Tác phầm đoạt giải

Phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá Quốc hội Việt Nam (Bài 2): Đồng hành, gắn bó cùng dân tộc

02/04/2023
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quốc hội còn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, với mục đích chống phá, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn liên tục “ném đá giấu tay”, chơi trò “chọc gậy bánh xe”, cố tình chia rẽ Đảng với Nhà nước và Quốc hội; Đảng, Nhà nước, Quốc hội với nhân dân. Đây là điều không thể chấp nhận!

Trung thành với lợi ích của quốc gia - dân tộc

Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội được giao trọng trách thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quốc hội Việt Nam làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Các quyết định được Quốc hội đưa ra đều dựa trên sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều, vì lợi ích của quốc gia - dân tộc.

Các quyết định được Quốc hội đưa ra đều dựa trên sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều, vì lợi ích của quốc gia - dân tộc. Trong ảnh: Một phiên họp tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV - Ảnh: Q.H

Trên lĩnh vực lập pháp, hơn 77 năm qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội ban hành. Việc nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Hằng năm, căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…, Quốc hội sẽ quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Trong quy trình làm luật, Quốc hội nước ta luôn đề cao và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Khi lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, cơ quan, tổ chức, đại biểu đề nghị phải tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quá trình soạn thảo, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo tiếp tục phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời phải đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử theo quy định trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những trường hợp được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Trước khi được thông qua, các dự án luật sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng. Trên thực tế, đã có không ít dự án luật khi mới được thông qua đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính khả thi, phù hợp. Tuy nhiên, trải qua thực tiễn áp dụng, các luật này đều cho thấy tính cần thiết và hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đơn cử, khi Luật An ninh mạng được bấm nút thông qua năm 2018, không ít ý kiến lo ngại cho rằng luật này sẽ ngăn cản sự phát triển của internet tại Việt Nam. Vậy nhưng từ đó đến nay, internet tại Việt Nam không hề có dấu hiệu bị ngăn cản mà ngược lại vẫn phát triển hết sức mạnh mẽ. Trong khi đó, nhiều vấn đề xâm phạm an ninh mạng đã bị xử lý nghiêm, kịp thời, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng. Mục tiêu cao nhất mà chúng ta hướng đến là tất cả các luật được thông qua đều có tính khả thi, bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng, phản ánh rõ ý chí của nhân dân, phù hợp với quá trình phát triển đất nước.

Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội là cơ quan quyết định mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước… 

Thời gian qua, Quốc hội đã vô cùng nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Minh chứng tiêu biểu là chỉ trong một thời gian ngắn, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết của đất nước. Và tại các kỳ họp bất thường, Quốc hội đã quyết định hàng loạt vấn đề quan trọng, mang tính cấp bách như: thông qua các dự án luật; thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhìn vào những thành tựu mà Việt Nam đạt được, không ai có thể phủ nhận chúng ta đã có những bước tiến dài trên tất cả lĩnh vực. Chỉ với gần 40 năm đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại, phải đối mặt với bao vây, cấm vận, Việt Nam đã vươn mình, từng bước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Việt Nam thực sự là vùng “đất lành” để các doanh nghiệp quốc tế đến “làm tổ”. Trong năm 2022, chúng ta đã trở thành điểm đến của các doanh nghiệp tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư gần 22,4 tỷ USD. Chính những thành quả mà Việt Nam đạt được là chất keo vững chắc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Quốc hội và đồng thời là minh chứng thực tiễn khẳng định tính hiệu quả của Quốc hội Việt Nam.

Hoạt động ngày càng chất lượng

Trong việc thực hiện chức năng giám sát tối cao, dễ dàng nhận thấy hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện ngày càng bài bản, thực chất và hiệu quả. Nổi bật và thu hút sự chú ý nhiều nhất của dư luận là các phiên chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra diễn đàn nghị trường. Không chỉ dừng lại ở việc hỏi - đáp đơn thuần, nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận trực tiếp với người được chất vấn để làm rõ những vấn đề còn vướng, còn mắc, còn ý kiến khác nhau. Những tranh luận của đại biểu Ksor H’Bơ Khắp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV hay tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Thủy đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng hồi cuối năm 2022… đã để lại dấu ấn đậm nét đối với cử tri. Có thể thấy, tinh thần làm việc của Quốc hội là hết sức dân chủ, minh bạch, rõ ràng. 

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 3-1-2023 đến 27-3-2023, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo luật đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, bằng nhiều hình thức, có phân loại đối tượng, phát huy tối đa sức mạnh của từng đối tượng lấy ý kiến; bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả và chất lượng.

Ngoài ra, một “phương tiện” giám sát khác cũng luôn nhận được sự quan tâm của cử tri là bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc bỏ phiếu tín nhiệm những năm qua được thực hiện công khai, công bằng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật của người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã trở thành căn cứ quan trọng phục vụ đánh giá cán bộ. Trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng đang mở rộng các mối quan hệ đối ngoại cả song phương lẫn đa phương. Các hoạt động ngoại giao nghị viện diễn ra hết sức sôi nổi. Việc mở rộng quan hệ đối ngoại góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trần Tú - Hoàng Thu

Bài viết cùng chuyên mục