Quy chế

Quy chế chấm Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

19/12/2023
I. Nguyên tắc chung
          - Việc chấm Giải Diên Hồng được tổ chức thành 02 vòng, gồm: chấm sơ khảo và chấm chung khảo. Hội đồng chấm sơ khảo có trách nhiệm chấm sơ khảo; Hội đồng chấm chung khảo có trách nhiệm chấm chung khảo.
          - Hội đồng chấm Giải Diên Hồng (Hội đồng chấm sơ khảo và Hội đồng chấm chung khảo) làm việc căn cứ trên Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng).
          - Hội đồng chấm Giải Diên Hồng làm việc với tinh thần trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc đánh giá tác phẩm. Căn cứ vào các vòng chấm điểm, các thành viên Hội đồng đều bình đẳng trong đánh giá, thẩm định và lựa chọn tác phẩm.
          - Đánh giá của các thành viên Hội đồng chấm Giải thể hiện bằng cách chấm điểm đối với từng tác phẩm. Kết quả chấm điểm của Hội đồng phải được bảo mật để bảo đảm tính khách quan của Giải.
          II. Tiêu chí chấm giải
 
STT Tiêu chí Diễn giải Điểm
1 Tính chân thực, tính phát hiện, tính tiêu biểu - Phản ánh các sự việc, sự kiện, nhân vật có thật trong thực tiễn liên quan tới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm tính chân thực, không làm sai lệch diễn biến, tính chất, ý nghĩa của sự việc, sự kiện hoặc các hoạt động của nhân vật trong tác phẩm báo chí.
- Đề cập đến những vấn đề mới có tác dụng thúc đẩy hiệu quả về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
- Tác phẩm có tính tiêu biểu, nâng cao nhận thức của người dân về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng luật và thực thi các quyết sách của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
4
2 Ý nghĩa và tác động xã hội - Tác động tích cực tới nhận thức của hệ thống chính trị về tiến trình đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
- Tác phẩm báo chí có sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực tới các nhóm công chúng trong cộng đồng đối với các vấn đề liên quan tới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
3
3 Hình thức
thể hiện
- Ngôn ngữ và cách thể hiện rõ ràng, mạch lạc, thể hiện tốt đặc trưng loại hình và đặc trưng thể loại báo chí.
- Ưu tiên tác phẩm có hình thức thể hiện sáng tạo, hấp dẫn, ứng dụng công nghệ hiện đại.
3
Tổng điểm     10

III. Về cách thức, quy trình chấm điểm và cách thức lựa chọn tác phẩm
1. Về chấm sơ khảo
1.1. Về cách thức chấm điểm
- Hội đồng chấm sơ khảo đánh giá các tác phẩm bằng hình thức chấm điểm theo thang điểm 10. Số điểm chấm đối với mỗi tác phẩm cao nhất (tối đa) là 10, bước điểm là 0,25.
- Số điểm chính thức của mỗi tác phẩm là điểm chia trung bình của tổng số điểm các thành viên chia cho số thành viên tham gia chấm tác phẩm đó.
- Các tác phẩm ảnh báo chí được chấm tập trung tại chỗ. Việc chấm, đánh giá của từng thành viên Hội đồng chấm sơ khảo đối với 01 tác phẩm không được chênh nhau từ 02 điểm trở lên (nếu có, Hội đồng chấm sơ khảo sẽ mời các thành viên đó trao đổi để thống nhất mức điểm).
- Thành viên Hội đồng chấm sơ khảo có tác phẩm dự Giải (kể cả có tên trong nhóm tác giả) không được chấm điểm các tác phẩm của mình.
1.2. Về quy trình chấm điểm
Bước 1:
- Ban Thư ký Giải bàn giao tác phẩm và các hồ sơ giấy tờ cần thiết cho các Trưởng Tiểu ban (hoặc Phó Trưởng Tiểu ban) để Trưởng Tiểu ban giao cho các thành viên trong Tiểu ban. Trưởng và Phó Trưởng Tiểu ban xác định lịch chấm điểm của Tiu ban mình, sau đó thông báo cho Ban Thư ký Giải để bố trí địa điểm, chuẩn bị trang thiết bị và công tác hậu cần phục vụ công tác chấm điểm.
- Sau khi nghiên cứu, xem xét tác phẩm và các hồ sơ cần thiết, các thành viên ghi nhận xét, đánh giá và dự kiến số điểm của mình đối với từng tác phẩm. Riêng thể loại ảnh báo chí sẽ được chấm chung ở Tiểu ban Báo in và Báo ảnh.
- Sau khi từng thành viên của các Tiểu ban hoàn thành việc chấm điểm, các Tiểu ban họp nhóm để trao đổi, nhận xét, đánh giá về tác phẩm, số điểm được chấm và chọn ra các tác phẩm có điểm chia trung bình từ cao xuống thấp để đưa vào vòng chấm chung khảo; có biên bản để chuyển tới Ban Thư ký Giải.
Bước 2:
- Trưởng và Phó Trưởng các Tiểu ban của Hội đồng chấm sơ khảo họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng chấm sơ khảo (có sự tham gia của Ban Tổ chức và Ban Thư ký Giải) để nghe báo cáo kết quả tổng hợp việc chấm ở các Tiểu ban.
- Danh sách các tác phẩm lọt vào vòng chấm chung khảo được Ban Thư ký Giải xếp riêng theo từng Tiểu ban có thứ tự điểm từ cao xuống thấp (điểm chia trung bình).
- Văn bản các phiên họp của Hội đồng chấm sơ khảo; văn bản cuộc họp các Tiểu ban, ý kiến đánh giá của các thành viên, phiếu nhận xét và số điểm chấm của từng tác phẩm sẽ được Ban Thư ký Giải chuyển giao cho Hội đồng chấm chung khảo để xem xét. Các văn bản nhận xét, đánh giá nêu trên và số điểm chấm của Hội đồng chấm sơ khảo đối với mỗi tác phẩm được giữ bí mật tuyệt đối.
1.3. Về cách chọn tác phẩm vào vòng chấm chung khảo
- Hội đồng chấm sơ khảo chọn ra các tác phẩm có điểm chia trung bình từ cao xuống thấp để đưa vào vòng chấm chung khảo và có biên bản để chuyển tới Hội đồng chấm chung khảo.
- Số lượng tác phẩm vào vòng chấm chung khảo sẽ tuỳ theo chất lượng tác phẩm và ý kiến quyết định của Ban Chỉ đạo Giải.
- Chủ tịch Hội đồng chấm sơ khảo sẽ báo cáo kết quả chấm sơ khảo với Ban Tổ chức Giải và Hội đồng chấm chung khảo trước khi Hội đồng chấm chung khảo chính thức thẩm định các tác phẩm lọt vào vòng chấm chung khảo. Ban Tổ chức báo cáo Ban Chỉ đạo để quyết định tổng số lượng bài vào chấm chung khảo và các vấn đề khác nếu có phát sinh.
2. Về chấm chung khảo
2.1. Cách thức chấm
- Trên cơ sở đề xuất các tác phẩm lọt vào vòng chấm chung khảo của Hội đồng chấm sơ khảo và phê duyệt của Ban Chỉ đạo Giải, Hội đồng chấm chung khảo sẽ thẩm định và tuyển chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc để đề nghị Ban Chỉ đạo Giải Diên Hồng quyết định trao Giải. 
- Hội đồng chấm chung khảo thẩm định kết quả chấm sơ khảo, bỏ phiếu lựa chọn tác phẩm đoạt giải đối với các tác phẩm được Hội đồng chấm sơ khảo chọn đưa vào vòng chấm chung khảo.
- Thành viên Hội đồng chấm chung khảo có tác phẩm dự Giải (kể cả có tên trong nhóm tác giả) không được bỏ phiếu cho tác phẩm của mình.
- Phiên họp của Hội đồng chấm chung khảo chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Ban Thư ký Giải có nhiệm vụ giúp Hội đồng chấm chung khảo ghi biên bản và tổng hợp kết quả chấm chung khảo.
2.2. Quy trình chấm chung khảo
- Các tác phẩm được gửi tới thành viên Hội đồng chấm chung khảo trước khi họp toàn thể Hội đồng. Các thành viên tự nghiên cứu, xem xét và đánh giá chất lượng các tác phẩm báo in, tạp chí in, báo ảnh, báo điện tử, tạp chí điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình.
- Các tác phẩm được chấm chung tại phiên họp toàn thể của Hội đồng          chấm chung khảo.
- Phiên họp toàn thể của Hội đồng chấm chung khảo sẽ xem xét các nội dung sau đây:
+ Xem xét, chấm các tác phẩm báo chí.
+ Trao đổi, xem xét kết quả chấm các loại hình báo chí tham dự Giải.
+ Trao đổi, thảo luận, dự kiến cơ cấu, số lượng các loại giải trên cơ sở Thể lệ Giải Diên Hồng của năm đó và tình hình chất lượng các tác phẩm tham dự Giải.
+ Bỏ phiếu kín để chọn các tác phẩm trao giải Đặc biệt, A, B, C, Khuyến khích.
+ Thảo luận và lựa chọn trao giải xuất sắc cho một số cơ quan báo chí, hội nhà báo tiêu biểu trên cơ sở đề xuất của cơ quan thường trực Giải.
2.3. Về việc lựa chọn tác phẩm để trao giải
- Hội đồng chấm chung khảo chọn ra các tác phẩm có điểm chia trung bình từ cao xuống thấp để đưa vào danh sách trao Giải theo cơ cấu giải thưởng đã được quy định trong Thể lệ. Việc lựa chọn tác phẩm xuất sắc để trao thưởng căn cứ vào tình hình thực tế, không nhất thiết mỗi loại hình báo chí phải xét đủ số lượng các giải Đặc biệt, A, B, C, Khuyến khích theo cơ cấu giải thưởng.
- Hội đồng chấm chung khảo trình Ban Tổ chức và Ban Chỉ đạo Giải xem xét, quyết định tác phẩm đoạt giải.
Quy chế này được thông báo tới các thành viên Hội đồng chấm Giải để triển khai thực hiện./.
BAN TỔ CHỨC GIẢI DIÊN HỒNG

Bài viết cùng chuyên mục