thực tế, trước khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội được ban hành, hoạt động giám sát theo chuyên đề cũng đã được Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện khá thường xuyên và được báo cáo trước Quốc hội dưới hình thức các bản thuyết trình. Chẳng hạn, chỉ trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa IX (tháng 12-1993), Quốc hội đã nghe 8 thuyết trình của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, trong đó đáng chú ý là một số thuyết trình về các vấn đề nổi lên qua hoạt động giám sát của Hội đồng, Ủy ban như: thuyết trình của Hội đồng dân tộc về một số vấn đề cần quan tâm đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1994; thuyết trình của Ủy ban pháp luật về vấn đề chống tham nhũng, chống buôn lậu; thuyết trình của Ủy ban các vấn đề xã hội về giải quyết vấn đề dân số, việc làm và các tệ nạn xã hội… Những thuyết trình này là một trong những cơ sở quan trọng để Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm tiếp theo. Điều đó cho thấy hoạt động giám sát đối với các chuyên đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một trong những hoạt động thường xuyên của các cơ quan này. Tuy vậy, trong các bản thuyết trình trước Quốc hội, các Ủy ban sử dụng các cụm từ "nghiên cứu, khảo sát", thay vì "giám sát" như hiện nay.


Từ năm 2004 tới nay, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội hàng năm, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát dưới hình thức xem xét báo cáo chuyên đề đối với một số vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận báo chí phản ánh và được nhân dân cả nước quan tâm. Hình thức giám sát này đã được thực hiện thành nền nếp, từng bước được đổi mới về cách thức triển khai thực hiện, ngày càng được nâng cao về chất lượng và đem lại hiệu quả thiết thực, tạo ra những chuyển biến nhất định đối với một số lĩnh vực cụ thể.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã tiến hành tái giám sát đối với nội dung đã được giám sát chuyên đề trước đó về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương để có cơ sở đánh giá đúng thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đây cũng là một trong những điểm đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện việc tái giám sát đối với một vấn đề Quốc hội đã ban hành nghị quyết qua hoạt động giám sát (tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI). Báo cáo kết quả giám sát đã nêu rõ: “qua giám sát cho thấy, mặc dù đã có những chuyển biến tiến bộ rõ từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch đến quản lý và tổ chức thực hiện xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản... nhưng nhìn chung ở mức độ khác nhau, một số hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước đã được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội Khóa XI và trong Nghị quyết số 36/2004/QH11 của Quốc hội khóa XI8 chậm được khắc phục”. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng những yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 36/2004/QH11 cũng như các Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến xây dựng cơ bản cần phải được tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện”9. Như vậy, qua việc so sánh với kết quả giám sát của hai năm trước, Quốc hội có thể thấy rõ hiệu quả thực sự của hoạt động giám sát và những chuyển biến trong thực tiễn nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này.

Tới nay, việc tái giám sát những chuyên đề Quốc hội đã giám sát đã được triển khai thực hiện một số lần. Trước kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (kỳ họp thực hiện hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn), Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết giám sát, chất vấn Quốc hội đã ban hành trong thời gian trước đó. Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan liên quan đã được các cơ quan chuyên môn của Quốc hội thẩm tra, đánh giá cụ thể, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội giám sát tại kỳ họp.


Cũng từ  nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (đối với các chuyên đề Quốc hội tiến hành giám sát tại kỳ họp) và từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (đối với các chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát - làm căn cứ giúp các cơ quan hữu quan có thể kiểm nghiệm, đánh giá việc thực thi pháp luật của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; khắc phục, điều chỉnh những vấn đề còn hạn chế, bất cập, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiện nay, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát một cách khoa học, phát huy tối đa công sức, trí tuệ của các thành viên Đoàn giám sát; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát. Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.


Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động giám sát chuyên đề đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều đổi mới, được nhận định là: tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn "trúng và đúng" vấn đề; cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát. Về hạn chế đối với hoạt động giám sát chuyên đề, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội đã đề cập đến một số hạn chế, đó là: một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, báo cáo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được nghiêm túc triển khai thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên. Tuy chỉ nêu rất ít hạn chế, nhưng Báo cáo đã chỉ ra những hạn chế khá quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Từ thực tiễn tham gia các hoạt động giám sát chuyên đề thời gian qua, xin đề xuất một số ý kiến gợi ý về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội như sau:

1. Lựa chọn chuyên đề: kết hợp giữa tính kế hoạch và tính thời sự

Việc Quốc hội ban hành Chương trình hoạt động giám sát hàng năm là một trong những đổi mới quan trọng của hoạt động giám sát được thực hiện từ sau khi Quốc hội ban hành văn bản luật đầu tiên về hoạt động giám sát. Việc các hoạt động giám sát chuyên đề được thực hiện theo kế hoạch, được tổ chức bài bản theo một quy trình thống nhất, có nội dung, tiến độ, có cách thức tổ chức phù hợp, đem lại hiệu quả giám sát ngày càng cao hơn. Mỗi hoạt động giám sát, mỗi khâu trong quy trình giám sát đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng. Vì vậy, sản phẩm cuối cùng có chất lượng cao, là căn cứ để các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện, làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, khi mọi hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian vừa qua đều được thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã đề ra và thời gian quyết định nội dung giám sát được chuyển từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp đầu năm trước để các cơ quan chủ trì giám sát có nhiều thời gian chuẩn bị hơn thì tính thời sự của các nội dung Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề càng ngày càng giảm. Tuy các chuyên đề được lựa chọn luôn luôn là những vấn đề lớn, quan trọng, được cử tri cả nước quan tâm, có nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội trong một thời gian dài. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn có những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề nóng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải lên tiếng, thể hiện thái độ, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của cơ quan dân cử của quốc gia, của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cả nước. Nhiều vấn đề thực tiễn mới phát sinh, được Chính phủ hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết theo quy trình rút gọn, nếu được tổ chức giám sát theo chuyên đề một cách bài bản, toàn diện thì sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Mặc dù Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều cách thức khác nhau để lên tiếng trong những trường hợp này, ví dụ như đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bằng văn bản; các cơ quan của Quốc hội có thể tổ chức phiên giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tổ chức cuộc họp để yêu cầu báo cáo... Tuy vậy, về mặt quy trình, cần cho thấy mọi phương thức giám sát của Quốc hội đều có khả năng được sử dụng trong trường hợp này, còn việc lựa chọn phương thức nào sẽ tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định. Do đó, ngoài các nội dung giám sát chuyên đề được xác định sẵn theo chương trình, kế hoạch, cần để ngỏ khả năng để Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội quyết định việc tiến hành ngay các hoạt động giám sát chuyên đề, kể cả chuyên đề giám sát tối cao theo yêu cầu của thực tiễn, trong từng trường hợp cụ thể.

 

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng bằng hình thức điện tử.

2. Tăng cường sự tham gia của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước

Việc phối hợp các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được thực hiện khá thường xuyên trong thời gian vừa qua và đem lại hiệu quả khá rõ rệt. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với: (1) hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương là Hội đồng nhân dân các cấp để bảo đảm những vấn đề mang tính địa phương, vùng, miền được xem xét một cách cẩn trọng; (2) hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là hoạt động giám sát mang tính xã hội, hoạt động giám sát của nhân dân đối với nhà nước, nhằm bảo đảm tính dân chủ và xây dựng, hoàn thiện nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (3) phối hợp với Kiểm toán nhà nước và sử dụng kết quả kiểm toán là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để đánh giá tính phù hợp, tính hiệu quả của các quy định pháp luật về các chính sách phát triển kinh tế, tài chính và sự tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các cơ chế phối hợp giám sát nêu trên cần tiếp tục được tăng cường và phát huy hơn nữa trong trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động thanh tra nhà nước của Chính phủ và thanh tra chuyên ngành. Tuy mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước có đối tượng và đặc điểm hoạt động riêng, nhưng việc phối hợp của các cơ quan đều dựa trên nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, các cơ quan nhà nước phân công, phối hợp, kiểm soát hoạt động, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, hướng tới mục đích chung là vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân.

Hoạt động kiểm tra và giám sát của Đảng là những hoạt động thông thường được cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra thực hiện với nội dung là việc chấp hành Cư­ơng lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt tình hình tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi quản lý về chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện chức trách, nhiệm vụ đư­ợc giao, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư­ tư­ởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo các quy định của Đảng và hướng tới mục đích nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Hoạt động thanh tra của Chính phủ là việc thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc phối hợp hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội với hoạt động kiểm tra Đảng và thanh tra Nhà nước sẽ đem lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn, khi xác định được các hành vi vi phạm, sẽ đồng thời xác định và truy cứu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân có sai phạm. Hình thức phối hợp sẽ không chỉ là việc mời một thành viên của Ủy ban kiểm tra Trung ương hay lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ tham gia Đoàn giám sát mà cần yêu cầu, đề nghị các cơ quan cùng đồng thời lập kế hoạch tiến hành kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, theo đối tượng, phạm vi kiểm tra, thanh tra, giám sát thống nhất.


Quốc hội tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. 

3. Quốc hội thảo luận tập thể về các kiến nghị giám sát

Hiện nay, sau hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đều có ban hành nghị quyết giám sát; sau một số hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ban hành nghị quyết giám sát nhưng sau giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thì hình thức văn bản chỉ là các báo cáo, kiến nghị. Một số báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội được gửi đến đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp để tự nghiên cứu, chưa được tổ chức thảo luận. Do đó, các kiến nghị qua hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm thực thi.

Tổng hợp các kiến nghị qua giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội thảo luận tập thể và ban hành nghị quyết riêng hoặc đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Cách làm này sẽ giúp cho hoạt động giám sát của từng cơ quan chuyên môn của Quốc hội và của cơ quan thường trực Quốc hội sẽ được toàn thể các đại biểu Quốc hội nắm bắt thông tin, thảo luận, thể hiện chính kiến và giám sát việc triển khai thực hiện.

Trong khi các hoạt động giám sát chuyên đề thường được các Ủy ban đầu tư thời gian, công sức để chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành giám sát toàn diện, xem xét vấn đề dưới góc độ của cơ quan chuyên môn vừa chuyên sâu, vừa cụ thể nên rất nhiều kiến nghị rất sát thực, cụ thể, có tính xây dựng và tính khả thi cao. Mặc dù có thể nói trách nhiệm tiếp tục theo đuổi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các kiến nghị qua giám sát chuyên đề là của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban nhưng nếu được Quốc hội thảo luận và ban hành Nghị quyết sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Ở chiều ngược lại, khi kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được coi trọng như vậy, cũng vừa là động lực vừa là áp lực đối với các Ủy ban của Quốc hội phải liên tục nỗ lực, đổi mới nội dung và cách thức tiến hành giám sát để hoạt động giám sát đạt kết quả cao hơn.


4. Thường xuyên giám sát lại

Yêu cầu về việc tổ chức giám sát lại đối với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành giám sát là một trong những cách thức hiệu quả cho việc xem xét việc triển khai thực hiện các các nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Đa số các nghị quyết giám sát hiện nay có yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo về kết quả thực hiện và yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Tuy vậy, khi các báo cáo được gửi về, chủ yếu gửi đến đại biểu Quốc hội để tham khảo và nếu đại biểu quan tâm thì đọc báo cáo, mà không được tổ chức thẩm tra, thảo luận tập thể. Bên cạnh đó, do các luật, nghị quyết đặt ra yêu cầu giám sát quá nhiều, lại chung chung nên các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chưa đưa vào chương trình công tác của mình để triển khai thực hiện.

Do đó, cần đặt ra yêu cầu bắt buộc tiến hành giám sát lại đối với hoạt động giám sát chuyên đề. Tùy theo mỗi nội dung chuyên đề khác nhau mà Trưởng đoàn giám sát quyết định về nội dung, thời gian sẽ tiến hành giám sát lại. Việc giám sát lại cần được ghi rõ vào báo cáo giám sát hoặc nghị quyết giám sát. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, cần phải triển khai thực hiện lâu dài, có thể đặt ra yêu cầu giám sát định kỳ (1-2 năm/lần)./.

                 

TS.Nguyễn Thị Mai Thoa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

TS.Nguyễn Thị Mai Thoa

Bài viết cùng chuyên mục