LÝ LUẬN & TRAO ĐỔI

Nhìn lại hoạt động đối ngoại năm 2023: Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước ngày càng được củng cố, thúc đẩy, đi vào chiều sâu, thực chất

31/12/2023
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2023 đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo dấu ấn đậm nét, góp phần không nhỏ vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước. Trong đó, hoạt động ngoại giao song phương, nổi bật là việc đón các Đoàn Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm chính thức đã được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện, góp phần quan trọng trong tổng thể thành tựu đối ngoại chung của đất nước; đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước phát triển theo chiều sâu, toàn diện và thực chất.

GÓC NHÌN: XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRÊN THẾ GIỚI VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG CỦA VIỆT NAM

PHÁT HUY TỐI ĐA LỢI THẾ CỦA NGOẠI GIAO NGHỊ VIỆN, ĐƯA VIỆT NAM ĐẾN GẦN HƠN VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ (Phần 2)

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: THAM GIA TRIỂN KHAI ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI ĐỒNG BỘ VỚI TẤT CẢ CÁC KÊNH KHÁC, TẠO NÊN SỨC MẠNH ĐỐI NGOẠI TỔNG HỢP CỦA QUỐC GIA



Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ giang sơn gấm vóc, bảo vệ văn hóa, con người Việt Nam đã hun đúc, bồi đắp, kết tinh nên bản sắc riêng, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam phản ánh bản sắc của dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ bang giao với thế giới và thông qua tương tác với bên ngoài để làm giàu thêm bản sắc của mình, rất độc đáo, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối ngoại, ngoại giao đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản: đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, trong đó nội lực đóng vai trò quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Bởi vậy, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường để bảo vệ giang sơn, giành lại độc lập, chủ quyền, ông cha ta luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, lấy hòa bình, hòa hiếu và hữu nghị làm cốt lõi, đề cao lòng nhân ái, vị tha và bao dung, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn. Tinh thần yêu nước và ý chí vươn lên giành tự do, độc lập, yêu chuộng hòa bình và đấu tranh cho hoà bình, thủy chung và hoà hiếu, gây dựng và củng cố hữu nghị, đấu tranh cho lẽ phải, công lý và chính nghĩa đã tạo nên hồn cốt và khí phách của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, người đã đặt nền móng trực tiếp và chỉ đạo, dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến nhiệm kỳ khoá XIII, cụ thể là tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam có từ những ngày đầu và gắn liền với công cuộc bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng của nước Việt Nam mới. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố và mở rộng, góp phần phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và đưa hoạt động ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu. Kể từ khi Quốc hội được thành lập đến nay, hoạt động ngoại giao nghị viện đã được triển khai liên tục, với mức độ khác nhau và tính chủ động, hiệu quả từng bước được nâng lên rõ rệt. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội không chỉ dừng lại ở việc tham gia các hoạt động đối ngoại tại các diễn đàn song phương, đa phương mà điều quan trọng hơn cả chính là việc tham gia của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng, hoạch định chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, vai trò của Quốc hội ngày càng được khẳng định thông qua việc quyết định và thực hiện các chính sách lớn về đối ngoại; giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...


Trong tổng thể đường lối đối ngoại của đất nước, đối ngoại của Quốc hội có những đặc thù và lợi thế riêng xuất phát từ địa vị pháp lý là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Vì vậy, đối ngoại Quốc hội có tính đặc thù, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc. Từ đó, đối ngoại Quốc hội có thể đóng vai trò gắn kết giữa ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy phương châm, định hướng đối ngoại của Quốc hội thể hiện rõ nét trong từng hoạt động, để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều tác động tích cực, thiết thực cho sự ổn định, phát triển đất nước. Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực và hiệu quả, ngày càng minh chứng là động lực quan trọng, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới.

Như TS.Ngô Đức Mạnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại từng phân tích, hoạt động đối ngoại Quốc hội hay đại biểu Quốc hội là nhằm hỗ trợ hoạt động ngoại giao nhà nước và các hoạt động ngoại giao khác góp phần thực hiện mục tiêu đường lối, chính sách đối ngoại của quốc gia. Khi tham gia các quan hệ quốc tế, các đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân trực tiếp bầu ra, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, đồng thời đóng vai trò cầu nối giữa cử tri nước mình với thế giới.

Với vai trò là cơ quan lập pháp và giám sát tối cao, Quốc hội đóng vai trò quyết định trong việc tạo môi trường pháp lý để triển khai các chính sách đối ngoại của Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, Quốc hội quyết định các chủ trương, chính sách lớn về đối ngoại như tham gia các tổ chức quốc tế, phê chuẩn các điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Đồng thời, giám sát Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách đối ngoại và quyết định phân bổ ngân sách cho toàn bộ công tác đối ngoại. Do vậy, có thể nói đối ngoại của Quốc hội tham gia vào mọi khâu của đối ngoại quốc gia.


Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với nhiều nội dung cốt lõi. Trong đó, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Sau Đại hội XIII của Đảng, cùng với việc tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp cuối nhiệm kỳ Khoá XIV, chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhưng Đảng Đoàn Quốc hội đã chủ động xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 107 nội dung, đề án cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đối ngoại của Quốc hội. Nhờ đó, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội ta đã diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.

 

Các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội đã diễn ra sôi động.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Mới đây, khi điểm lại những kết quả, thành tựu đạt được kể từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư nêu rõ đối ngoại của Quốc hội cũng được triển khai ngày càng chủ động, tích cực, thúc đẩy quan hệ với quốc hội, nghị viện nhiều nước đi vào chiều sâu và nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trong AIPA, IPU.


Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và cũng là năm Đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức chưa từng có. Song với tinh thần biến thách thức thành cơ hội, hoạt động đối ngoại của Quốc hội không những vẫn đảm bảo được mạch phát triển mà còn diễn ra sôi động, hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Năm 2022, hoạt động ngoại giao nghị viện song phương, đặc biệt là trao đổi Đoàn cấp cao Lãnh đạo Quốc hội và các hoạt động trực tiếp của các đại biểu Quốc hội, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới, tạo dựng môi trường hòa bình ở khu vực, mở rộng hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.

Tiếp nối những thành tựu của năm 2021 và năm 2022, sang năm 2023, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội càng thêm thuận lợi. Sau khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh, ngoại giao nghị viện song phương diễn ra chủ yếu bằng hình thức trực tiếp, sôi nổi, trong đó nổi bật trong hoạt động đối ngoại song phương là những chuyến thăm chính thức Việt Nam của các Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước.

 

Trong năm 2023, Quốc hội đón 10 Đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm và làm việc tại Việt Nam, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước Bạn nói chung, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội/Nghị viện các nước nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Ngay từ đầu năm, khi đất nước chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng diễn ra sôi động, với việc đón Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam, khởi đầu cho hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa Quốc hội Việt Nam và các nước trong năm 2023. Quốc hội Việt Nam đã đón lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước thăm chính thức như Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D’Hose; Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa; Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin và gần đây nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/11-02/12/2023. Đây là lãnh đạo Nghị viện các nước láng giềng, các đối tác quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, nhân dịp diễn ra Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Tonga Lord Fakafanua và Chủ tịch Quốc hội Malawi Catherine Gotani Hara tiếp Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong. Cũng trong năm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ đón và có cuộc tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Esteban Lazo Hernandez dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cuba thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng Giải phóng Miền Nam Việt Nam và nhận Huân chương Carlos Manuel de Cesesspespeedes - Huân chương cao quý của Đảng, Nhà nước Cuba.

 

Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez trân trọng trao Huân chương Carlos Manuel de Cesesspespeedes tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nhìn lại năm qua, việc đón tiếp các Đoàn Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm chính thức Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước Bạn nói chung, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội/Nghị viện các nước nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Điểm lại một trong những kết quả nổi bật, có thể kể đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo ngay từ đầu năm, tại chuyến thăm này, lãnh đạo hai bên nhất trí sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng bền vững, cân bằng hơn trên cơ sở khai thác tốt các Hiệp định thương mại song phương và đa phương hiện có; thúc đẩy hợp tác để Hàn Quốc trở thành đối tác chiến lược thực sự của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn; nhất trí trao đổi, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng một cách công bằng để hiện thực hóa cam kết của mỗi nước tại Hội nghị COP26.

Hay tại chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa, hai bên đã nhất trí chuẩn bị để sớm ký thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản, làm cơ sở để cơ quan lập pháp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn, nhất là trong hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư tại mỗi nước. Tăng cường trao đổi đoàn, giao lưu, tiếp xúc giữa các nghị sĩ, nhất là nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ giữa hai nước, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối quan trọng của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật bản và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam trong việc thúc đẩy giao lưu Nhân dân, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác giữa các địa phương.

Cùng với đó, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin, hai Bên ghi nhận những kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian qua; khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác nghị viện giữa hai nước trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga; nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bên thống nhất tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả các định hướng hoạt động được Ủy ban hợp tác liên nghị viện, cơ chế hợp tác liên nghị viện đầu tiên và là duy nhất đến thời điểm hiện nay giữa Quốc hội Việt Nam với một cơ quan lập pháp nước ngoài.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ đón, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary.

Hay gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary, hai bên nhất trí cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các dự án kết nối giao thông hai nước; tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn phù hợp nhu cầu của hai bên; khuyến khích các địa phương kết nối cảng biển; hợp tác du lịch đường bộ gắn với khai thác thế mạnh đặc sắc về văn hóa, di sản, ẩm thực; thu hút du khách quốc tế quay trở lại; thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch tại Khu vực Tam giác phát triển, phối hợp với Lào đẩy mạnh du lịch “Một hành trình ba điểm đến” qua Campuchia - Lào - Việt Nam. Phát huy vai trò Cơ quan lập pháp hai nước trong thúc đẩy quan hệ song phương; giám sát các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tích cực triển khai hiệu quả các Hiệp ước, Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động của Quốc hội một cách hiệu quả, nhất là trong xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát triển khai thực hiện pháp luật và đóng góp vào quyết sách quan trọng của mỗi nước....         

Có thể thấy, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua đã được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện; góp phần quan trọng trong tổng thể thành tựu đối ngoại chung của đất nước; đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước phát triển theo chiều sâu, toàn diện và thực chất; được đánh giá là “điểm sáng trong quan hệ song phương” trong tổng thể quan hệ với nhiều nước. Các hoạt động trên đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thực chất; góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, đồng thời làm sâu sắc hơn, thực chất hơn với các nước trong khu vực, bạn bè hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược.

 

Ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước​.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước, đối tác trong bối cảnh mới; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực; phát huy hiệu quả, lợi thế và nét đặc thù vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam./.

Minh Thành - Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Bài viết cùng chuyên mục